Người dân châu Phi cảm nhận rất rõ tác động của khủng hoảng Ukraine trong việc làm tăng giá nhiên liệu, ngũ cốc và phân bón.

Xung đột tại Ukraine, nạn đói ở châu Phi

Cẩm Bình | 19/03/2022, 08:19

Người dân châu Phi cảm nhận rất rõ tác động của khủng hoảng Ukraine trong việc làm tăng giá nhiên liệu, ngũ cốc và phân bón.

Không lâu sau khi xung đột nổ ra vào ngày 24.2, giá dầu thế giới liên tục tăng sốc và từng vượt qua mốc 139 USD/thùng, giáng một đòn mạnh vào nhiều doanh nghiệp ở miền nam Sahara.

Ukraine và Nga đều là nhà cung cấp lúa mì cùng nhiều loại ngũ cốc lớn của châu Phi, Nga cũng là nhà cung cấp phân bón quan trọng. Tác động từ xung đột cũng như từ trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga đã bắt đầu chuyển hóa thành giá sản phẩm đầu vào nông nghiệp và ngũ cốc nông nghiệp cao chót vót.

Đối với thợ làm bánh Julius Adewale tại Lagos (Nigeria), đây là tình trạng cực kỳ tồi tệ.

Mạng lưới điện của Nigeria gần đây chỉ cung cấp được vài giờ điện mỗi ngày, buộc Adewale phải chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy bằng diesel, nhưng giá diesel cũng tăng vọt.

“Đã không có điện từ hôm qua và chúng tôi phải chạy máy phát. Chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều”, Adewale than thở.

Tuy là nước sản xuất dầu và nền kinh tế lớn nhất châu Phi, năng lực lọc dầu của Nigeria còn hạn chế. Chính phủ Nigeria trợ cấp xăng nhưng nhiên liệu bay cùng diesel được bán theo giá thị trường.

Trong tháng 3, một số hãng hàng không địa phương khuyến cáo họ buộc phải hủy nhiều chuyến bay do thiếu thốn nhiên liệu bay. Diesel từng được bán tại Nigeria với giá 300 naira (0,72 USD/lít), nhưng nay đã tăng đến 730 naira (1,76 USD/lít).

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Nigeria (MAN) Lanre Popoola: “Tôi không biết chúng ta sẽ đối phó thế nào khi 70% số ngành công nghiệp đang dùng diesel. Nhiều ngành khác cũng dùng diesel hạn chế trong vài giờ vì họ không đủ khả năng chạy máy phát điện cả ngày”.

naprice_hikezimbabwe_h211383_d589d.jpg
An ninh lương thực châu Phi bị đe dọa bởi xung đột Nga - Ukraine - Ảnh: DW

Khó khăn phía trước

Nhà phân tích Amaka Anku thuộc đơn vị nghiên cứu Eurasia Group cảnh báo nếu khủng hoảng kéo dài, những quốc gia châu Phi nhập khẩu nhiều nhiên liệu và ngũ cốc sẽ nằm trong nhóm bị thiệt hại, “người thắng” chính là những nhà xuất khẩu mặt hàng này. Một số quốc gia nợ nần nhiều như Ghana sẽ phải vật lộn với chi phí đi vay cao hơn khi giới đầu tư ít chấp nhận rủi ro hơn.

Còn theo nhà chính trị học Danielle Resnick thuộc Viện nghiên cứu Brookings, quốc gia sản xuất khí đốt như Tanzania, Senegal, Nigeria có thể hưởng lợi vì châu Âu từng bước giảm phụ thuộc năng lượng Nga. Nhưng bà nhận định hàng triệu hộ gia đình châu Phi sắp phải chật vật tìm cách vượt qua khó khăn phía trước.

“Xung đột tại Ukraine đồng nghĩa với nạn đói ở châu Phi”, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgiev phát biểu cuối tuần trước.

Tại Kenya, một bao lúa mỳ 2 kg tăng từ chưa tới 140 shilling (1,22 USD) tháng 2 lên 150 - 172 shilling (1,31 - 1,5 USD). Số liệu chính thức cho thấy 1/5 lượng lúa mỳ mà nền kinh tế lớn thứ 3 của vùng Hạ Sahara này nhập đến từ Nga, 10% khác từ Ukraine.

Với phân bón, một bao 50 kg tăng từ 4.000 shilling (35 USD) năm ngoái lên 6.500 shilling (57 USD). Giá có khả năng còn tăng khi vụ gieo trồng đến.

Tại thủ đô Kampala của Uganda, khủng hoảng Ukraine khiến giá xà phòng, đường, muối, dầu ăn và nhiên liệu tăng vọt.

Bộ trưởng Tài chính Uganda David Bahati cho biết: “Hầu hết mặt hàng thiết yếu được sản xuất trong nước, nhưng một số nguyên liệu phải nhập khẩu và giá của chúng đang bị chi phối bởi những cú sốc trên thị trường quốc tế”.

Một lít dầu ăn tăng từ 7.000 shilling (1,96 USD) lên 8.500 shilling (2,38 USD). Một kg gạo tăng từ 3.800 shilling (1,06 USD) lên 5.500 shilling (1,54 USD). Nhân viên bán hàng Ritah Kabaku sống tại thành phố Kampala chia sẻ: “Gia đình 4 người của tôi trung bình tốn khoảng 5.000 shilling (1,4 USD) cho thực phẩm và nhu yếu phẩm khác. Nhưng bây giờ tôi phải chi hơn 10.000 shilling (2,8 USD)”.

Lo lắng lạm phát thúc đẩy bởi khủng hoảng Ukraine, ngân hàng trung ương Mauritius đã tăng lãi suất cơ bản lên 2% – lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011.

Thủ tướng Mauritius Pravind Kumar Jugnauth phát biểu trên truyền hình: “Thật không may khi khó khăn vì COVID-19 qua đi thì khó khăn khác lại đến”.

Tại thủ đô Mogadishu của Somalia, giá nhiên liệu, dầu ăn, vật liệu xây dựng và điện tăng vọt. Nhà kinh doanh Mohamed Osman cho biết: “Một tuần trước, can dầu ăn 20 lít có giá 25 USD, nay lên đến khoảng 50 USD. Một lít xăng trước đó là 0,64 USD, hôm nay khoảng 1,80 USD. Thật điên rồ”.

Ở miền nam châu Phi, giá bánh mì và dầu ăn tại Malawi tăng trung bình 50%. Kiểm toán viên Fatsani Phiri sống tại Lilongwe tỏ ý bức xúc: “Xung đột chẳng liên quan gì đến chúng tôi. Chúng tôi không đáng phải trả một cái giá cao như vậy. Chúng tôi không thể cứ mãi là nạn nhân mỗi khi có chiến tranh ở đâu đó trên thế giới”.

Bài liên quan
Dải Gaza còn lại gì sau hơn 1 năm chìm trong xung đột?
Ngày 15.1, Israel - Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn sau 15 tháng giao tranh khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung đột tại Ukraine, nạn đói ở châu Phi