Lạm phát là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nhiều mặt hàng thủy sản có giá phù hợp với túi tiền người thu nhập thấp.
Trong tháng 1 vừa qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm gần một nửa, chỉ đạt 456 triệu USD. Còn có một lý do quan trọng khác là lạm phát, suy thoái kinh tế khiến đơn hàng từ các thị trường chính sụt giảm mạnh.
Xuất khẩu tất cả các dòng sản phẩm chính đều giảm sâu từ 30 - 60% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất 61%, tôm 55%, cá ngừ 43%, mực bạch tuộc 32%... Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều sụt giảm mạnh, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm nhiều nhất - 66%, Trung Quốc giảm 54%, EU 48%, Nhật Bản 32%, Hàn Quốc 29%...
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định biến động kinh tế, chính trị, tình trạng lạm phát hàng hóa và thực phẩm đã và đang ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng cũng như kế hoạch kinh doanh tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc...
Năm 2023, lạm phát toàn cầu được dự báo giảm, nhưng vẫn là rủi ro lớn nhất đối với các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu và là gánh nặng với người tiêu dùng, nhất là các gia đình có thu nhập thấp.
Theo VASEP, sự trở lại của thị trường Trung Quốc được cho là cơ hội lớn. Nhưng sức tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc cũng có thể gây biến động mạnh đối với thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ thế giới. Nhiều ngân hàng ở các nước lớn có thể sẽ tăng lãi suất, điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam luôn năng động, linh hoạt lựa chọn cho mình những lối đi phù hợp trong mọi điều kiện khó khăn, từ thị trường cũng như nguồn cung nguyên liệu. Trong bức tranh xuất khẩu có phần khiêm tốn của tháng đầu năm, đã có những thay đổi đáng chú ý", chuyên gia VASEP nhấn mạnh.
Trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm mạnh vì đơn hàng ít thì đã có sự chuyển dịch sang các thị trường nhỏ, thị trường ngách và ghi nhận các mức tăng trưởng đột phá về doanh số, ví dụ như xuất sang Israel tăng 17%, Indonesia tăng 8%, Cameroon tăng 15%, Lào tăng 21%, Chile tăng 7%.
Ngay trong khối EU, hầu hết các nước thành viên đều giảm 30 - 60% nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng vẫn có thị trường nổi bật với mức tăng 435% như Phần Lan, xuất khẩu sang Ba Lan cũng chỉ giảm nhẹ 1%, Síp giảm 5%...
Sản phẩm xuất khẩu cũng được đa dạng hóa và vẫn có nhiều mặt hàng được các thị trường tăng mạnh nhập khẩu trong tháng qua. Trong khi xuất khẩu tôm nói chung giảm thì xuất khẩu tép (ruốc) tăng 18%, cá nục tăng 81%, cá đổng 44%, cá hoki 147%, cá lù đù 493%, cá trôi 167%, hàu 11%, ốc 107%...
"Lạm phát là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho nhiều mặt hàng thủy sản có giá hợp túi tiền người thu nhập thấp. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần nắm bắt sự thay đổi của thị trường để thích ứng và có chiến lược phù hợp", chuyên gia VASEP nhận định.
Từ quý cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn do đơn hàng giảm, hoặc không có đơn hàng. Tuy nhiên, tháng 1 vẫn duy trì hơn 700 đơn vị tham gia xuất khẩu thủy sản. Những doanh nghiệp tôm và cá tra hàng đầu đều bị sụt giảm từ 40 - 70% doanh số xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp vẫn có tăng trưởng dương trong tháng 1 như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn Long An tăng 4%, Trung Sơn Hưng Yên chỉ giảm nhẹ 3%, Công ty Việt Cường tăng 51%, Mariso Việt Nam tăng 21%...
Quý 1 năm nay, xuất khẩu thủy sản có thể vẫn thấp hơn khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau các hội chợ thủy sản quốc tế vào tháng 3, tháng 4, cùng với sự thích ứng và bùng nổ của thị trường Trung Quốc cũng như sự điều chỉnh chiến lược của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, VASEP hy vọng xuất khẩu sẽ hồi phục dần từ quý 2 tới.
Đơn cử với mặt hàng cá tra, điều bất ngờ là xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng cao ở những nước có lạm phát cao. Tháng 1.2023, xuất khẩu cá tra giảm sâu 61% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 84 triệu USD. Lạm phát là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm mạnh. Tuy nhiên, cá tra có tín hiệu tốt ở chính những thị trường bị lạm phát cao.
Do vậy, xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường và khối thị trường chính đều giảm từ 30 - 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu đều bị giảm doanh số từ 40 - 57% so với tháng 1.2022. Trong đó, Vĩnh Hoàn và IDI Corp đều giảm 57%, Vạn Đức Tiền Giang giảm 55%, NAVICO giảm 47% và GODACO giảm 40%.
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm sâu nhất, giảm 81% chỉ đạt 10 triệu USD. Mặc dù thủy sản có lạm phát giá thấp hơn nhiều so với các loại thực phẩm khác tại Mỹ, nhưng tiêu thụ vẫn bị sụt giảm. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 96% người Mỹ bị ảnh hưởng từ lạm phát, trong đó 50% bị áp lực nặng nề.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 62% chỉ đạt 13 triệu USD trong tháng 1.2023. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày đúng vào thời điểm Trung Quốc vừa dỡ bỏ hoàn toàn kiểm soát dịch COVID-19, nhiều gia đình đi du lịch, ăn uống bên ngoài. Do vậy, hoạt động nhập khẩu và nhu cầu tiêu thụ cá tra cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, thị trường này đang có tín hiệu khởi sắc. Sau hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung vừa diễn ra, Trung Quốc đã đẩy mạnh mua cá tra với số lượng lớn, đẩy giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng vọt từ 28.000 đồng lên 31.000 đồng/kg.
Có thể thấy lạm phát khiến người tiêu dùng thu nhập thấp hạn chế chi tiêu, nhưng chính tại các thị trường có lạm phát cao thì cá tra Việt Nam lại có những tín hiệu tốt hơn, nhất là các nước châu Âu. Điển hình là Anh, Đức, Romania, Ba Lan, Chile… Những nước này đều đang bị lạm phát cao từ 7 - 11%.
Thực tế hiện nay, nhu cầu từ Trung Quốc bắt đầu tăng lên, giá nguyên liệu trong nước tăng nhưng các doanh nghiệp lại khó thu mua được nguyên liệu vì nhiều nông dân "treo" ao, nhiều người để cá quá lứa, kích cỡ lớn không phù hợp xuất khẩu.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần chủ động, sẵn sàng nguồn nguyên liệu để đón nhận cơ hội từ thị trường.