Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, gia đình chị đã từng nhiều lần xin cấp phép cho nhạc Trịnh Công Sơn nhưng được cấp phép rất ít, thậm chí có lần xin 15 bài, kết quả không có bài nào được duyệt. Vì thế thời gian 3 năm trở lại đây chị đã thôi ý định xin cấp phép tiếp cho nhạc của Trịnh Công Sơn nữa.

'Xin cho tôi xin lại cuộc đời'- nhạc Trịnh và hành trình trở về với công chúng

Tiểu Vũ | 14/04/2017, 13:59

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, gia đình chị đã từng nhiều lần xin cấp phép cho nhạc Trịnh Công Sơn nhưng được cấp phép rất ít, thậm chí có lần xin 15 bài, kết quả không có bài nào được duyệt. Vì thế thời gian 3 năm trở lại đây chị đã thôi ý định xin cấp phép tiếp cho nhạc của Trịnh Công Sơn nữa.

Thời gian vừa qua, Cục NTBD bất ngờ công bố bài hát khá quen thuộc và rất phổ biến của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là Nối vòng tay lớn đến nay vẫn chưa được cấp phép, nhưng ngay sau đó Cục đã có văn bản số 205/GP- NTBD Cho phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đó, ca khúc Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được cấp phép phổ biến từ ngày 12.4.2017. Sự việc trên đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận với những quyết định cấp phép cho các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 của cơ quan quản lý văn hóa.

Để tìm hiểu về việc xin cấp phép những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ phía gia đình, chúng tôiđã có buổi tiếp xúc với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái của cố nhạc sĩ. Qua trao đổi, chị Trịnh Vĩnh Trinh đã cho biết thêm một số thông tin liên quan đến di sản âm nhạc của anh trai cũng như việc gia đình đã từng đứng ra xin cấp phép nhạc Trịnh như thế nào.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thưa chị, được biết bài hát “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa đươc chính thức được cấp phép phổ biến từ ngày 12.4.2017, nhưng trước đó thìbài hát này đã được hát trong nhiều chương trình trong suốt mấy chục năm qua. Vậygia đình chị có biết “Nối vòng tay lớn” chưa từng được cấp phép hay không?

Từ trước đến nay tôi chưa hề nghĩ bài hát này chưa được cấp phép, cho đến khi đến khi mấy anh ở Trường Đại học Y Dược Huế báo ra là Nối vòng tay lớn đang gặp khó khăn không thể biểu diễn trong chương trình tưởng niệm 16 năm ngày mất của anh Sơn sắp diễn ra vào ngày 21.4 tới.

Tôi ngỡ ngàng và rất buồn trước thông tin này,sự việc diễn ra giữa lúc gia đình tôi đang tưởng niệm 16 năm của anh Sơn, hơn nữa xưa nay tôi cứ đinh ninhrằng bài đã được cho phép từ lâu rồi. Nối vòng tay lớnđã được hát từ hơn 40 năm qua, chưa kể đến hàng ngàn chương trình lớn nhỏ đã, chỉ xin điểm qua một vài sự kiện mang tính quốc gia có sự tham dự của các vị lãnh đạo nhà nước tới và hát Nối vòng tay lớn: Đó là sự kiện nối đường dây điện 500 Kv Bắc – Nam, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã vỗ tay bắt nhịp cho mọi người cùng hát, tiếp đến là đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, rồi chương trình kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, gần đây nhất là dịp Tổng thống Mỹ Obama sang thăm hữu nghị Việt Nam… Tất cả những sự kiện lớn đó đều đã hát Nối vòng tay lớn, điều đó có nghĩa là bài hát của anh Sơn đã được cấp một cái giấy phép danh dự từ lâu rồi.

