Tính đến ngày 20.11.2023, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỉ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023.
Kinh tế - đầu tư - dự án

11 tháng, vốn thực hiện FDI cao nhất trong 5 năm qua

Lam Thanh 29/11/2023 07:39

Tính đến ngày 20.11.2023, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỉ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023.

Số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ

Thông tin mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong 11 tháng năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỉ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, có 2.865 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 58,1% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỉ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 15,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỉ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ; 3.166 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 4% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt gần 5,97 tỉ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 20,97 tỉ USD, chiếm gần 72,71% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40,2% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỉ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 31,4% so với cùng kỳ.

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2023.

Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỉ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.

TP.HCM xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,08 tỉ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 2,8 tỉ USD, 2,7 tỉ USD và 2,6 tỉ USD.

fdi.jpeg
FDI vào Việt Nam cao nhất 5 năm

Số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ, tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI gồm cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư… như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng.

Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỉ USD

Từ đầu năm đến nay, 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỉ USD, chiếm hơn 17,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 10,9% so với cùng kỳ 2022; Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ hai với hơn 4,33 tỉ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.

Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,17 tỉ USD, chiếm gần 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,1%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,9%).

11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 237,16 tỉ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,3% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 235,42 tỉ USD, giảm 6,8%, chiếm 72,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 192 tỉ USD, giảm 11,1% so cùng kỳ và chiếm 64,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính lũy kế đến ngày 20.11.2023, cả nước có 38.844 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 462,4 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 294,2 tỉ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao nhất với hơn 280,5 tỉ USD (chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư).

Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,6 tỉ USD (chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 38,6 tỉ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, TP.HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với hơn 57,25 tỉ USD (chiếm gần 12,4% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 40,3 tỉ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,58 tỉ USD (chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư).

Bài liên quan
Thu hút FDI vào bất động sản và những trở ngại
Các chuyên gia cho rằng việc thu hút FDI vào bất động sản (BĐS) vẫn còn một số trở ngại, đặc biệt là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thủ tục hành chính vô cùng phức tạp…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
1 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
11 tháng, vốn thực hiện FDI cao nhất trong 5 năm qua