ASML Holdings và Lam Research, hai nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, đang cố gắng tuân thủ các hạn chế thương mại mới nhất của Mỹ với Trung Quốc bằng cách rút các kỹ sư Mỹ ra khỏi hoạt động của họ ở nước này.

2 nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu tuân thủ biện pháp Mỹ trừng phạt Trung Quốc

Sơn Vân | 14/10/2022, 13:00

ASML Holdings và Lam Research, hai nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu thế giới, đang cố gắng tuân thủ các hạn chế thương mại mới nhất của Mỹ với Trung Quốc bằng cách rút các kỹ sư Mỹ ra khỏi hoạt động của họ ở nước này.

ASML là công ty độc quyền toàn cầu trong việc cung cấp các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV).

ASML vừa đưa ra một bản ghi nhớ nội bộ yêu cầu nhân viên Mỹ của mình, bao gồm cả những người có thẻ xanh, không được phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho khách hàng ở Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.

Động thái này nhằm giải quyết vấn đề tuân thủ yêu cầu mới từ chính quyền Biden hạn chế sự tham gia của người Mỹ vào các cơ sở chip tiên tiến ở Trung Quốc.

ASML vẫn đang tích cực đánh giá xem những cơ sở cụ thể nào bị ảnh hưởng bởi hạn chế này”, theo một bản ghi nhớ mà công ty gửi cho nhóm quản lý Mỹ của mình. Tính xác thực của bản ghi nhớ đã được xác nhận bởi một người quen thuộc với tình hình.

Trong khi đó, Lam Research (nhà cung cấp thiết bị chế tạo đĩa bán dẫn) cùng KLA Corp (cung cấp hệ thống kiểm soát quy trình cho ngành bán dẫn) đã rút các kỹ sư Mỹ ra khỏi việc hỗ trợ thiết bị cho khách hàng Trung Quốc, bao gồm cả Yangtze Memory Technologies Company (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc), theo một báo cáo của trang Wall Street Journal.

Trong chuyến thăm văn phòng Lam Research tại Trạm Giang (được gọi là Thung lũng Silicon của thành phố Thượng Hải), phóng viên SCMP tiếp cận các nhân viên nơi đây nhưng họ không trả lời về vấn đề đó.

Một quan chức tiếp thị từ văn phòng Lam Research ở Thượng Hải cho biết công ty không có gì để nói về chuyện đó.

Sự thận động này đến khi nhân viên Mỹ của các doanh nghiệp liên quan đến chip ở Trung Quốc vội vàng tuân thủ các quy định mới của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS), cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ.

Các hạn chế mới nhất dự kiến ​​sẽ giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vì các kỹ sư và lãnh đạo có hộ chiếu hoặc quốc tịch Mỹ đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp chip đang phát triển của Trung Quốc.

Wang Lifu, nhà phân tích tại công ty tư vấn bán dẫn ICWise có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết nhà cung cấp như ASML và KLA cũng như các khách hàng Trung Quốc của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Có trụ sở chính tại khu vực đô thị Veldhoven (Hà Lan), ASML thành lập và hoạt động tại Trung Quốc vào năm 2000, hiện sở hữu 12 văn phòng ở quốc gia này.

Được thành lập vào năm 1980, Lam Research là nhà cung cấp thiết bị chế tạo đĩa bán dẫn có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ), với người sáng lập David K. Lam là kỹ sư gốc Trung Quốc, từng làm việc tại Xerox, Hewlett-Packard và Texas Instruments.

Theo trang web của công ty, Trung Quốc là một thị trường quan trọng với Lam Research và họ vẫn có một số cơ hội việc làm ở Thượng Hải, từ kỹ sư dịch vụ hiện trường đến kỹ thuật viên công nghệ.

Shen Bo, Phó chủ tịch cấp cao ASML kiêm Giám đốc tại Trung Quốc, cho biết công ty đã tăng số lượng nhân sự địa phương từ dưới 500 vào năm 2017 lên hơn 1.500 vào cuối tháng 8, theo báo cáo của trang Outlet Jiemian News.

2-nha-cung-cap-cong-cu-san-xuat-chip-hang-dau-rut-ky-su-my-khoi-hoat-dong-o-trung-quoc.jpg
Các nhà cung cấp công cụ chế tạo chip đang gấp rút tuân thủ các hạn chế mới của Mỹ - Ảnh: Bloomberg

Hôm 13.10, Naura Technology Group (nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Trung Quốc) đã yêu cầu các nhân viên Mỹ của họ ở Trung Quốc ngừng tham gia phát triển linh kiện và máy móc, theo một nguồn tin tóm tắt về quyết định này.

Trong một thông báo nội bộ, Naura Technology Group (có trụ sở tại Bắc Kinh và niêm yết ở Thâm Quyến) đã yêu cầu các kỹ sư Mỹ của họ ngừng làm việc với các dự án nghiên cứu và phát triển.

Thông báo được đưa ra sau quy định của BIS hạn chế “khả năng của người Mỹ trong việc hỗ trợ phát triển hoặc sản xuất” chip tại một số cơ sở sản xuất chất bán dẫn đặt tại Trung Quốc mà không có giấy phép.

Hạn chế sự tham gia của công dân Mỹ vào phát triển chip ở Trung Quốc là một phần quy định sâu rộng do chính quyền ông Biden đưa ra, cùng với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và rộng rãi, nhằm làm chậm lại bước tiến của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.

Các nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ đang rút nhân viên Mỹ khỏi các cơ sở Trung Quốc, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Đầu tuần này, Naura Technology Group cho biết trong một hồ sơ trên thị trường chứng khoán rằng công ty con là Beijing Naura Magnetoelectric Technology nằm trong danh sách chưa được xác minh của Bộ Thương mại Mỹ.

Naura Technology Group hạ thấp hành động của Mỹ khi nói rằng Beijing Naura Magnetoelectric Technology chỉ chiếm 0,5% tổng doanh thu hàng năm. Dù vậy, giá cổ phiếu Naura Technology Group đã giảm 20% trong tuần này.

YMTC và 30 đơn vị khác trong lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc gần đây bị BIS đưa vào Danh sách chưa được xác minh (UVL).

Các bên có quyền lợi chưa được BIS xác minh sẽ bị đưa vào UVL. Những công ty này không đủ điều kiện để nhận các mặt hàng theo Quy định Quản lý Xuất khẩu của chính phủ Mỹ.

Theo các quy tắc cập nhật được BIS công bố vào ngày 7.10, các công ty thuộc UVL không cung cấp dữ liệu cần thiết cho quy trình xác minh của BIS có thể bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ, được gọi là danh sách thực thể.

Naura Technology Group không có khả năng cung cấp dữ liệu bổ sung cho chính phủ Mỹ vì tư cách là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Bài liên quan
Hãng chip lớn nhất Trung Quốc sẽ thiệt hại lớn do bị Mỹ hạn chế công nghệ
Theo nhà phân tích Charles Shum chuyên viết cho chuyên mục Bloomberg Intelligence, những hạn chế Mỹ áp đặt để ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến sẽ khiến tăng trưởng doanh thu năm 2023 của hãng chip SMIC giảm một nửa so với kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu tuân thủ biện pháp Mỹ trừng phạt Trung Quốc