Số ca nhiễm bệnh nấm đen (mucormycosis) tại Ấn Độ không ngừng tăng thời gian qua, thậm chí có nhiều người mắc là trường hợp đang nhiễm hoặc đã điều trị khỏi COVID-19.
Sử dụng steroid không đúng cách bị đổ lỗi là nguyên nhân làm gia tăng số ca nhiễm nấm đen, nhưng giới chuyên gia chỉ ra rằng bản thân steroid không phải “thủ phạm”.
Bác sĩ Lancelot Pinto thuộc Bệnh viện Hinduja tại Mumbai cho biết: “Sử dụng corticosteroid (nhóm các chất steroid) một cách có hệ thống - uống lẫn tiêm tĩnh mạch - đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19. Chương trình RECOVERY (chuyên nghiên cứu các phương pháp điều trị COVID-19) chứng minh tính hiệu quả của corticosteroid thông qua thử nghiệm cho bệnh nhân có mức oxy trong máu thấp dùng Dexa liều lượng 6 miligram/ngày, tối đa 10 ngày”.
Một số trường hợp chấn thương chỉnh hình hay bệnh lý về phổi khác cũng dùng đến steroid. Tại Ấn Độ, vấn đề không nằm ở thuốc mà nằm ở cách kê đơn.
“Thói quen kê đơn là cho liều cao hơn, dùng trong thời gian dài hơn là yếu tố làm tăng rủi ro nhiễm nấm đen”, theo bác sĩ Pinto. Tự ý bán thuốc không cần toa càng làm tình hình thêm tồi tệ.
Lạm dụng thuốc
Bệnh nhiễm trùng xảy ra sau một bệnh do vi rút gây ra khá phổ biến, vì vi rút ức chế miễn dịch. Tuy nhiên hiện tượng này đem lại nguy cơ bệnh nhiễm trùng kháng thuốc.
Nguy cơ càng tăng cao do thói quen kê một loạt thuốc cho bệnh nhân COVID-19, mặc dù vài trường hợp chỉ là ca nhẹ. Chẳng hạn như thuốc bổ sung kẽm thường được kê cho người bệnh với liều lượng cao, dựa trên giả định chúng giúp tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ cơ thể chống lại vi rút. Nhưng bác sĩ Pinto cùng chuyên gia y tế Rajeev Jayadevan thuộc Bệnh viện Sunrise (ở Kochi) rất lo ngại về khả năng kẽm “tiếp tay” cho bệnh nấm đen.
Một nguyên nhân khả dĩ khác là hệ thống thở oxy: mặt nạ thở hoặc nước chứa trong thiết bị không sạch sẽ. Đây là điều phổ biến trong bối cảnh bệnh viện tại Ấn Độ quá tải bệnh nhân COVID-19.
Lượng đường trong máu cao
Hàng loạt nghiên cứu gần đây đều cho thấy đa số bệnh nhân COVID-19 (đã khỏi bệnh lẫn đang nhiễm) mắc nấm đen đều có lượng đường trong máu rất cao.
Trang The Hindu dẫn lời chuyên gia lý giải ca bệnh COVID-19 mức độ trung bình và nghiêm trọng thường sử dụng steroid liều cao nhằm ức chế phần nào hệ miễn dịch, ngăn chặn nguy cơ xảy ra “cơn bão cytokine” (hệ miễn dịch phản ứng thái qua) gây tử vong. Nhưng quá trình này làm tăng lượng đường trong máu, ngoài ra hệ miễn dịch bị ức chế một phần cũng là cơ hội để vi khuẩn/nấm tấn công.
Vấn đề không chỉ đến từ steroid. Từng xem xét 388 ca nhiễm nấm đen giai đoạn 2013-2015, Viện Nghiên cứu và giáo dục y tế sau đại học Ấn Độ (PGIMER) ghi nhận gần 56% trường hợp nghiên cứu mắc tiểu đường không kiểm soát.
Ấn Độ thuộc số quốc gia có tỷ lệ mắc tiểu đường cao hàng đầu thế giới: 9% dân số trưởng thành, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo bác sĩ Pinto, tỷ lệ mắc tiểu đường cao và phát hiện muộn cũng là nguyên nhân góp phần làm số ca nhiễm nấm đen tăng đột biến thời gian qua.