Hãng tin Reuters cùng tạp chí Politico dẫn lời giới quan chức và nhà phân tích nhận định hội nghị hòa bình mà Ai Cập tổ chức ngày 21.10 khó lòng đạt được kết quả đáng kể để ngăn xung đột Israel - Hamas leo thang.
Hội nghị có sự góp mặt của đại diện khối Ả Rập (Jordan, Bahrain, Qatar), châu Âu (Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Nga, Na Uy), châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản). Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell cũng tham dự.
Ai Cập không nói rõ mục đích hội nghị mà chỉ cho biết đây là dịp bàn luận diễn biến của khủng hoảng Dải Gaza và tương lai vấn đề Palestine. Reuters dẫn lời một quan chức châu Âu cấp cao tiết lộ giữa các bên dự họp vẫn còn nhiều khác biệt nên không rõ hội nghị có ra được tuyên bố chung hay không.
Trước đó các quốc gia Ả Rập đã bày tỏ phẫn nộ khi Israel không kích và bao vây Dải Gaza nơi hơn 2 triệu dân sinh sống. Phía châu Âu thì lên án cuộc tấn công mà Hamas thực hiện ngày 7.10, tuy nhiên các nước thành viên chưa thể thống nhất cách tiếp cận với khủng hoảng hiện tại.
Nước chủ nhà Ai Cập đang cố gắng chuyển hàng viện trợ vào khu vực thông qua cửa khẩu Rafah. Chính quyền Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi kiên quyết không tiếp nhận người tị nạn vì lo ngại Israel muốn nhân xung đột trục xuất vĩnh viễn người Palestine sang nước họ, khiến yêu cầu thành lập quốc gia Palestine độc lập trở nên vô nghĩa. Hơn nữa một làn sóng di cư đem đến nguy cơ thành viên các nhóm vũ trang xâm nhập bán đảo Sinai (Ai Cập) rồi dùng đây làm bàn đạp tấn công Israel, đe dọa hiệp ước hòa bình đã tồn tại 40 năm giữa hai nước.
Xung đột không chỉ xảy ra ở Dải Gaza. Bờ Tây thời gian qua cũng vô cùng căng thẳng và lực lượng Hezbollah ở Lebanon tiến hành hàng loạt vụ tập kích ở biên giới phía bắc Israel, làm dấy lên lo ngại xung đột lan rộng.
Ngoài khác biệt về lập trường của các bên dự họp, hội nghị hòa bình ngày 21.10 còn thiếu vắng bộ ba cực kỳ quan trọng: Mỹ - Israel - Iran. Politico dẫn lời chính trị gia người Lebanon Walid Jumblatt nhận xét các nước dự họp chẳng có ảnh hưởng gì lớn, mà ba nước quan trọng là Israel, Iran và Mỹ.
Israel là nước liên quan trực tiếp đến xung đột hiện tại, còn Mỹ một mực bảo vệ đồng minh này. Washington vào ngày 18.10 đã phủ quyết một nghị quyết Liên Hợp Quốc kêu gọi tạm dừng giao tranh để tiến hành hỗ trợ nhân đạo với lý do văn kiện không nhấn mạnh đến quyền tự vệ của Israel.
Còn Iran là cường quốc ở Trung Đông, hậu thuẫn cho nhiều nhóm vũ trang trong đó có Hamas, Hezbollah và Houthi. Ngày 19.10, khu trục hạm USS Carney trên Biển Đỏ đánh chặn 3 tên lửa hành trình cùng một số máy bay không người lái phóng từ Yemen nghi nhắm vào Israel. Lầu Năm Góc xác định đợt tập kích do lực lượng Houthi thực hiện.