Khoảng một nửa diện tích đất đai của Trung Quốc đang quay cuồng trong đợt hạn hán nghiêm trọng nhất và nhiệt độ cực cao kéo dài lâu nhất 6 thập kỷ, không có thời gian nghỉ ngơi trong ít nhất một tuần.
Mực nước ở Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc, đang ở mức thấp kỷ lục, khiến việc vận chuyển qua các đoạn đường thủy trọng yếu bị ngừng lại. Trong khi mực nước tại Bà Dương (hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc) giảm 75%, mức thấp nhất kể từ khi kỷ lục bắt đầu vào năm 1951.
Cơ quan thời tiết Trung Quốc đã ban hành thêm một cảnh báo đỏ về đợt nắng nóng - mức cao nhất trong hệ thống ba cấp - cho miền nam Trung Quốc vào hôm 20.8, ngày thứ 9 liên tiếp và là ngày thứ 31 liên tiếp có cảnh báo nhiệt độ cao.
Các đợt nắng nóng ở miền trung và miền đông Trung Quốc, một số khu vực đông dân cư nhất đất nước, cũng đang đánh bại các kỷ lục, với nhiệt độ duy trì trên 40 độ C trong một tháng.
Một cảnh báo hạn hán trên toàn quốc đã được ban hành vào ngày 19.8, thông báo đầu tiên như vậy trong 9 năm.
Đã không có mưa trong ba tuần ở quê hương của người nông dân Cheng ở thành phố Hưng Hóa, thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Nhiệt độ buổi trưa lên đến 40 độ C đủ làm cho lá đậu tương bị héo.
“Có vẻ như cây cối sắp chết vào buổi trưa. Chúng phục hồi một chút vào ban đêm khi trời mát hơn, nhưng lá lại héo vào sáng hôm sau”, Cheng (70 tuổi) nói và hiện lo ngại sẽ giảm 30% sản lượng của mình trong năm nay.
“Nhiệt độ không được cao trong giai đoạn đậu nành ra hoa. Nhiệt độ lý tưởng là khoảng 30 độ C. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một đợt hạn hán nào nghiêm trọng như thế này”, Cheng chia sẻ thêm.
Tuần trước, tỉnh Giang Tô cảnh báo nhiệt độ mặt đường có thể tăng lên 72 độ C, làm tăng nguy cơ xẹp lốp, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.
Tại thành phố Trùng Khánh, nơi sinh sống của hơn 31 triệu người, có tới 66 con sông và 25 hồ chứa đã cạn nước, gần 1 triệu cư dân và 59.000 ha đất nông nghiệp trên 34 quận đã bị ảnh hưởng.
Các tuyến vận chuyển bị đóng ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, từ tỉnh Hồ Nam miền trung đến An Huy ở phía đông nam Trung Quốc.
"Trong tháng qua, 4,5 triệu km2 của đất nước đã phải trải qua nhiệt độ từ 35 độ C trở lên", Trung tâm Khí tượng Quốc gia cho biết hôm 19.8. Đó là khoảng một nửa tổng diện tích đất Trung Quốc.
“Hơn 200 trạm quan trắc quốc gia đã quan sát thấy mức cao kỷ lục, với nhiệt độ lên tới 45 độ C ở thành phố Bắc Bội, Trùng Khánh”, Trung tâm Khí tượng Quốc gia dự báo, cho biết đợt nắng nóng này ít nhất sẽ kéo dài đến ngày 25.8.
Một số trường hợp say nắng và hai ca tử vong đã được báo cáo từ 5 tỉnh: Chiết Giang và Giang Tô phía đông, Phúc Kiến phía đông nam, Tứ Xuyên phía tây nam và Hà Nam ở miền trung Trung Quốc.
Thời tiết khắc nghiệt xảy ra vào thời điểm quan trọng với lúa, đậu tương và các cây trồng thâm canh khác trước vụ thu hoạch mùa thu.
Fang Fuping, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Trung Quốc, nói với CCTV hôm 18.8 rằng: “Tháng 8 là thời điểm chuẩn bị và trổ bông cho lúa. Vào thời điểm này, nắng nóng có tác động lớn nhất và mang lại những điều vô cùng bất lợi”.
Nắng nóng kéo dài và dự trữ nước giảm đã gây ra tình trạng suy giảm nguồn điện khi nhu cầu làm mát tăng cao, các nhà máy đóng cửa và làm dấy lên những lo lắng về chuỗi cung ứng tại trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới.
Một số tỉnh của Trung Quốc đã áp dụng các hạn chế điện với các ngành khác nhau. Tứ Xuyên đã ra lệnh đóng cửa tất cả nhà máy trong 6 ngày, điều hòa không khí được tắt trong một số tòa nhà văn phòng và tờ Tứ Xuyên Nhật báo kêu gọi các quan chức chính quyền đi cầu thang bộ thay vì thang máy.
“Công suất phát điện của tỉnh đã giảm hơn 50%”, một kỹ sư State Grid Sichuan Electric Power Company cho biết trên trang web của công ty. Năng lượng thủy điện chiếm khoảng 80% nguồn cung của Tứ Xuyên.
Tại thành phố Trùng Khánh, các quảng cáo ngoài trời, đèn tàu điện ngầm và biển hiệu tòa nhà đã được làm mờ để tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia khí hậu cảnh báo thời tiết khắc nghiệt có thể trở thành tiêu chuẩn mới khi tình trạng ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng.
Trung Quốc đã và đang chống chọi không chỉ với hạn hán và nắng nóng mà còn cả những trận mưa lớn và lũ lụt gây chết người ở một số tỉnh, với những ngôi nhà bị cuốn trôi và hàng ngàn người phải di dời.
Trận lũ quét do mưa gây ra đã khiến 7 người chết tại một điểm du lịch ở Tứ Xuyên vào ngày 13.8 và khiến 18 người khác thiệt mạng ở tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc nước này vào tuần trước.
Một báo cáo khoa học của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng một đợt nắng nóng nguy hiểm xảy ra trước đó ở một khu vực nhất định cứ 50 năm một lần sẽ tấn công 5 năm một lần nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp cuối thế kỷ này. Ở mức 4 độ C ấm lên, điều này sẽ xảy ra gần như hàng năm.
Li Zhao, nhà nghiên cứu rủi ro khí hậu tại Greenpeace East Asia ở thủ đô Bắc Kinh, cho biết: “Thời tiết cực đoan có những tác động khác nhau với các lĩnh vực khác nhau và mỗi lĩnh vực cần có hệ thống cảnh báo, dự báo sớm và thực hiện các biện pháp thích hợp. Điều này cũng liên quan đến sự hợp tác giữa các lĩnh vực. Trong khi đó, các quốc gia phải tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính càng sớm càng tốt”.
Greenpeace East Asia là văn phòng phục vụ khu vực Đông Á của tổ chức môi trường toàn cầu Greenpeace. Greenpeace là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn nhất tại Trung Quốc.