Ban đầu gia đình tôi rất buồn, nhưng sau đó một ngày,khi được cơ quan quản lý văn hóa đãchính thức cấp phép cho Nối vòng tay lớn tôi cảm thấy vui. Tôi nghĩ rằng đôi khi công việc của các anh trên đó quá nhiều nên dẫn đến sai sót và nhầm lẫn thôi. Giờ thì mọi việc đã tốt hơn, Nối vòng tay lớn đã được hát ở Đại học Y Dược Huế trong chương trình kỷ niệm 16 ngày mất của anh Sơn, cho nên niềm vui đó tạm thời lấn át đi những nỗi buồn khác…

Theo gia đình NS Trịnh Công Sơn, bài hát "Nối vòng tay lớn" đã được "cấp phép" từ trước vì trên cuốn băng này đã được đóng tem kiểm định của Cục NTBD - Ảnh: Gia đình cung cấp

Là người đang thừa kế di sản âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chị có thể cho biết sau khi mất NS Trịnh Công Sơn đã để lại bao nhiêu tác phẩm?

Anh Sơn đã để lại hơn 600 bài hát, đó là chưa kể những tác phẩm dang dở, và những bài hát gia đình chưa công bố. Tôi nghĩ đây không chỉ là gia tài của gia đình tôi mà là di sản chung của đất nước. Nguyện vọng của anh Sơn cũng như gia đìnhlà muốn toàn bộ tác phẩm của anh được phổ biến đến cho toàn thể người Việt Nam mình. Ở đây tôi không nói những giá trị nghệ thuật, nhân văn trong tác phẩm của anh Sơn, việc đó đã có những nhà nghiên cứu âm nhạc trong nước và thế giới đã khẳng định. Tôi tâm đắc câu nói của ông  Frank Gerke nhà văn người Pháp: Anh yêu nhạc Trịnh Công Sơn, như thế có nghĩa anh là người tử tế...”.

Theo thông tin mà chúng tôi có, hiện tại trong hơn 600 bài hát của NS Trịnh Công Sơn thì chỉ có 77 tác phẩm được Cục NTBD cấp phép phổ biến, tuy nhiên cũng có số liệu khác ghi nhận đã cóhơn 200 bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơnđược cấp phép. Chị có thể cho biết vì sao những con số này không thống nhất, và đâu là con số chính xác về số lượngtác phẩm của NS Trịnh Công Sơn đã được cấp phép?

Con số 77 bài hát đã được cấp phép là số liệu đã cũ, có lẽ do website của Cục NTBD chưa kịp cập nhật thêm. Số bài hát của anh Sơn được cấp phép mà gia đình tôi đang nắm thì khoảng 200 bài, tuy nhiên để biết cụ thể là bao nhiêu bài và đó là những bài hát nào thì cần phải liên hệ với Trung tâm Bảo về quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam mới có con số chính xác được. Đây chỉ là 1/3 di sản âm nhạc của anh Sơn. Một con số quá ít so với nguyện vọng của anh, cũng như kỳ vọng của gia đình tôi.

Chị Trịnh Vĩnh Trinh (giữa) dự đêm nhạc tưởng nhớ 16 năm ngày mất của NS Trịnh Công Sơn tại Đà Lạt (8.4.2017) - Ảnh: Nguyên Trương

Vậy gia đình chị có đứng ra xin phép cho những bài hát còn lại của NS Trịnh Công Sơn không?

Gia đình tôi đã nhiều lần xin cấp phép cho nhạc của anh Sơn. Đó là cả một quá trình. Mỗi lần như thế chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian để làm đủ các loại thủ tục, từ việc làm đơn cho đến nộp bản gốc bài hát có chữ ký xác nhận, rồi bản ghi âm bài hát, nói chung là thủ tục khá nhiêu khê.

Việc xin cấp phép cho nhạc của anh Sơn cũng được gia đình tôi tiến hành rất kỹ càng. Chúng tôi thành lập một ban cố vấn bao gồm những người có uy tín, những người am hiểu về âm nhạc cũng như đã từng kinh qua những vị trí quan trọng trọng ngành quản lý văn hóa để tư vấn giúp. Sau khi bàn bạc với ban cố vấn và thống nhất chọn ra những bài hát có nhiều khả năng cấp phép nhất thì chúng tôi mới tiến hành làm thủ tục xin thủ tục xin cấp phép.

