Lãnh đạo một công ty có kinh nghiệm trong ngành xây dựng đã bất ngờ với con số 172 tỉ cho dự án 3,4km đường phía đông đầm Lập An, bởi đây là con số quá lớn.

3,4 km đường trị giá 172 tỉ: Ngỡ như đường ‘dát vàng’

Quế Sơn | 28/11/2020, 15:51

Lãnh đạo một công ty có kinh nghiệm trong ngành xây dựng đã bất ngờ với con số 172 tỉ cho dự án 3,4km đường phía đông đầm Lập An, bởi đây là con số quá lớn.

Vị lãnh đạo công ty này vui miệng ví von rằng: “Tôi nghĩ có thể tuyến đường này được chủ đầu tư thiết kế có dát vàng nên vốn đầu tư mới lớn đến như vậy, 3,4km tổng vốn 172 tỉ, tức là trung bình mỗi mét có giá trị hơn 50 triệu đồng”.

Ví von của người chỉ nằm trong tưởng tượng, thực tế tuyến đường phía nam đầm Lập An không hề được “dát vàng”, ngược lại còn được thừa hưởng nền đường cũ có từ trước, giúp giảm đi rất nhiều chi phí. 

2de457ca16cfe791bede.jpg
Khung cảnh ngổn ngan như vừa trải qua trận động đất - Ảnh: LC

Phía chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết dự án đường phía nam đông đầm Lập An tại trị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc không chỉ có mặt đường mà còn có hệ thống lan can, vỉa hè và một số hạng mục khác như đèn điện, hệ thống thoát nước… nên mức phí đầu tư mới lên đến 172 tỉ.

0b4fc110d81f2941700e.jpg
Đại diện chủ đầu tư trả lời trước báo chí về thông tin dự án 'đắt đỏ' - Ảnh: LC

Khởi công từ tháng 1.2019, đến thời điểm này dự án tuyến đường phía đông đầm Lập An đã hoàn thành được hơn 60% tiến độ, bắt đầu tạo nên những hình hài nhất định. Tuy nhiên, chỉ sau 1 trận bão tất cả đã bị phá hủy, hình ảnh ngổn ngang của toàn dự án đã làm nổi lên nhiều dấu hỏi về chất lượng và thiết kế của công trình.

Những dãy lan can loại 1, khu vực vỉa hè lót hàng ngàn viên gạch Terazzo cùng hệ thống kè, taluy đã bị sóng đánh tan nát nằm tạo ra cảnh tượng như một trận động đất cấp độ lớn. Hơn nữa, người dân địa phương còn phản ánh rằng sau khi bão đi qua, đã xuất hiện một số công nhân dùng búa để “dọn dẹp” công trình, vất đống đổ nát xuống đầm Lập An.

Sự việc ngay sau đó đã được phía chủ đầu tư thông tin đến giới truyền thông. Ông Trần Công Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế giải thích: “Nguyên nhân khiến công trình bị hư hỏng là do tác động của thiên tai, lần đầu tiên trong nhiều năm qua nước ở đầm Lập An đã dâng lên mặt đường 0,5m, sóng đánh vào làm sạt taluy và bay cả phần lan can”.

cbf459221827e979b036.jpg
Lan can, vỉa hè và taluy... đã bị hư hỏng nặng nề sau khi bão đi qua - Ảnh: LC
820c9674c170302e6961.jpg
Chủ đầu tư khẳng định dự án đã được mua bảo hiểm và sẽ được bồi thường thiệt hại - Ảnh: LC

Phía chủ đầu tư cũng thừa nhận rằng dù có kinh phí đầu tư lên tới 172 tỉ nhưng thiết kế dự án đã không lường trước tác hại của thiên tai, không có thiết kế chắn sóng mà chỉ tập trung theo hướng thẩm mỹ xây dựng cảnh quan xung quanh đầm Lập An.

Đến nay, nguyên nhân chi tiết khiến dự án đường phía đông đầm Lập An tan hoang sau bão vẫn đang được các cơ quan chức năng phối hợp cùng chủ đầu tư xác minh làm rõ. Nhưng rõ ràng, số vốn 172 tỉ được đầu tư vào dự án đã không đi đôi cùng với chất lượng của công trình.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế không dư dả về ngân sách, lại vừa trải qua nhiều đợt thiên tai bão lũ liên tiếp gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Vì vậy, con số 172 tỉ cần được sử dụng một cách có hiệu quả, đúng mục đích và được người dân hết sức quan tâm.

Để sớm có câu trả lời cụ thể về dự án đắt đỏ ở phía đông đầm Lập An, các cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến hư hỏng công trình. Trường hợp nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm, cơ quan thực thi pháp luật nhất thiết sẽ phải vào cuộc để xử lý nghiêm minh.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết phía chính quyền đã chỉ đạo rà soát kiểm tra lại toàn bộ công trình, sau đó có báo cáo cụ thể. “Trong trường hợp có lỗi thì phía đơn vị thi công và giám sát phải chịu trách nhiệm, trước mắt trách nhiệm chính là của chủ đầu tư dự án”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Bài liên quan
Thiệt hại do bão Vamco tại tỉnh Thừa Thiên - Huế
Bão Vamco quần thảo dọc bờ biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế gây mưa to, gió lớn hiện đã ghi nhận những thiệt hại ban đầu sau khi bão qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3,4 km đường trị giá 172 tỉ: Ngỡ như đường ‘dát vàng’