Thông tin này được ông Hans Kluge nói trong cuộc họp khu vực châu Âu có sự tham dự của 53 quốc gia thành viên.
Hans Kluge, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, hôm 10.5 nói ít nhất 3.000 người đã chết ở Ukraine vì không thể tiếp cận các phương pháp điều trị bệnh mãn tính kể từ khi cuộc chiến với Nga bắt đầu.
Đến nay WHO đã ghi nhận khoảng 200 vụ tấn công ở Ukraine nhắm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe và một số bệnh viện đang hoạt động, ông Hans Kluge cho biết tại một cuộc họp khu vực châu Âu có sự tham dự của 53 quốc gia thành viên cũng như các đồng nghiệp cấp cao của WHO.
"40% hộ gia đình có ít nhất một thành viên cần điều trị mãn tính mà họ không thể tìm được, dẫn đến ước tính ít nhất 3.000 ca tử vong sớm đáng ra có thể tránh được", ông Hans Kluge nói trong một bài phát biểu, đề cập đến các bệnh như AIDS và ung thư.
Tại cuộc họp được tổ chức ở Copenhagen (thủ đô Đan Mạch) có sự tham dự trực tuyến của nhiều thành viên, WHO sẽ xem xét các biện pháp chống lại Nga sau cuộc tấn công Ukraine, bao gồm cả việc có thể đóng cửa văn phòng châu Âu của WHO về Phòng ngừa và Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở thủ đô Moscow.
Các thành viên khu vực châu Âu của WHO đã thông qua một nghị quyết có thể dẫn đến việc đóng cửa văn phòng ở Nga và đình chỉ các cuộc họp tại nước này.
Phiên họp đặc biệt của khu vực châu Âu đã thông qua nghị quyết, được Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy, với 43 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống (Nga, Belarus, Tajikistan) và 2 phiếu trắng.
Những nước ủng hộ coi đây là một bước đi chính trị quan trọng để cô lập Nga và cho biết đang rất nỗ lực để tránh bất kỳ tác động lớn nào đến hệ thống y tế của Nga. Nghị quyết đề cập đến "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe" ở Ukraine, thương vong hàng loạt cũng như nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và truyền nhiễm do các hành động quân sự của Nga.
Đặc phái viên của Nga - Andrey Plutnitsky đã phản đối nghị quyết và nói rằng ông "vô cùng thất vọng".
"Chúng tôi tin rằng WHO, trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, cần được hướng dẫn chặt chẽ bởi các quy định của Hiến pháp, bám sát phạm vi nhiệm vụ của mình và không chính trị hóa sự hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe", đặc phái viên Nga - Andrey Plutnitsky nói.
Một số người đã chỉ trích các biện pháp của WHO, nói rằng chúng không đi đủ xa.
Lawrence Gostin, Giáo sư tại trường Đại học Georgetown Law ở thủ đô Washington D.C (Mỹ), người theo sát WHO, cho biết: "Việc đóng cửa văn phòng châu Âu của Nga có vẻ nhu mì và ôn hòa. Putin sẽ không quan tâm".
Các nhà ngoại giao nói với Reuters rằng họ đã bỏ nỗ lực đình chỉ Nga khỏi ban điều hành WHO do các kỹ thuật pháp lý, dù các thành viên có thể bàn luận vào cuối tháng này tại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thường niên để tìm cách đóng băng quyền biểu quyết của Nga.
Điều 7 của hiến pháp WHO cho phép đóng băng đặc quyền bỏ phiếu trong trường hợp "hoàn cảnh ngoại lệ" dù lời biện minh đó hiếm khi được sử dụng trong lịch sử 74 năm của cơ quan này. Nó có hiệu lực chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi vào năm 1964.
Nga đã bị Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Tổ chức Du lịch Thế giới đình chỉ tư cách thành viên vào tháng trước vì các báo cáo về "các vi phạm có hệ thống và lạm dụng nhân quyền" ở Ukraine, nhưng Nga cho biết rút khỏi cả hai.
Một nhà ngoại giao nói rằng một số thành viên WHO lo ngại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn của WHO với Nga có thể gây ra những rủi ro sức khỏe rộng lớn hơn.
Ông nói với Reuters: “Nó khác với các lĩnh vực kinh tế. Chúng tôi không muốn một phần của thế giới chìm trong bóng tối về các bệnh truyền nhiễm".
Nga gọi các hành động của mình từ ngày 24.2 là "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm giải giáp Ukraine và loại bỏ cái mà nước này gọi là chủ nghĩa dân tộc chống Nga mà phương Tây kích động. Ukraine và phương Tây cho rằng Nga đã phát động một cuộc chiến vô cớ.