Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia nói rõ: “Chúng tôi tổ chức chuyến bay không phải vì động cơ chia chác. Chúng tôi phải ngăn chặn môi giới, phải cố gắng đưa bà con về nước”.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu Đại sứ nói phải ngăn chặn môi giới, đưa bà con về nước

Nhã Thanh | 19/07/2023, 11:21

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia nói rõ: “Chúng tôi tổ chức chuyến bay không phải vì động cơ chia chác. Chúng tôi phải ngăn chặn môi giới, phải cố gắng đưa bà con về nước”.

Sáng 19.7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục diễn ra ở phần tranh tụng.

“Chúng tôi cố gắng đưa bà con về nước”

Trong vụ án này, bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) cùng các cấp dưới bị VKS truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và đề nghị xử phạt bị cáo Thái từ 5 – 6 năm tù.

Vụ án tại Đại sứ quán ở Malaysia được phát hiện tháng 3.2022 khi ông Quách Văn Mừng - người Việt ở Malaysia - viết đơn tố cáo việc thu tiền trái quy định.

Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ tháng 5.2020 – 1.2022, Đại sứ quán tại Malaysia tổ chức 8 chuyến bay “giải cứu”, đưa 1.891 người chấp hành xong án phạt tù ở 19 “trại chờ” về nước.

Tuy nhiên, Đại sứ quán thu của mỗi người mãn hạn tù 20,3 triệu đồng; ai không có hộ chiếu phải nộp 25 triệu đồng. Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về thủ đô (Kuala Lampur) sẽ phải nộp từ 30 - 35 triệu đồng/người. Trong đó, riêng khoản cấp hộ chiếu, các bị cáo thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng/cuốn.

Với tổng cộng gần 1.900 người mãn hạn tù được "giải cứu", Trần Việt Thái và cấp dưới thu 44,6 tỉ đồng, trong đó, chi phí là 33 tỉ đồng còn lại "lãi" hơn 11 tỉ đồng. Ông Thái và các cấp dưới giữ lại 5 tỉ đồng tại Đại sứ quán, còn lại thì chia nhau. Trong đó, bị cáo Thái hưởng 580 triệu, cấp dưới được hưởng thấp hơn.

quang-canh.jpeg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: N.A

Khi được HĐXX cho phép tự bào chữa, bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) khẳng định bản thân không lấp liếm, bao biện, có sai thì nhận, có thiệt hại thì chủ động khắc phục. Tuy nhiên, cựu Đại sứ xin được làm rõ các vấn đề về kinh phí dự phòng, về việc mượn tài khoản, việc thu sai quy định…

Theo lời khai của ông Thái, mức thu đã tính toán rất nhiều yếu tố và phải tính để dự phòng các rủi ro bởi giá cả liên tục tăng. Nhưng vì rủi ro được ngăn chặn nên tiền đó thừa ra. Ông Thái nêu ví dụ về rủi ro như nếu chuyến bay bị hủy, hoãn thì phải “nuôi họ thêm 1 tháng”, đây là một vấn đề cần dự phòng chi phí; hoặc là chi phí test COVID-19 nhiều lần không thể tính toán trước…

Ngoài ra, bị cáo Thái cũng nói rõ: “Chúng tôi tổ chức chuyến bay không phải vì động cơ chia chác. Chúng tôi phải ngăn chặn môi giới và cố gắng đưa bà con về nước”. Tại tòa, cựu Đại sứ cũng cho biết môi giới Quách Văn Mừng đã cấu kết với người bản địa, thu mỗi người về từ 40 - 60 triệu đồng/vé, thậm chí 80 triệu đồng/vé.

Cũng liên quan đến đưa người mãn hạn tù về nước, ông Thái trình bày đã xin 2 tàu hải quân để đưa tất cả về nhưng trong nước không trả lời. Bị cáo có điện cho Đỗ Hoàng Tùng (Cục phó Cục Lãnh sự) xin 4 - 5 chuyên cơ sang chở hết về nhưng bị cáo Tùng bảo không có chỗ cách ly nên phải tổ chức thành nhiều chuyến bay. Ông Thái nói rằng nếu không tổ chức chuyến bay, chỉ vào trại thu mỗi tiền hộ chiếu, hướng dẫn họ nộp tiền thì họ cũng không về được vì còn chi phí cách ly, nhiều chi phí khác…

Trước khi kết thúc phần tự bào chữa, bị cáo Thái cảm ơn các đồng nghiệp, những người dám làm nhưng giờ lại không theo quy định mà theo quy định sẽ không làm được việc.

