Tôi từng nghĩ về ông khi thấy ông từ rặng chuối dài dằng dặc bước ra, tóc bạc trắng, da nâu, cười khoáng đạt, ông Út Huy này giống tài tử xi-nê hơn… nông dân.

Vua chuối FOHLA – đại gia ‘thuần nông’ nói bí quyết thành công

Anh Đủ | 09/09/2018, 05:53

Tôi từng nghĩ về ông khi thấy ông từ rặng chuối dài dằng dặc bước ra, tóc bạc trắng, da nâu, cười khoáng đạt, ông Út Huy này giống tài tử xi-nê hơn… nông dân.

Ông là Võ Quan Huy, mọi người quen gọi là ông Huy Long An, một đại gia nổi tiếng với trang trại trồng chuối hàng nghìn hecta, chuối có thương hiệu FOHLA xuất khẩu ổn định cho các thị trường khó tính: Nhật Bản, Hàn Quốc.

Lần trước, ngày 21/4/2017, tôi gặp ông tại trang trại trồng chuối ở Long An. Còn lần này, tôi gặp ông ở… phim trường đài truyền hình Đồng Nai, trong một cuộc trò chuyện không kịch bản có tên:Chuẩn chất là số 1.

Đại gia kể rằng, đến nay, ông đã thay đổi “cây trồng, vật nuôi” tới 25, 26 lần trong hơn 40 năm. Nuôi tôm, trồng mía, chuối, thanh long… không thiếu thứ gì, trải dài từ miền Tây sang miền Đông, từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, tới Long An, Tây Ninh… Giờ ông trụ lại với cái tên mà giới “giang hồ” kinh doanh nông sản đặt cho ông: Vua chuối. Và đứng vững với thị trường khó tính nhất: Nhật Bản.

Ông cũng xuất lượng lớn sang thị trường Trung Quốc nhưng thách thức lớn nhất chính là thị trường Nhật. Và ông nông dân tự xưng “sinh ra trong một gia đình thuần nông” này đã bôn ba khắp nơi lần dò tìm hiểu thị trường. Thấy thị trường chuối thế giới lớn tới 15, 17 tỷ USD một năm và thị trường NHật cũng lớn, ông tìm cách tiếp cận thị trường này. Và lặng lẽ làm hàng sẵn theo đúng kiểu người Nhật.

Ông kể, cách người Nhật đến thực địa, cách họ hỏi nhật ký canh tác, sổ sách ghi chép hàng ngày, các loại vật tư sử dụng, họ xem từng món và… xem kỹ thùng rác để biết về các loại vật tư đã sử dụng. “Dĩ nhiên họ có kiểm nghiệm kĩ, họ lấy mẫu về, nhưng khi họ đến săm soi trong vườn, trên dây chuyền, trong thùng rác cũng…căng thẳng lắm”.

Ông nói bí quyết là “thẳng thắn, minh bạch”. Họ hỏi, mình nói đúng. Họ chỉ chỗ sai, họ không vừa ý, mình hứa sửa, và thống nhất thời hạn hoành thành. TIÊU CHUẨN THỰC SỰ CHÍNH LÀ SỰ MINH BẠCH, TRUNG THỰC.

Llần này, tôi gặp ông ở… phim trường đài truyền hình Đồng Nai, trong một cuộc trò chuyện không kịch bản có tên: Chuẩn chất là số 1.

Ông cũng nói rõ với họ, ông trồng trọt có tiêu chuẩn và chỉ là VietGap. Họ chấp nhận và cho biết thêm, họ có yêu cầu về tiêu chuẩn của họ gồm 200 chỉ tiêu, làm đúng được thì ký hợp đồng. Còn Hàn Quốc thì cũng đưa ra 170 chỉ tiêu, mà 170 chỉ tiêu này thì không bao gồm trong 200 chỉ tiêu của Nhật. Đảm bảo 200 và 170 chỉ tiêu này là công việc tổ chức “rất kỷ luật, rất đau đầu”.

Vậy mà, ông kể tiếp: “Có lúc họ điện cho biết, đợt chuối này bị trầy xước vỏ, có đốm đen. Tôi quan tâm đặc biệt chuyện đó và lấy vé máy bay , bay qua coi tận mắt liền. Bay đi về trong ngày, không thuê khách sạn ngủ lại Nhật luôn. Họ thấy tôi xuất hiện chỉ nhằm đi coi chuối, có lẽ họ cũng bất ngờ. Nhưng tôi không thể làm khác vì rất khó chịu, không yên tâm” .