Tuy nhiên cứ mỗi lần xin cấp thì cơ quan quản lý văn hóa chỉ cấp từ 2-3 bài là tối đa. Đặc biệt có lần chúng tôi làm đơn xin cấp phép cho 15 bài hát trong Ca khúc Da vàng của anh Sơn, trong đó có hai bài Người con gái Việt Nam da vàng và bài Tôi sẽ đi thăm, nhưng kết quả cuối cùng là không có bài nào được cấp phép. Từ đó đến nay gia đình tôi đã rất nản lòng và gần như mất phương hướng trong việc tiếp tục đưa ra phương án xin cấp phép cho những bài hát của anh Sơn. Qua những lần xin 15 bài nhưng không được chấp nhận bài nào, gia đìnhđã tạm dừng việc xin cấp phép nhạc của anh Sơn từ 3 năm nay. Tốn thời gian và công sức để xin cấp phép nhạc của anh Sơn mang ra cho công chúng là điều gia đình không hề ngại, nhưng sau đó nhận lại kết quả không như kỳ vọng hoặc chỉ là con số không thì nỗ lực đó sẽ trở thành vô nghĩa.

Sau khi không chấp nhận cấp phép thì phíacơ quan quản lý văn hóa có giải thích cho gia đình chị biết lý do vì sao những bài hát đó của NS Trịnh Công Sơn không được cấp phép không?

Gia đình chúng tôi hoàn toàn không nhận được lời giải thích của cơ quan có thẩm quyền. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết vì lý do gì nhạc của anh Sơn vẫn còn quá khăn khimỗi lần xin cấp phép.

Hơn 32000 khán giả phủ kín quảng trường Lâm Viên, TP. Đà Lạt thưởng thức đêm nhạc Trịnh "Thư tình gửi một người" do Tập đoàn Thanh Niên tổ chức vào ngày 8.4.2017 - Ảnh: Trương Nguyên

Với tư cách là một nghệ sĩ, một công dân, chị có nguyện vọng và đề xuấtgì với cơ quan quản lý văn hóa trước những quy định vềthủ tục cấp phép được cho là khá khó khăn với những sáng tác của NS Trịnh Công Sơn nói riêng, và những sáng tác âm nhạc trước 1975 của các nhạc sĩ khác nói chung?

Tôi lấy làm tâm đắc với một ý của nhà sử học Dương Trung Quốc là cần xóa bỏ cơ chế “xin-cho” trong việc cấp phép cho các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975. Cơ quan quản lý văn hóa nên lập ra danh sách những bài hát “không được phép phổ biến” phần còn lại được mặc định là được phép sử dụng. Trường hợp bài hát Nối vòng tay lớn là một điển hình, xưa nay mọi người cứ nghĩ đây là bài hát đã được cấp phép, nhưng khi làm thủ tục xin phép biểu diễn ở Trường Đại học Y dược Huế thì mới biết bài hát này chưa từng được cấp phép. Việc đó gây tổn thương đến tác giả, gia đình cũng như những người đã yêu quý bài hát này.

Mặt khác cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu phương ángiảm những thủ tục “xin phép” với những ca khúc đã được cấp phép. Ví dụ trong chương trình có 25 ca khúc dự kiến sẽ biểu diễn, trong đó 20 ca khúc đã được cấp phép, thì phía người tổ chức chỉ cần làm thủ tục xin phép cho 5 ca khúc còn lại. Như vậy sau mỗi lần tổ chức, số ca khúc có phép sẽ tăng lên, đỡ mất công cho người xin phép cũng như thời gian xem xét hồ sơ của cơ quan cấp phép.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Tiểu Vũ (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Xin cho tôi xin lại cuộc đời'- nhạc Trịnh và hành trình trở về với công chúng