Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết cơ quan này đang kêu gọi các nước tạm dừng tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho đến ít nhất cuối tháng 9.

WHO kêu gọi các nước giàu tạm dừng tiêm liều thứ 3, chuyển phần lớn vắc xin COVID-19 đến nước nghèo

Sơn Vân | 04/08/2021, 21:51

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết cơ quan này đang kêu gọi các nước tạm dừng tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho đến ít nhất cuối tháng 9.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết động thái này nhằm tạo điều kiện cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng.

Đây là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất từ ​​cơ quan Liên Hợp Quốc khi khoảng cách giữa tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 ở các nước giàu và nghèo ngày càng rộng.

"Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến thể Delta. Thế nhưng, chúng tôi không thể chấp nhận các quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung vắc xin toàn cầu dùng nhiều hơn nữa", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Theo WHO, các quốc gia có thu nhập cao đã tiêm khoảng 50 liều cho mỗi 100 người vào tháng 5 và con số đó đã tăng gấp đôi. Các nước thu nhập thấp chỉ có thể tiêm 1,5 liều cho mỗi 100 người do thiếu nguồn cung.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta cần một sự đảo ngược khẩn cấp, từ phần lớn vắc xin được chuyển đến các nước thu nhập cao thành phần lớn đến các quốc gia thu nhập thấp”.

Các quan chức của WHO hy vọng sẽ có 70% thế giới được tiêm vắc xin vào giữa năm 2022.

Đó là lúc chúng ta thực sự có thể bắt đầu tập trung vào các khía cạnh về mức độ cần thiết để vượt qua mức đó”, Tiến sĩ Kate O'Brien, Giám đốc bộ phận tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của WHO, nói.

Cho đến khi đạt được mục tiêu đó, các quan chức y tế WHO hy vọng rằng các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ tạm hoãn tiêm và quan trọng hơn là lời kêu gọi chấm dứt tình trạng bất bình đẳng về vắc xin.

Trưởng nhóm kỹ thuật của COVID-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, nói: “Chúng ta cần một chiến lược về vắc xin, cần các biện pháp y tế cộng đồng và xã hội ở cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng. Chúng ta cần mọi người thực hiện ngay bây giờ”.

who-keu-goi-cac-nuoc-giau-tam-dung-tiem-lieu-thu-3.jpg
Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus muốn phần lớn vắc xin được chuyển đến các các nước thu nhập thấp

Một số nước đã bắt đầu hoặc cân nhắc về nhu cầu sử dụng liều tiêm vắc xin thứ ba.

Hôm 2.8, Đức cho biết vào tháng 9 sẽ bắt đầu triển khai liều tiêm vắc xin tăng cường cho những người dễ bị tổn thương. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng sẽ bắt đầu cung cấp một mũi tiêm nhắc lại cho tất cả những người được tiêm chủng đầy đủ được coi là có nguy cơ cao, 3 tháng sau liều vắc xin thứ hai của họ và 6 tháng với một số người khác.

Tuần trước, Tổng thống Israel - Isaac Herzog đã tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba, khởi động chiến dịch tiêm liều tăng cường cho những người trên 60 tuổi ở nước này. Xem chi tiết tại đây.

Hôm 3.8, Sở Y tế Công cộng San Francisco và Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco (Mỹ) nói sẽ cho phép những bệnh nhân đã được tiêm một mũi vắc xin Johnson & Johnson được tiêm bổ sung liều mRNA (Pfizer hay Moderna).

Vào tháng 7, Mỹ đã ký một thỏa thuận với hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) để mua 200 triệu liều vắc xin COVID-19 bổ sung để giúp tiêm chủng cho trẻ em cũng như tiêm nhắc lại.

Các cơ quan quản lý y tế Mỹ vẫn đang đánh giá sự cần thiết của một liều tăng cường.

Bất chấp nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19 ở Mỹ đang chậm lại, quan chức chính quyền Biden cho biết việc mua vắc xin bổ sung sẽ cần thiết cho trẻ em dưới 12 tuổi, đang chờ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt và khả năng tiêm nhắc lại cho những người đã được tiêm chủng.

"Chính phủ liên bang đang thực hiện một lựa chọn trong hợp đồng với Pfizer để mua 200 triệu liều vắc xin sẽ được phân phối từ mùa thu năm 2021 đến mùa xuân 2022 để chuẩn bị cho nhu cầu tiêm chủng trong tương lai, bao gồm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi và các mũi tiêm nhắc lại nếu có nghiên cứu cho thấy chúng là cần thiết", quan chức này nói.

Quan chức lưu ý rằng Pfizer đã đồng ý "cung cấp cho Mỹ 65 triệu liều nếu vắc xin của họ được chấp thuận dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, bao gồm cả các liều có sẵn ngay lập tức khi được phép".

Hiện tại, không có loại vắc xin nào trong số ba loại vắc xin COVID-19 được sử dụng ở Mỹ có sẵn cho trẻ em dưới 12 tuổi. Với nhiều trường học trên khắp Mỹ hiện chỉ còn vài tuần kể từ khi mở cửa trở lại vào học kỳ mùa thu, Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson vẫn đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc xin ở trẻ em dưới 12 tuổi.

Dữ liệu về trẻ em từ 5 đến 11 tuổi có thể đến vào khoảng tháng 9, và tùy thuộc vào kết quả, Pfizer nói với CNN rằng họ có thể yêu cầu FDA cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin trong cùng tháng đó. Dữ liệu dành cho trẻ từ 2 đến 5 tuổi có thể đến ngay sau đó. Với trẻ trong lứa nhỏ nhất, Pfizer cho biết có thể lấy dữ liệu vào tháng 10 hoặc tháng 11 và ngay sau đó yêu cầu FDA cho phép sử dụng khẩn cấp.

Bài liên quan
WHO gọi tiêm kết hợp 2 loại vắc xin là xu hướng nguy hiểm, COVAX cung cấp 1,4 tỉ liều  trong 6 tháng tới
Hôm 12.7, Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên trộn và kết hợp vắc xin COVID-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, gọi đây là "xu hướng nguy hiểm" vì có rất ít dữ liệu về tác động đến sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tăng trưởng xanh là cốt lõi, nhưng quyết không 'tăng trưởng trước, dọn dẹp sau'
một giờ trước Thị trường và chính sách
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong 2 yếu tố cốt lõi, nhưng kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WHO kêu gọi các nước giàu tạm dừng tiêm liều thứ 3, chuyển phần lớn vắc xin COVID-19 đến nước nghèo