Hôm 12.5, quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan y tế toàn cầu của Liên Hợp Quốc vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về đợt bùng phát COVID-19 được xác nhận lần đầu tiên ở Triều Tiên.
Triều Tiên trước đó chưa bao giờ xác nhận có ca mắc COVID-19 nào. Thế nhưng, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ cho rằng đã có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 xảy ra ở Triều Tiên do giao thương và đi lại với Trung Quốc trước khi họ phong tỏa biên giới để ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020.
"WHO vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ Bộ Y tế CHDCND Triều Tiên về ca mắc COVID-19 đầu tiên, đã được báo cáo trên các phương tiện truyền thông. WHO liên hệ với người đầu mối của IHR (Các Quy định Y tế Quốc tế) quốc gia và các quan chức khác thuộc Bộ Y tế CHDCND Triều Tiên", đại diện WHO tại Triều Tiên - Edwin Salvador đề cập trong một email cho Reuters.
Theo Các Quy định Y tế Quốc tế có tính ràng buộc pháp lý, 194 thành viên của WHO, bao gồm cả Triều Tiên, có nghĩa vụ báo cáo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên không có chế tài nào với những trường hợp không tuân thủ.
Khía cạnh này của các quy định đã bị chỉ trích kể từ khi đại dịch xảy ra và các thành viên của WHO đang xem xét lại như một phần của gói cải cách rộng lớn hơn.
Hôm 12.5, Triều Tiên chính thức xác nhận đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên và ra lệnh đóng cửa toàn quốc.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin biến thể phụ BA.2 của Omicron có khả năng lây truyền cao đã được phát hiện ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên - KCNA cho biết: “Đã xảy ra sự cố khẩn cấp lớn nhất trong nước, với một lỗ hổng ở mặt trận cách ly khẩn cấp của chúng tôi, từng được giữ an toàn trong 2 năm và 3 tháng kể từ tháng 2.2020”.
KCNA cho biết người dân ở Bình Nhưỡng đã nhiễm biến thể Omicron mà không cung cấp chi tiết về số trường hợp hoặc nguồn lây nhiễm có thể xảy ra. Các mẫu bệnh phẩm của những người nhiễm Omicron đã được thu thập vào ngày 8.5, theo KCNA.
Báo cáo được công bố khi nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un chủ trì cuộc họp của Đảng Lao động để thảo luận về các biện pháp ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên.
Theo KCNA, ông Kim Jong Un đã ra lệnh cho tất cả thành phố và quận huyện Triều Tiên phong tỏa chặt khu vực của họ để ngăn chặn sự lây lan vi rút SARS-CoV-2 và cho biết nguồn cung cấp y tế dự trữ khẩn cấp sẽ được huy động.
Ông Kim Jong Un nói với Đảng Lao động trong cuộc họp rằng mục đích của hệ thống cách ly khẩn cấp mới nhất là kiểm soát và quản lý ổn định sự lây lan vi rút SARS-CoV-2, nhanh chóng chữa lành những người mắc COVID-19 để loại bỏ nguồn lây truyền trong thời gian ngắn nhất, KCNA cho biết.
Triều Tiên đã từ chối nhận các lô hàng vắc xin từ chương trình chia sẻ vắc xin COVID-19 toàn cầu của COVAX và vắc xin Sinovac Biotech từ Trung Quốc.
Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên và Eritrea là hai quốc gia duy nhất chưa tiêm vắc xin COVID-19.
NK News, trang web có trụ sở tại Hàn Quốc chuyên theo dõi các hoạt động ở Bình Nhưỡng trong tuần này cho biết người dân đã được yêu cầu trở về nhà và ở trong nhà vì "vấn đề quốc gia" mà không cung cấp thông tin chi tiết.
“Nhiều nguồn tin cũng nghe thấy thông tin người dân đổ xô mua hàng do không chắc chắn khi nào phong tỏa kết thúc”, NK News dẫn nguồn tin ở Bình Nhưỡng.
Trước đó, truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin Triều Tiên đã yêu cầu người dân ở nhà kể từ ngày 11.5 vì nhiều người trong số họ có "các triệu chứng nghi ngờ cúm", mà không đề cập đến COVID-19.
Dù Triều Tiên chưa bao giờ xác nhận có ca mắc COVID-19 nào trong nước, các quan chức ở Hàn Quốc và Mỹ nghi ngờ về điều đó, đặc biệt là khi các ca nhiễm biến thể Omicron được báo cáo rộng rãi ở các nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc.
Lee Sang Keun, Giám đốc chương trình nghiên cứu chiến lược thuộc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia có liên kết với cơ quan tình báo Hàn Quốc, nhận định có một số con đường vi rút SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào Triều Tiên.
Một con đường là thông qua tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa Triều Tiên - Trung Quốc, nhưng con đường này gần đây đã bị đóng lại sau khi Trung Quốc phong tỏa thành phố biên giới Đan Đông.
Ngoài ra còn tuyến đường cảng biển Nampo.
"Việc buôn lậu vẫn không bị kiểm soát 100%”, Lee Sang Keun nói với tờ Bloomberg, cho biết thêm rằng dọc biên giới cũng có một số con sông đủ cạn để người dân có thể đi bộ qua.