Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc áp đặt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp là không cần thiết.

Áp đặt điều kiện kinh doanh cho DN tổ chức biểu diễn, thi người đẹp là không cần thiết

Bùi Trí Lâm | 04/02/2020, 16:30

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc áp đặt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp là không cần thiết.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đưa ra nhiều ý kiến về điều kiện kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu của Bộ VH-TT-DL.

Theo dự thảo, “kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” được quản lý bằng điều kiện kinh doanh đối với chủ thể kinh doanh và cấp phép đối với từng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu.

Nhưng theo VCCI, trên thực tế, yếu tố tác động đến lợi ích công cộng chủ yếu liên quan đến các hoạt động nghệ thuật cụ thể mà doanh nghiệp kinh doanh cung cấp (biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu, thời trang) mà không phải là bản thân doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này (ví dụ doanh nghiệp có thể đã đáp ứng tất cả các điều kiện yêu cầu nhưng không có gì bảo đảm rằng một hoạt động nghệ thuật cụ thể mà doanh nghiệp này tổ chức đáp ứng các yêu cầu).

Vì lý do này mà Nhà nước cần thiết phải kiểm soát từng hoạt động (thông qua thủ tục cấp phép cho từng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp) dù chủ thể tổ chức là ai. Cũng chính vì đã kiểm soát từng hoạt động biểu diễn cụ thể nên kiểm soát đối với chủ thể cung cấp dịch vụ không còn cần thiết nữa (dù chủ thể nào thì cũng sẽ bị kiểm soát theo hoạt động cụ thể). Do đó, việc áp đặt điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp là không cần thiết.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ các Điều 9-13, 25-29 Dự thảo về điều kiện và thủ tục cấp phép kinh doanh biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu.

Việc không quy định về Giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh này về nguyên tắc không trái với quy định tại Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư bởi điều kiện kinh doanh thì cũng không nhất thiết phải là giấy phép kinh doanh.

VCCI cũng kiến nghị với Ban soạn thảo Luật Đầu tư đưa “Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Theo VCCI, việc xác định “Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa hợp lý, vì vậy các điều kiện kinh doanh được thiết kế cho doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này đều khiên cưỡng, không nhằm đảm bảo bất kì mục tiêu nào quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2014.

Theo quy định tại Điều 9, Điều 25 Dự thảo thì điều kiện của doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu gồm: Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí là ngành, nghề kinh doanh chính; Điều kiện của người điều hành trực tiếp hoạt động biểu diễn nghệ thuật: tốt nghiệp đại học ngành nghệ thuật biểu diễn hoặc được phong tặng danh hiệu Nhà nước về văn học, nghệ thuật theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Theo VCCI, điều kiện thứ nhất chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp vì theo quy định của Luật này giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Mặt khác, trong các văn bản pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh và thủ tục cấp phép, cơ quan quản lý không còn xem xét việc đăng ký ngành nghề xin cấp phép khi đăng ký kinh doanh nữa.

Còn với điều kiện thứ 2, VCCI cho rằng yêu cầu trình độ chuyên môn của nhân sự của doanh nghiệp là không cần thiết và chưa hợp lý. Mặt khác, khái niệm “người điều hành trực tiếp hoạt động biểu diễn” là chưa rõ ràng, khi có thể hiểu là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay là nhân viên thực hiện việc tổ chức hoạt động biểu diễn?

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hoặc là bỏ toàn bộ các quy định về Giấy phép kinh doanh ngành nghề này khỏi Dự thảo; hoặc có sửa đổi phù hợp.

Cũng theo dự thảo, chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật “không được phát hành vé quá số ghế hoặc quá sức chứa của địa điểm”; “bảo đảm âm thanh, ánh sáng và các hiệu ứng kỹ thuật khác không làm ảnh hưởng tới môi trường, đời sống và sinh hoạt của dân cư xung quan địa điểm tổ chức”; “không tổ chức biểu diễn nghệ thuật gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 sáng ngày hôm sau”.

VCCI cho rằng quy định về các trách nhiệm nói trên của chủ địa điểm là chưa hợp lý và đề nghị điều chỉnh lại quy định này theo hướng các trách nhiệm liên quan thuộc về người tổ chức biểu diễn nghệ thuật (mà không phải là chủ địa điểm).

Cơ quan này cũng đề cập đến các cuộc “biểu diễn nghệ thuật chính trị”. Theo đó, quy định về việc bắt buộc phải tham gia các chương trình này khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với những người biểu diễn nghệ thuật là nhân sự (người lao động thường xuyên) của các đơn vị nghệ thuật sự nghiệp công có thể là hợp lý, nếu đây là trách nhiệm trong hợp đồng lao động của họ, hoặc nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công mà họ là thành viên.

Quy định này cũng có thể là hợp lý đối với các thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu (nếu đây là trách nhiệm tham gia các chương trình/sự kiện đã được nêu rõ trong quy định của giải thưởng).

Tuy nhiên, đối với những người biểu diễn nghệ thuật khác (ví dụ người biểu diễn tự do, người biểu diễn thuộc các đoàn nghệ thuật tư nhân…) và các thí sinh thi người đẹp, người mẫu (mà không đoạt giải hoặc có đoạt giải nhưng trước đó không có ràng buộc nào về trách nhiệm này) thì yêu cầu này là chưa hợp lý.

Lý do chủ yếu là bởivề mặt nghĩa vụ với Nhà nước, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và chỉ có trách nhiệm bắt buộc đối với các nghĩa vụ công dân cơ bản (ví dụ nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia bầu cử…); về mặt pháp lý, việc tham gia các chương trình nghệ thuật chính trị cũng như các chương trình nghệ thuật khác của các chủ thể tự do (không thuộc các đơn vị Nhà nước) đều được thực hiện trên cơ sở hợp đồng công việc, hợp đồng lao động bình đẳng, tự nguyện được pháp luật bảo vệ.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp đặt điều kiện kinh doanh cho DN tổ chức biểu diễn, thi người đẹp là không cần thiết