Những người cao tuổi ở Trung Quốc đang chần chừ tiêm vắc xin ngay cả khi biến thể Omicron lan rộng và các nhà phê bình cho rằng chính sách Zero COVID không bền vững.

37 triệu dân bị phong tỏa, người già ngại tiêm vắc xin: Trung Quốc sẽ tiếp tục chống dịch như thế nào?

Sơn Vân | 20/03/2022, 07:00

Những người cao tuổi ở Trung Quốc đang chần chừ tiêm vắc xin ngay cả khi biến thể Omicron lan rộng và các nhà phê bình cho rằng chính sách Zero COVID không bền vững.

Khi các khu vực lân cận bị phong tỏa, Liu Li bắt đầu mua nhiều đồ để tích trữ. Nhân viên tạp vụ 42 tuổi người Trung Quốc đã mua rau, trái cây, thuốc men và các vật dụng khác, bổ sung vào kho dự trữ những thứ cơ bản mà cô duy trì kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Ngày 13.3, một cư dân trong cộng đồng mà Liu sống cùng mẹ ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Điều này dẫn đến khu vực đó bị phong tỏa. Dù vậy, cuộc sống Liu Li vẫn ổn.

"Tôi sống một cuộc sống bình thường. Tôi làm việc khi có nhiệm vụ. Nếu không có bất kỳ điều gì, tôi nói chuyện với mẹ, xem TV hoặc chơi với con mèo của tôi", cô kể.

Liu Li may mắn hơn một số người khi được làm việc tại nhà. Cô đã chuẩn bị sẵn mọi thứ kỹ lưỡng, song cũng có rủi ro. Mẹ cô là bệnh nhân ung thư và chưa tiêm vắc xin COVID-19. Hiện họ nằm trong số 37 triệu người đang bị phong tỏa ở Trung Quốc, khi các nhà chức trách nước này chiến đấu với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất kể từ đầu năm 2020.

Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn mọi đợt bùng phát dịch trước đây, thông qua phản ứng tốn nhiều tài nguyên, bao gồm xét nghiệm hàng loạt, ngừng hoạt động vận tải và phong tỏa cục bộ. Song lần này biến thể Omicron thách thức các chiến lược cũ của Trung Quốc.

37-trieu-dan-bi-phong-toa-nguoi-gia-ngai-tiem-vac-xin.jpg
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở thành phố Thường Châu, Trung Quốc - Ảnh: Shutterstock

Ngày 17.3, Trung Quốc báo cáo 4.130 ca mắc COVID-19 có triệu chứng và không có triệu chứng tại hơn 20 tỉnh, trong đó có 2.626 trường hợp ở tỉnh Cát Lâm. Hôm 18.3, Trung Quốc ghi nhận 2 trường hợp tử vong đầu tiên sau 14 tháng, cũng ở tỉnh Cát Lâm.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Lan Châu đã dự đoán có 35.000 người sẽ nhiễm SARS-CoV-2 nếu Omicron không được ngăn chặn vào đầu tháng 4.

Theo phân tích về dữ liệu dân số và vắc xin, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết 95% ca mắc COVID-19 là nhẹ, nhưng đáng lo ngại là khoảng 17 triệu người trên 80 tuổi (khoảng một nửa nhóm tuổi) vẫn chưa tiêm vắc xin đầy đủ. Khoảng 52 triệu người trên 60 tuổi (19%) chưa tiêm vắc xin.

Không giống nhiều quốc gia khác, các chuyên gia y tế gần như đồng nhất khuyến khích tiêm vắc xin. Tuy nhiên, nhiều người không tiêm phòng COVID-19 ở Trung Quốc nói rằng họ đang làm theo lời khuyên của bác sĩ.

Liu Li nói: “Mẹ tôi là bệnh nhân ung thư và trải qua hai cuộc phẫu thuật nên không thể tiêm vắc xin. Bác sĩ cho rằng nên quyết định tùy theo thể trạng và môi trường sống của chúng tôi”.