“Xin tòa xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của tôi", cựu Đại sứ nói.

vu-hong-nam.jpg
Bị cáo Vũ Hồng Nam được dẫn giải tới phiên tòa - Ảnh: D.T

Sai khi không cưỡng lại sự cám dỗ

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) nhận lỗi: “Tôi sai, tôi không ngụy biện cho tội lỗi của mình”.

Bào chữa cho bị cáo Vũ Hồng Nam, luật sư Trần Nam Long rất mong HĐXX và VKS xem xét, cân nhắc thêm khía cạnh bối cảnh dẫn tới hành vi phạm tội để giảm nhẹ hơn nữa trách nhiệm hình sự cho Vũ Hồng Nam.

Theo phân tích của luật sư Trần Nam Long, ông Nam không hề có ý thức thực hiện việc tổ chức các chuyến bay nhằm mục đích vụ lợi, mà mục đích lớn nhất là để bảo hộ công dân; giải tỏa sức ép chính trị, ngoại giao của nước bạn và bảo vệ uy tín quốc gia.

Theo luật sư, tại thời điểm bùng phát dịch bệnh (tháng 6.2020), có hơn 500.000 công dân làm việc tại Nhật. Đặc điểm chung của cộng đồng người Việt Nam ở Nhật là xuất thân từ các gia đình nghèo, ở nông thôn, sang Nhật lao động phổ thông dưới dạng visa du học, hoặc đi học tiếng kết hợp làm việc để lấy tiền chi trả học phí và tiền ăn ở. Khi dịch bệnh xảy ra, lĩnh vực mà người Việt Nam làm việc bị ảnh hưởng nặng nề khiến cho họ không có công ăn việc làm, mất nguồn sống…

“Trong cả giai đoạn đại dịch 2 năm (2020 – 2021), có khoảng 86 nghìn bản đăng ký về nước của công dân. Lúc này, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội đã có công hàm chính thức đề nghị Việt Nam sớm giải quyết việc đưa công dân Việt Nam về nước”, luật sư cho biết.

Luật sư cho rằng bối cảnh cực kỳ bức thiết đó là lý do thân chủ của mình phải liên tục gửi 11 công điện và điện mật cho Bộ Ngoại giao, Chính phủ và rất nhiều văn bản cho các địa phương; liên hệ với các doanh nghiệp có năng lực nhằm đưa thêm càng nhiều công dân về nước càng tốt. Thực tế, đã tổ chức thêm 16 chuyến bay với gần 5.000 công dân về nước, trong đó có 6 chuyến bay của Công ty Nhật Minh.

Liên quan đến hành vi nhận hối lộ, luật sư cho biết việc nhận tiền của bị cáo Nam có một phần lỗi không nhỏ từ phía doanh nghiệp. Về phía mình, bị cáo Nam cũng có lỗi là "không cưỡng lại sự cám dỗ".

Ngoài ra, theo luật sư, ngay khi trở về nước làm việc với CQĐT, bị cáo Nam đã nhận thức rõ sai phạm của mình và luôn có thái độ ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác. Vì vậy, luật sư cho rằng mức án 3 năm tù là phù hợp với tính chất, hành vi nhận hối lộ nhưng có tính đặc thù cao của bị cáo.

Trong vụ án này, VKS xác định Vũ Hồng Nam nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng của Lê Văn Nghĩa để giúp Nghĩa tổ chức thành công 6 chuyến bay đưa công dân về nước cách ly tại Khánh Hòa, Thái Nguyên.

Bài liên quan
Vụ 'chuyến bay giải cứu': Phạm Trung Kiên có nguyện vọng khắc phục 100% để nhận sự khoan hồng
Theo lời tự bào chữa của Kiên, nguyện vọng của bị cáo là tích cực khắc phục 100% để nhận được sự khoan hồng và xin HĐXX xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Cựu Đại sứ nói phải ngăn chặn môi giới, đưa bà con về nước