Trung Quốc dường như đang gặp thách thức khó giải trong trận chiến ngăn chặn Omicron, nhưng vẫn chưa sẵn sàng bỏ chiến lược Zero-COVID

Biến thể Omicron BA.2 lây quá nhanh, thách thức khả năng kiểm soát của Trung Quốc

Sơn Vân | 16/03/2022, 11:07

Trung Quốc dường như đang gặp thách thức khó giải trong trận chiến ngăn chặn Omicron, nhưng vẫn chưa sẵn sàng bỏ chiến lược Zero-COVID

Đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất trên toàn quốc kể từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên, các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế gồm cả phong tỏa các thành phố trên khắp đất nước, với các dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động ở Thâm Quyến (trung tâm công nghệ) và các văn phòng đóng cửa tại Thượng Hải (trung tâm tài chính).

 Trung Quốc đã thực hiện chính sách nghiêm ngặt Zero COVID kể từ khi vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019, phong tỏa các thành phố có nhiều ca mắc COVID-19, xét nghiệm hàng loạt và cách ly chặt chẽ để kiểm soát các ổ dịch tại địa phương.

Thế nhưng, các nhà vi rút học Trung Quốc nói rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron (BA.1) và cùng biến thể phụ BA.2 (còn gọi là Omicron “tàng hình”) có thể khiến chính sách đó trở nên tồi tệ. BA.1 và BA.2 đều tránh được kháng thể do các vắc xin Trung Quốc tạo ra.

bien-the-omicron-ba2-lay-qua-nhanh-co-the-vuot-tam-kiem-soat-cua-trung-quoc.jpg
Cư dân xếp hàng bên ngoài địa điểm xét nghiệm axit nucleic của một bệnh viện ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Với những người ở châu Mỹ hoặc châu Âu, số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở Trung Quốc vẫn còn khá nhỏ. Trung Quốc ghi nhận 3.507 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng với các triệu chứng được ghi nhận hôm 14.3 trên hơn 12 tỉnh và thành, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, tăng từ 1.337 một ngày trước đó. Trong khi Vương quốc Anh đang chứng kiến ​trung bình hơn 91.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày 1 tuần qua.

Tình hình ở Hồng Kông thật đáng lo ngại. Omicron dường như đang lây lan khó được kiểm soát trong dân số thành phố 7,1 triệu dân, nơi ghi nhận trung bình hơn 19.000 ca mỗi ngày trong 1 tuần qua dù tiêm vắc xin rộng rãi.

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Quốc là tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc giáp với Triều Tiên, nơi nhiều người dân bị hạn chế ra khỏi nhà ngoại trừ các chuyến mua sắm hàng tạp hóa cách ngày. Cát Lâm đã ghi nhận hơn 4.000 ca mắc COVID-19 trong hai tuần qua.

Nhiều đợt bùng phát dịch nhỏ hơn cũng được ghi nhận ở Trung Quốc. Thâm Quyến, thành phố có 17,5 triệu dân giáp với Hồng Kông, đã ghi nhận 60 ca mắc COVID-19 hôm 14.3, khiến chính quyền đình chỉ giao thông công cộng, đóng cửa các nhà máy, trong số đó có nhà máy Foxconn. Các cư dân Thâm Quyến đã được yêu cầu ở nhà trong tuần này trừ khi họ đi xét nghiệm ba vòng bắt buộc.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nổi tiếng từ Thượng Hải, Zhang Wenhong, cho biết đợt bùng phát mới nhất là BA.2, biến thể SARS-CoV-2 lây nhiễm mạnh nhất từ ​​trước đến nay.

Zhang Wenhong, người kêu gọi áp dụng các hạn chế phong tỏa đầu đại dịch khiến ông trở thành nhân vật nổi bật, nói rằng số ca mắc COVID-19 hiện tại là sự khởi đầu của “sự gia tăng theo cấp số nhân”, nhưng Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng ngăn chặn vi rút.

"Nếu đất nước chúng ta mở cửa nhanh chóng bây giờ, điều đó sẽ gây ra số lượng lớn nhiễm SARS-CoV-2 cho người dân trong thời gian ngắn. Dù tỷ lệ tử vong có thấp đến đâu thì vẫn sẽ gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn lực y tế và gây ra cú sốc ngắn hạn cho đời sống xã hội, gây tác hại không thể bù đắp được cho gia đình và xã hội”, Zhang Wenhong viết.

Foxconn, đối tác sản xuất hàng đầu của Apple, cho biết sẽ sử dụng “các địa điểm sản xuất đa dạng ở Trung Quốc” để giảm thiểu tác động của việc phong tỏa tại Thâm Quyến.

Thế nhưng, từ một quan điểm kinh tế rộng lớn hơn, các cuộc phong tỏa - cả ở Thâm Quyến và Đông Hoản (trung tâm công nghiệp Trung Quốc) - đến vào thời điểm tồi tệ.

Việc hoảng sợ bán ra chứng kiến cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Hồng Kông giảm 11% hôm 14.3 vì lo ngại rộng hơn rằng Trung Quốc có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Ukraine, hoặc các công ty Trung Quốc kinh doanh ở Nga có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nếu Trung Quốc kiên định với chính sách Zero COVID, bất chấp sự lan rộng của Omicron, một sự lựa chọn là các nhà sản xuất đưa ra hệ thống “quản lý khép kín”, nơi người lao động sống và làm việc trong “bong bóng” không có COVID-19.

Người Trung Quốc đã sử dụng hệ thống như vậy để bảo vệ Thế vận hội mùa đông diễn ra vào tháng trước ở Bắc Kinh, nơi các nhân viên và tình nguyện viên mặc bộ đồ hazmat để xét nghiệm các vận động viên đến thăm và thậm chí dùng robot để đưa đồ ăn cho họ. Việc thực hiện điều đó ở một siêu đô thị như Thâm Quyến hay Thượng Hải sẽ khó khăn hơn.

Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu cách sống chung với SARS-CoV-2 mà vẫn tránh được khủng hoảng như Hồng Kông. Tuy nhiên, Gabriel Leung, Trưởng khoa Y của Đại học Hồng Kông, nhận xét: “Bước nhảy vọt lớn của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến phần còn lại thế giới. Giải phóng COVID-19 trên dân số 1,4 tỉ có nghĩa là rất nhiều người sẽ phát tán vi rút. Điều đó sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện. Đó không chỉ là vấn đề quốc gia, mà còn là vấn đề toàn cầu".

Bài liên quan
Đồng rúp mất giá kỷ lục, các hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc giảm 1/2 lô hàng đến Nga
Tiền tệ và các lệnh trừng phạt ngăn công ty Trung Quốc tận dụng lợi thế của việc các thương hiệu phương Tây tháo chạy khỏi Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến thể Omicron BA.2 lây quá nhanh, thách thức khả năng kiểm soát của Trung Quốc