Ông phân tích, VietGap của mình có đủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, nếu tuân thủ chặt chẽ thì cũng đáp ứng được yêu cầu của khách nhập khẩu. Ngoài ra, họ cũng đưa các tiêu chuẩn của riêng họ.

“Mà tiêu chuẩn nào thì cũng do tự tâm mình” – ông nói. Thấy làm được thì làm, mình thỏa thuận làm thì làm, chứ đâu ai ép mình. Mà đã hứa thì tới nơi tới chốn. Uy tín là ở đó, giữ được khách hay không là ở đó thôi.

“Tôi nghĩ, làm ăn thì phải tự xây dựng tiêu chuẩn cho mình trước hết: trung thực, minh bạch, quí trọng khách hàng”. Vì sao có tình trạng không coi trọng VietGap? Ông cho là có lúc xảy ra việc cấp tiêu chuẩn này cho doanh nghiệp làm thương mại, thì họ sử dụng rất linh hoạt chứ không nghiêm nhặt như áp dụng cho sản xuất xuất khẩu. Vả lại, VietGap, theo ông, chỉ khác GlobalG.A.P ở chỗ trách nhiệm xã hội, tính công đồng, chăm lo cho người lao động. Và dù tiêu chuẩn nào, theo ông, quan trọng nhất là tính tuân thủ tự nguyện. “Thấy tiêu chuẩn nào làm được thì làm và tuân thủ là kỹ luật tự than chứ không chỉ đối phó với kiểm tra” – vua chuối nói.

Đảm bảo 200 và 170 chỉ tiêu của Nhật Bản và Hàn Quốc cho chuối FOHLA là công việc tổ chức “rất kỷ luật, rất đau đầu”.

Ông Võ Quan Huy nhận định, bây giờ tạm thời thị trường Trung Quốc, xuất tiểu ngạch, còn dễ. Nhưng đà này chẳng bao lâu nữa, họ giương rào cản lên, mọi thứ sẽ khó lên, mình không chuẩn bị thực sự thì sẽ gặp khó ngay. Thực tế, chính Trung Quốc cũng nói họ không khuyến khích tiểu ngạch nhưng làm chính ngạch thì họ đòi hỏi tiêu chuẩn cực kỳ khó, thuế lại cao, nhiều thủ tục pháp lý phức tạp nên nhiều doanh nghiệp lại thôi, quay về làm tiểu ngạch. Mình đàm phán mãi tới nay mới xuất chính ngạch được 6 loại trái cây. Như sầu riêng, ta xuất tiểu ngạch ào ào và lại có tin là Thái Lan cũng qua mua sầu riêng của mình xuất chính ngạch qua Trung Quốc. Cho nên cuối cùng rồi nông dân lo sản xuất thật đúng tiêu chuẩn, thì nhà nước phải làm chính sách khuyến khích họ cố gắng làm theo tiêu chuẩn, và nhà nước cũng phải hỗ trợ họ làm thị trường thì mới mong cạnh tranh và phát triển được thị trường…

Tháng 4/2017, tôi có đưa chuyên gia xây dựng thương hiệu Richard Moore đến thăm vườn chuối bạt ngàn của ông ở Long An. Ông Moore nói rất ấn tượng với cách ông Út Huy hiểu rõ tình trạng của từng quày chuối đang bọc kín trên cây. Tôi thử hỏi mấy câu về những trái chuối đang được bao trùm kín mít, và ông kể chuyện rành rẽ, có thoảng vị thân thương như đàn con được chăm sóc kỹ (đến khi xuất bán rồi, mà nghe nó có tì vết, ông còn bay sang lập tức để nhìn tận mắt mà!).

Chuyện làm ăn của ông Út Huy, bạn nghe khô khan và hơi có mùi thương mại, không lãng mạn trữ tình. Nhưng theo tôi, câu chuyện chạm đúng một tầng sâu của cái khó khăn mà nông dân và nông sản của mình đang đối mặt: tính trung thực, minh bạch và chuyên nghiệp trong đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Kim Hạnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vua chuối FOHLA – đại gia ‘thuần nông’ nói bí quyết thành công