8 hiệp hội cho rằng nhiều quy định vẫn mang mục tiêu "Zero COVID", chưa hoàn toàn là "Sống chung với COVID" nên chưa phù hợp.

8 Hiệp hội kiến nghị sửa quy định mang mục tiêu 'Zero COVID' thành 'Sống chung với COVID"

Tuyết Nhung | 26/09/2021, 15:28

8 hiệp hội cho rằng nhiều quy định vẫn mang mục tiêu "Zero COVID", chưa hoàn toàn là "Sống chung với COVID" nên chưa phù hợp.

8 hiệp hội gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, vừa có văn bản góp ý Dự thảo Hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch COVID-19" của Bộ Y tế.

Các hiệp hội này cho rằng Dự thảo khá rõ ràng khi đưa ra 5 chỉ tiêu để đánh giá. Tuy nhiên, Dự thảo chỉ có một hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt như Thủ tướng đã chỉ đạo. Đặc biệt, nhiều quy định vẫn mang mục tiêu "Zero COVID" (nghĩa là đưa số ca mắc COVID-19 về 0) chứ chưa hoàn toàn là "Sống chung với COVID" nên chưa phù hợp.

Cụ thể, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, quy định đầu tiên là việc thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vắc xin, dẫn đến có thể lãng phí không cần thiết.

Thứ hai là, nếu áp dụng ngay bây giờ tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vắc xin sẽ có nguy cơ vỡ trận, do đó cần điều chỉnh chi tiết hơn.

Thứ ba là, các quy định chưa đảm bảo giảm được tử vong, do thiếu chỉ tiêu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU cho các ca cần điều trị tích cực (thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn).

Thứ tư là, nhiều quy định chỉ phù hợp với chủ trương cũ "Zero COVID", chưa phù hợp với chủ trương "sống chung với dịch", chưa phù hợp với mức độ phủ vắc xin và năng lực y tế, ảnh hưởng lớn đến kinh tế.

Theo đó, các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng áp dụng linh hoạt 2 chiến lược để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế. Đó là chiến lược cho giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến từ nay đến đầu quý 1/2022, vùng nào phủ vắc xin sớm hơn thì mở cửa sớm hơn) và giai đoạn sống chung với COVID-19 (dự kiến từ giữa quý 1/2022, có thể sớm hơn nếu tiêm phủ vắc xin sớm hơn).

Trong giai đoạn chuyển tiếp để mở cửa sống chung với vi rút thì sẽ tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp.

Vùng 1 là các vùng dịch đang bùng phát hiện nay theo Chỉ thị 16, sẽ đề xuất cho phép người đã tiêm đủ vắc xin, F0 đã khỏi được đi làm. Điều chỉnh biện pháp áp dụng mức độ giãn cách cho phù hợp, tùy theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vắc xin.

Cùng với đó là bỏ các quy định hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh. Bỏ các quy định hạn chế các hoạt động kinh tế. Có quy trình hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp xử lý F0 trong mỗi giai đoạn. Không đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu có F0, có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.

Vùng 2 là vùng dịch lây lan chậm hoặc chưa có dịch (thấp hơn 0,7 ca mắc mới/100.000 dân/ngày), cần phòng chống dịch theo điểm chứ không phong tỏa diện rộng.

Đến giai đoạn sống chung với vi rút, dự kiến là từ giữa quý 1/2022, có thể sớm nếu tiêm phủ vắc xin sớm hơn. Trong giai đoạn này, các hiệp hội kiến nghị mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm đủ vắc xin cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đạt chỉ số 1 (trên 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ vắc xin).

Giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch, nhưng có điều chỉnh nới rộng như: sản xuất kinh doanh, giao thông công cộng được phép mở lại 100% ở tất cả các cấp độ dịch. Giới hạn số người hội họp, tham gia sự kiện được giảm 1 cấp độ dịch so với giai đoạn chuyển tiếp.

Bỏ toàn bộ các giới hạn đi lại giữa các vùng, bao gồm cả người và xe vận tải (không cần luồng xanh); Bỏ cách ly F1, bỏ cách ly người từ vùng khác đến, bỏ xét nghiệm diện rộng. Cho phép F0 điều trị tại nhà; Triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em và tiêm tăng cường cho người lớn.

Tại Dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19”, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đưa ra 5 chỉ số để đánh giá mức độ thích ứng an toàn.
Trong đó, ba tiêu chí bắt buộc gồm: Thứ nhất, tỉnh/thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Riêng địa phương ở cấp độ 4 phải bảo đảm tối thiểu 3% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch.
Thứ hai, ít nhất 95% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Thứ ba, 100% các trạm y tế xã có ôxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động.
Hai tiêu chí còn lại là số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19.

Bài liên quan
Anh chuẩn bị kế hoạch sống chung với COVID-19
Ngày 5.7, Thủ tướng Boris Johnson công bố kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
36 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
8 Hiệp hội kiến nghị sửa quy định mang mục tiêu 'Zero COVID' thành 'Sống chung với COVID"