Một người dùng mạng xã hội Weibo cho biết: “Mẹ tôi mắc rất nhiều hội chứng nên không thể tiêm vắc xin được. Chúng tôi đã đến bệnh viện 3 lần và họ không tiêm vắc xin cho bà ấy, vì vậy chúng tôi đã bỏ cuộc”.

Lo sợ về các phản ứng có hại là một lý do phổ biến ở những người cao tuổi không tiêm vắc xin COVID-19. Một người dùng Weibo khác cho biết: “Bố và mẹ chồng tôi bị cao huyết áp nên họ không dám đi tiêm vắc xin COVID-19”.

Thay vào đó, Liu Li đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác để bảo vệ mẹ mình. Trước đợt phong tỏa gần nhất, Liu Li không ra ngoài nhiều nhưng khi ra khỏi nhà, cô tránh đám đông và đeo khẩu trang. “Miễn là tôi chú ý hơn trong cuộc sống hàng ngày, mọi thứ sẽ ổn thôi”, Liu Li nói.

Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp trong nhóm dân số dễ bị tổn thương này cũng xuất hiện ở Hồng Kông - nơi những người già không tiêm chủng chiếm tỷ lệ không cân đối giữa bệnh nhân COVID-19 và ca tử vong.

Đài Loan đang gấp rút thuyết phục người dân tiêm vắc xin COVID-19 trước khi dịch bệnh bùng phát.

Giáo sư Chi Chun-huei, Giám đốc trung tâm sức khỏe toàn cầu tại Đại học Oregon (Mỹ), gọi sự chần chừ tiêm vắc xin là nghịch lý của chính sách Zero COVID. Ông nói với tờ Observer: “Khi không có bất kỳ đợt bùng phát dịch nào trong nước trong thời gian dài, nguy cơ lây nhiễm gần như bằng 0. Khi người già ở Trung Quốc đánh giá lợi ích so với rủi ro của việc tiêm vắc xin COVID-19, nhận thức về lợi ích gần như bằng 0. Trong khi đó, nhận thức của họ về rủi ro của tác dụng phụ và biến chứng là tương đối cao”.

Một nghiên cứu vào tháng 11.2021 về sự do dự tiêm vắc xin COVID-19 ở Trung Quốc cũng liệt kê giá cả là mối quan tâm cao thứ 3, dù chính phủ tuyên bố từ tháng 1.2021 rằng vắc xin là miễn phí.

Bà Chi Chun-huei nói: “Có thể việc tiêm vắc xin miễn phí không hoàn toàn phổ biến, hoặc chương trình miễn phí không được truyền thông rộng rãi đến công chúng”.

Một số cư dân đã trở nên mệt mỏi với cuộc sống bị gián đoạn do chính sách dynamic zero để đối phó với các đợt bùng phát dịch. Hôm 18.3, cảnh quay đã lan truyền về những công nhân mặc thiết bị bảo hộ cá nhân đánh nhau với cư dân trong một bãi đậu xe ở Trung Quốc. Trên mạng, người dân tìm hiểu về Thâm Quyến, Thượng Hải và Hồng Kông cùng những nơi khác có ít hạn chế về COVID-19 hơn.

Chính phủ Trung Quốc vẫn cam kết với dynamic zero, nhưng có dấu hiệu lo ngại rằng chi phí đang trở nên cao không thể chấp nhận được. Tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs ước tính việc phong tỏa kéo dài 1 tháng tại 1/3 khu vực ở Trung Quốc có thể khiến GDP giảm 1 điểm phần trăm.

Tại cuộc họp kín của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hôm 17.3, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình dường như thừa nhận tác hại của các chính sách này khi yêu cầu nỗ lực “phòng ngừa, kiểm soát tối đa chi phí và giảm thiểu tác động của dịch bệnh với sự phát triển kinh tế, xã hội”.

