Nhặt được tài sản người khác đánh rơi, bỏ quên nhưng cố ý không trả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ tài sản trái phép.
Sáng 29.1, cộng động mạng xôn xao trước câu chuyện về cô gái bị rớt 30 triệu tại phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM. Điều gây búc xúc là có rất nhiều người nhanh chóng chạy đến “hôi của” thay vì nhặt tiền trả lại cho cô.
Danh tính cô gái bị mất tiền là Bảo Trân (SN 1996, quê Long An). Chia sẻ với báo giới, Trân cho biết: "Vào ngày 28.1.2021, mình có rút tiền 30 triệu từ ngân hàng quận 1 qua quận 7 gặp bạn trả nợ. Mình bỏ trong túi áo to và có buộc thun lại nhưng bất cẩn đánh rơi. Có 1 anh chạy xe theo kêu 'em ơi rớt tiền kìa, người ta lụm hết rồi', mình hoang mang vội quay đầu xe.
Sau khi nghe anh đó nói có anh xe ôm công nghệ, người đi đường và cô bán nước nhặt nhiều nhất, mình có khóc năn nỉ, lạy cô xin trả tiền vì với mình, đó là số tiền lớn mà không ai trả mình. Đến khi mình gọi công an thì cô nói chỉ nhặt được 4 triệu, con trai cô và cô rất hung hăng. Khi trả 4 triệu, cô đòi mình 100.000 đồng tiền nhặt được. Mình cũng có đưa cho cô. Khi xem camera thì biết cô nhặt nhiều không chỉ 4 triệu đồng".
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết hành vi “hôi của” trên là vi phạm pháp luật.
Theo ông Hùng, qua clip thì hành vi nhặt được tài sản của người khác bị đánh rơi hay bỏ quên nhưng cố ý không trả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ tài sản trái phép theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015.
Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm d Khoản 1 Điều 2 Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 quy định người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng là tài sản di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, khung hình phạt áp dụng trong trường hợp này căn cứ vào giá trị tài sản nhặt được, cụ thể:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Với hành vi nhặt được/tìm được/bắt được/giao nhầm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng là tài sản di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng không trả lại.
Phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Khi cố ý chiếm giữ tài sản có trị giá 200 triệu đồng trở lên trái phép.
Ngoài ra, căn cứ Điều 230 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp khi nhặt được tài sản do người khác để quên, đánh rơi; đã đến cơ quan có thẩm quyền khai báo để tìm chủ sở hữu tài sản sau khi nhặt được thì nếu sau 1 năm kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.
Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
“Qua vụ việc trên, cô gái rút tiền đi trả nợ rất đáng thương, người nhặt tiền nên trả lại tránh có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là hình sự. Đây là hành vi đáng lên án, không những vi phạm luật mà vi phạm đạo đức. Chúng ta cần lên án những hành vi tham lam này”, ông Hùng nhấn mạnh.