Lãnh đạo EVN cho biết Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỉ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước

4 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 12 tỉ kWh điện

tuyetnhung | 28/02/2019, 19:42

Lãnh đạo EVN cho biết Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn từ 2021-2025 và sau đó. Đặc biệt, dự báo đến năm 2023, hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 12 tỉ kWh, chiếm 5% so với nhu cầu của cả nước

Tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” ngày 27.2, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho biết sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, hai năm qua đã có 365 dự án điện mặt trời tập trung với công suất 29.000 MW được đăng ký đầu tư, trong đó 141 dự án được bổ sung vào quy hoạch. Đã có 95 dự án với công suất đặt 6.100 MWp đã được EVN ký hợp đồng mua bán điện.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhà đầu tư đang đi quá nhiều vào các khu vực có cường độ bức xạ lớn. Chỉ tính riêng các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng đã có 75 dự án và dự kiến là sẽ tiếp tục tăng nhanh nên lưới điện truyền tải không thể truyền tải được hết lên hệ thống. EVN dự kiến chỉ 50% công suất này được đưa lên lưới vì để đầu tư lưới truyền tải cần từ 3 – 5 năm, trong khi để làm điện mặt trời thì mất khoảng 1 năm.

Với tiềm năng điện mặt trời rất lớn, EVN nhận thấy có thể áp dụng điện mặt trời áp mái vì có nhiều lợi ích thiết thực. Điện mặt trời áp mái có thể nối lưới trực tiếp vào lưới điện hạ thế và trung thế, không gây quá tải. Đối với các hộ dân, khi lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể làm cho nhiệt độ trong nhà mát hơn, tiết kiệm chi phí, có thể bán lại điện cho EVN…

Hơn thế, trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.

EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiên phong triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tính đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc đã lắp đặt được 54 công trình với tổng công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng là các công sở, doanh nghiệp, hộ gia đình…, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới lũy kế là 3,97. triệu kWh.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dù đã có định hướng, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các bộngành, địa phương, song 2 năm qua mới có 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với khoảng 30 MW, quá nhỏ so với tiềm năng. Nguyên nhân là vướng mắc quy định thanh toán của khách hàng bán trên lưới điện, thuế, khả năng tài chính ban đầu của hộ gia đình...

Vì vậy, Tập đoàn đã đưa ra một số kiến nghị để phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về bức xạ mặt trời. Đó là kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái; có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia vào đầu tư.

Kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng sau ngày 30.6.2019.

Kiến nghị các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường điện mặt trời tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái...

Về phía EVN cũng cam kết sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, việc ký hợp đồng mua bán, đấu nối, thanh toán nhanh chóng dễ dàng. Chuẩn bị tất cả thiết bị nguồn lực (công tơ 2 chiều), truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về điện mặt trời áp mái.

Liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan để sửa đổi, bổ sung Thông tư 16, nhằm khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên tham gia thị trường. Cục cũng mong muốn lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp... nhằm hợp lực để xây dựng chương trình một cách hiệu quả tránh lãng phí.

Tuyết Nhung
Bài liên quan
Cảnh báo thủ đoạn mới giả mạo ứng dụng CSKH EVNSPC để lừa đảo khách hàng
Hiện nay, trên mạng internet đã xuất hiện thủ đoạn mới, tinh vi giả mạo nền tảng tải app của Google Play nhằm lừa khách hàng tải ứng dụng mạo danh app CSKH EVNSPC để lừa đảo khách hàng sử điện tại khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.​

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
4 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 12 tỉ kWh điện