Cơ quan chức năng Quảng Ngãi đã tiến hành xác định 4 tuyến du lịch địa chất, với 88 điểm dừng chân trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Dự kiến, hồ sơ công viên này sẽ trình lên UNESCO trong tháng 11.2019; đoàn công tác của Tổ chức UNESCO sẽ về Quảng Ngãi kiểm định hồ sơ trên thực tế vào tháng 7.2020.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng vừa chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh và Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh để rà soát và giải quyết một số kiến nghị.
Ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó trưởng Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho biết: từ tháng 1.2018 đến nay, Viện Địa chất và Khoáng sản phối hợp với Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế đã tiến hành nhiều đợt khảo sát địa chất, địa mạo - cảnh quan và địa - văn hóa tại tất cả 9 huyện, thành phố trên địa bàn thuộc phạm vi xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh nhằm xác định các thông tin cơ bản về giá trị di sản địa chất và văn hóa, khẳng định ý nghĩa quốc tế, xác định ranh giới của công viên.
Qua khảo sát, đã tiến hành xác định 4 tuyến du lịch địa chất, với 88 điểm dừng chân trong công viên. Đồng thời, tổ chức các hội thảo chuyên đề, hội thảo khoa học; tích cực tham gia các hoạt động của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu và Việt Nam cũng như triển khai nhiều hoạt động, sự kiện quảng bá, truyền thông…
Ngoài ra, Ban quản lý cũng đã tiến hành đào thám sát di chỉ khảo cổ học Suối Chình (huyện Lý Sơn) và đã trình UBND tỉnh xin chủ trương xây dựng khu nhà trưng bày, bảo tồn tại khu vực này.
Thời gian tới, Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh tiếp tục phối hợp với Viện Địa chất và Khoáng sản triển khai các nhiệm vụ để sớm hoàn thành và nộp hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh lên UNESCO vào tháng 11.2019. Phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương trong tỉnh triển khai các cơ sở vật chất phục vụ du khách cho toàn bộ 88 điểm dừng chân thuộc 4 tuyến du lịch địa chất. Khảo sát và xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng; bảo tồn và khoanh vùng bảo vệ di sản, di tích; lập kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, kế hoạch quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch, sự kiện quảng bá Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh trên các kênh thông tin trong và ngoài tỉnh…
Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cũng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cho điều chỉnh ranh giới, phạm vi Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh từ 2.016km2 đất liền và 2.617km mặt biển lên 2.475km2 đất liền và 2.617km mặt biển; kiện toàn nhân sự Ban quản lý; chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương giới thiệu nhân sự bổ sung vào Ban Quản lý và tuyển dụng một số chức danh chuyên trách theo hình thức hợp đồng. Thành lập các Trung tâm thông tin ban đầu cho Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh và các bảo tàng, nhà trưng bày; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ du lịch và triển khai các hoạt động chiến dịch truyền thông.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Dũng yêu cầu Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để kịp thời trình lên UNESCO trong tháng 11.2019; chuẩn bị tốt việc đón đoàn công tác của Tổ chức UNESCO về Quảng Ngãi kiểm định hồ sơ trên thực tế vào tháng 7.2020.
Đối với các kiến nghị của Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu địa điểm, quy mô, tính chất để xây dựng các trung tâm thông tin ban đầu cho Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh và các bảo tàng, nhà trưng bày thuộc 4 tuyến tham quan địa chất trong phạm vi Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được xác định. Đồng thời, ông Dũng cũng yêu cầu Ban quản lý đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Lê Đình Dũng