Có những dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đã nhận ra đợt bùng phát dịch này hoàn toàn khác biệt. Lần đầu tiên Trung Quốc đã phê duyệt việc sử dụng các xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà và bổ sung việc sử dụng Paxlovid, thuốc kháng vi rút do Pfizer sản xuất, vào các hướng dẫn về đại dịch.

Trung Quốc cũng tuyên bố chấm dứt việc nhập viện bắt buộc với tất cả bệnh nhân COVID-19 và sẽ gửi các trường hợp nhẹ, không có triệu chứng đến các cơ sở cách ly tập trung.

Tại Thâm Quyến (trung tâm công nghệ Trung Quốc), Foxconn (nhà cung cấp hàng đầu của Apple) nằm trong số các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trở lại chỉ vài ngày sau khi phong tỏa toàn thành phố, để giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế.

Tại Thâm Quyến, Foxconn (nhà cung cấp hàng đầu của Apple) nằm trong số các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động trở lại chỉ vài ngày sau khi phong tỏa toàn thành phố. Chính quyền đã ban hành hệ thống khép kín tương tự trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh để giảm thiểu sự gián đoạn kinh tế. 

Thế nhưng, bà Chi Chun-huei nói rằng Trung Quốc khó có thể sớm từ bỏ dynamic zero. Hàng chục quan chức địa phương đã bị sa thải hoặc bị trừng phạt vì dịch bệnh bùng phát. 

Sự bùng phát COVID-19 đã đưa Trung Quốc vào ngã ba đường. Nếu biện pháp ngăn chặn dịch không hiệu quả, dân số 1,4 tỉ người sẽ phải gánh chịu thiệt hại lớn và các nhà phân tích dự đoán những gián đoạn lớn với nền kinh tế cùng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu việc ngăn chặn dịch không hiệu quả thì sẽ dẫn đến câu hỏi: Điều gì xảy ra tiếp theo? Các chiến lược Zero COVID lại dựa trên hạn chế việc đi lại nhiều và đóng cửa biên giới. Khi nào Trung Quốc mở cửa trở lại?

Giáo sư Antoine Flahault, Giám đốc Viện sức khỏe toàn cầu tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ), cho biết Omicron có nghĩa dynamic zero không còn là sự lựa chọn hiệu quả hoặc bền vững.

Giáo sư Chi Chun-huei hy vọng Trung Quốc sẽ ngăn chặn được dịch bùng phát, nhưng ông cho rằng việc COVID-19 lây lan trong một môi trường được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể không phải là điều tồi tệ nhất. Theo ông, các nghiên cứu gần đây cho biết khả năng miễn dịch tự nhiên mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ hơn so với vắc xin.

Chi Chun-huei nói: “Omicron với khả năng lây lan cao và mức độ ít nghiêm trọng, tử vong thấp là một ứng cử viên sáng giá để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng mạnh mẽ”.

Hiện tại, Liu Li cảm thấy thoải mái với việc bị phong tỏa, nhưng cô nhìn thấy tương lai sáng lạn hơn. Liu Li tin tưởng rằng Trung Quốc vượt qua đợt bùng phát dịch nhờ các biện pháp hiện tại, với khả năng miễn dịch cao hơn và các lựa chọn điều trị được cải thiện. “Tôi không lo lắng, ngược lại tôi nghĩ mọi thứ sẽ tốt hơn”, Liu Li nhận định.

Bài liên quan
Chưa từng bị phong tỏa, trung tâm tài chính Trung Quốc gặp thử thách lớn nhất trong đại dịch
Trong 2 năm qua, các chính sách của Thượng Hải về COVID-19 đã mang lại cho người dân một mức độ linh hoạt và tự do hiếm thấy so với những nơi khác ở Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
37 triệu dân bị phong tỏa, người già ngại tiêm vắc xin: Trung Quốc sẽ tiếp tục chống dịch như thế nào?