Mỹ, EU muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một trung tâm sản xuất thì họ lại đang tìm đến Việt Nam, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Ấn Độ... cùng quan tâm tới ngành công nghiệp bán dẫn, song Việt Nam đang có lợi thế hơn các đối thủ vì sở hữu lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, thể hiện bằng sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... về lĩnh vực được đánh giá đang "nóng" nhất thế giới hiện nay.
Trong Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ vào tháng 9, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đều ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam và Mỹ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ "gieo mầm" ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E.Knapper từng cho biết giữa hai nước đã thành lập nhóm công tác hỗ trợ về đầu tư bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến công nghệ thông tin để phục vụ cho các nhà máy tại Đà Nẵng - Quảng Nam nói riêng, miền Trung và Việt Nam nói chung. Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong phát triển công nghệ và nhân lực trong tương lai. "Chúng tôi rất mong sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư của Mỹ tại Đà Nẵng, góp phần để cùng Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào 2045", Đại sứ Marc E.Knapper nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Marc E.Knapper, những nội dung về giáo dục, chuỗi cung ứng, hạ tầng là lĩnh vực mà Mỹ rất quan tâm và là những nội dung rất quan trọng trong tuyên bố chung giữa hai nước. Đặc biệt, trong tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ cũng đã nhấn mạnh đến việc hợp tác thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến bán dẫn.
"Mỹ sẽ giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn để Việt Nam có thể gia nhập chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đồng thời hỗ trợ việc đào tạo lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để vận hành các nhà máy trong tương lai", Đại sứ khẳng định.
Vào ngày 11.10 vừa qua, Tập đoàn Amkor Technology cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn tại Bắc Ninh. Đây là một trong những tập đoàn dẫn đầu của Mỹ trong ngành công nghiệp đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn trong 55 năm qua.
Với tổng vốn đầu tư 1,6 tỉ USD, toàn bộ hệ thống nhà xưởng trên diện tích 23 ha sẽ là trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới trong mạng lưới phát triển của Tập đoàn Amkor Technology, ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, ô tô, máy tính, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu...
Ông Giel Rutten - Tổng giám đốc điều hành toàn cầu Tập đoàn Amkor Technology cho biết: "Với chiến lược xây dựng một nhà máy với quy mô lớn nhất thế giới của tập đoàn, chúng tôi đã khảo sát nhiều địa điểm để lựa chọn đặt nhà máy và đã lựa chọn Việt Nam vì hệ sinh thái nhiều nhà cung ứng bán dẫn, thiết bị điện tử, vi mạch. Việt Nam được biết đến là quốc gia trong nhóm đầu xuất khẩu công nghệ cao".
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí ngày 28.11, tân Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier nhìn nhận Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn toàn cầu nhờ lợi thế tự nhiên và sự hỗ trợ của nước ngoài, trong đó có EU.
"Chất bán dẫn là lĩnh vực mà chúng tôi đầu tư trên toàn cầu. Chúng ta cần chuỗi cung ứng an toàn hơn và Việt Nam có thể đóng một vai trò to lớn vì có trữ lượng đất hiếm. Hiện có khá nhiều kỹ sư trong lĩnh vực này. Chúng ta sẽ cần nhiều kỹ sư hơn nữa và chúng tôi sẽ chào đón các kỹ sư và sinh viên đến châu Âu, đồng thời đến các quốc gia khác nơi có những nghiên cứu tốt về lĩnh vực này và đầu tư ở đây.
Cách đây vài tuần, đầu tháng 11, chúng tôi đã có một phái đoàn doanh nhân từ Hà Lan đến đây để tìm kiếm các khoản đầu tư khả thi vào lĩnh vực này. Vì vậy, tôi nghĩ sự kết hợp này có thể hỗ trợ Việt Nam trong tương lai trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn và điều đó tất nhiên sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam", Julien Guerrier cho hay.
Hay trong chuyến công tác tới Hà Nội mới đây do Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dẫn đầu, có khoảng hơn một chục đại diện đến từ các công ty chip hoặc nhà cung cấp của các hãng bán dẫn.
BE Semiconductor Industries (BESI), một nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu của Hà Lan, thông báo rằng họ đã nhận được sự chấp thuận đầu tư ban đầu trị giá 5 triệu USD để thuê một nhà máy ở miền Nam Việt Nam. Theo Asia Financial, các khoản đầu tư ban đầu được biết đến không lớn, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một trung tâm xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Bắc Kinh và phương Tây, đã hạn chế doanh số bán chip tiên tiến nhất của Hà Lan sang Trung Quốc.
Ông Henk Jan Poerink, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của BESI, cho biết khoản đầu tư của công ty dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể với kế hoạch xây dựng nhà máy riêng tại Việt Nam trong vòng 4 năm tới.
Ông cho biết, BESI sẽ tiếp bước các công ty Hà Lan khác để tạo ra "hệ sinh thái" bán dẫn mới tại Việt Nam, đồng thời cho biết thêm rằng ít nhất hai công ty khác trong phái đoàn cũng đang có kế hoạch đầu tư.
Trên thực tế, Việt Nam hiện là nơi có nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của Intel và cũng là trung tâm sản xuất lớn của Samsung và LG (Hàn Quốc). Ông cũng cho biết BESI đang dự định chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhiều tập đoàn hàng đầu về công nghệ bán dẫn như Intel, Samsung, SK... với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỉ USD không chỉ xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, mà còn tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ tại Việt Nam. Như SK Group của Hàn Quốc đã tài trợ 30 triệu USD để xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Trước những cơ hội đó, nguồn nhân lực cao sẽ là chìa khóa. Theo các Hiệp hội vi mạch quốc tế, nếu làm tốt phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn, tiến tới tự sản xuất chip từ năm 2030.
Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỉ USD.
Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỉ USD. Chính vì vậy, chủ động nắm bắt và chuẩn bị các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư bán dẫn sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh lĩnh vực này.
Theo số liệu thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng khoáng sản đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn. Có thể thấy, Việt Nam là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn khiến không ít nhà sản xuất bán dẫn thèm muốn.