Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, bao gồm 12 dự án ngàn tỷ đang thua lỗ.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ liên quan dự thảo Báo cáo Thường trực Ban Bí Thư, Quốc hội về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án ngàn tỷ, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thươngthời gian vừa qua, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.9.2017.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc các dự án, doanh nghiệp hoàn thành cơ bản việc xử lý tồn tại, vướng mắc về hợp đồng tổng thầu EPC trong năm 2017. Trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét, cho gia hạn đến hết quý 1/2018, doanh nghiệp, dự án phải rà soát, báo cáo và có cam kết, lộ trình xử lý cụ thể; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc việc kiện toàn Ban Chỉ đạo ở các đơn vị cơ sở và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình, tiến độ xử lý của các dự án, doanh nghiệp.
Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.9.2017 tình hình vay vốn của 12 dự án ngàn tỷ, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng, việc xử lý nợ thời gian qua; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tái cơ cấu nợ đối với các dự án, doanh nghiệp theo quy định và theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro trong đầu tư, kinh doanh.
Với Bộ Tài chính, Phó thủ tướng đề nghị Bộ này đề xuất việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ vay của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.9.2017.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, dự án tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao, báo cáo Bộ Công Thương tiến độ, kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo nhằm cập nhật tình hình xử lý các dự án đã được Chính phủ xác định từ cuối năm 2016, Bộ Công Thương cho biết 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) hoạt động đã ổn định, thời gian chạy máy đạt 19-24 ngày, phụ tải trung bình đạt khoảng 75%-90% (trừ nhà máy DAP số 2 Lào Cai chỉ chạy 10 ngày do dừng máy để bảo dưỡng, sửa chữa).
Đối với 5 dự án, nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương đã chỉ đạo tập đoàn báo cáo về phương án khởi động lại hoặc dừng dự án. Đến nay, dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) vẫn chưa khởi động lại được.
Về 2 dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước, PVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Dầu PVOil lựa chọn và thuê tổ chức tư vấn và xây dựng phương án thoái vốn. Còn với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), PVN đã gửi công văn cho các đơn vị trong ngành yêu cầu tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ sử dụng dịch vụ của DQS nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.
Với 2 dự án đầu tư sản xuất thép của Tổng công ty Thép Việt Nam, sau khi Chính phủ chỉ đạo rút 1.000 tỉ đồng vốn góp mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, nhà thầu MCC đã trở lại đàm phán, giải quyết một số vướng mắc với chủ đầu tư. Còn dự án Nhà máy Gang thép Việt - Trung đã có lãi từ tháng 3.2017. Với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, bộ sẽ tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ tổ chức bán đấu giá.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc xử lý các vướng mắc của nhà thầu EPC ở một số dự án chưa tiến triển nhiều; việc tái cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển và một số ngân hàng thương mại còn chậm ở vài dự án, nhà máy; một số cơ chế chính sách chưa được thực hiện kịp thời; chuyển biến của một số dự án, nhà máy còn chậm.