Thời gian qua, Apple gần như đứng ngoài cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng điều này có thể sắp thay đổi.
Từ năm 2017 đến nay, Apple đã mua lại 21 công ty khởi nghiệp AI, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường PitchBook, được trang Financial Times đăng tải.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã bắt tay vào cuộc săn lùng tài năng AI khi tìm cách bắt kịp các đối thủ như Google và Microsoft.
Dựa trên phân tích các bài báo học thuật, dữ liệu ngành và hiểu biết sâu sắc từ các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, Financial Times chỉ ra Apple chủ yếu tập trung vào việc đưa AI chạy trực tiếp trên iPhone của mình thay vì dựa vào các trung tâm dữ liệu lớn và kết nối với đám mây, giống các dịch vụ như ChatGPT vẫn làm.
Theo Financial Times, công ty đang làm việc trên một phiên bản trợ lý giọng nói Siri thông minh hơn, được hỗ trợ bởi AI mà các nhà phân tích từ ngân hàng Morgan Stanley dự đoán có thể ra mắt cùng iOS 18 tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple vào tháng 6.2024.
Apple đã cập nhật một số phần cứng để hỗ trợ AI, ra mắt chip M3 mạnh hơn cho dòng Macbook vào tháng 10.2023 và chip S9 mới cho Apple Watch, giúp Siri truy cập dữ liệu mà không cần kết nối internet.
Nhìn vào danh sách công việc của Apple, dễ thấy nhà sản xuất iPhone đang tuyển dụng một số vai trò tập trung vào cải thiện khả năng AI của Siri và "tạo ra trải nghiệm trò chuyện tốt hơn" cho trợ lý giọng nói này.
Danh sách công việc cũng gợi ý rằng Apple đang tăng cường tìm kiếm nhân tài AI, quảng cáo các công việc tập trung vào AI trên một số lĩnh vực, gồm cả sức khỏe, AI trên thiết bị và xây dựng mô hình nền tảng (mô hình ngôn ngữ lớn giống GPT-4 của OpenAI).
Một ghi chú nghiên cứu gần đây của Morgan Stanley, được Financial Times trích dẫn, cho thấy gần một nửa số bài đăng tuyển dụng AI của Apple hiện tập trung vào học sâu (deep learning), một loại học máy không thể thiếu để xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn.
Học sâu là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc xây dựng và huấn luyện các mô hình học máy sâu, còn được gọi là mạng nơ-ron sâu. Mục tiêu của học sâu là tự động học các đặc trưng và biểu diễn cấp cao từ dữ liệu, giúp máy tính tự động thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà trước đây đòi hỏi sự can thiệp của con người.
Mô hình học sâu thường được xây dựng bằng cách sử dụng nhiều lớp của các nơ-ron. Nơ-ron là các đơn vị tính toán cơ bản mô phỏng theo cách hoạt động của não người. Những mô hình này có khả năng học các biểu diễn phức tạp của dữ liệu thông qua quá trình huấn luyện trên tập dữ liệu lớn.
Học sâu đã đạt được sự chú ý lớn nhờ vào khả năng giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm nhận dạng hình ảnh, ngôn ngữ tự nhiên, dịch ngôn ngữ và nhiều ứng dụng khác trong thực tế. Các mô hình nổi tiếng trong học sâu bao gồm Mạng nơ-ron tích chập (CNN) và Mạng nơ-ron hồi quy (RNN).
Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.
Những ứng dụng của học máy rất đa dạng và bao gồm trong lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...
Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Năm ngoái, Apple đã phát triển mô hình ngôn ngữ lớn có tên Ajax mà nhân viên sử dụng để tạo ra dịch vụ chatbot nội bộ. Điều quan trọng tiếp theo là xác định xem Ajax có đủ sức cạnh tranh với đối thủ hay không và Apple sẽ thực sự áp dụng nó vào các sản phẩm của mình như thế nào.
John Giannandrea và Craig Federighi, hai Phó chủ tịch cấp cao của Apple phụ trách AI và kỹ thuật phần mềm, đang dẫn đầu nỗ lực này. Trong đội ngũ của Tim Cook - Giám đốc điều hành Apple, họ được coi là “nhà tài trợ điều hành” cho nỗ lực thúc đẩy AI phát triển. Eddy Cue, người đứng đầu bộ phận dịch vụ, cũng tham gia. Bộ ba này đang trong quá trình chi khoảng 1 tỉ USD mỗi năm cho dự án.
John Giannandrea đang giám sát sự phát triển của công nghệ cơ bản cho hệ thống AI mới và đội ngũ của ông cải tiến Siri theo cách để tích hợp sâu trợ lý ảo này vào hệ thống.
Phiên bản Siri thông minh hơn này có thể sẵn sàng ngay trong năm 2024, nhưng vẫn còn những lo ngại về công nghệ và có thể phải mất nhiều thời gian hơn để các tính năng AI nội bộ phổ biến trên dòng sản phẩm của Apple.
Trong khi đó, nhóm kỹ thuật phần mềm của Craig Federighi đang bổ sung AI vào phiên bản iOS tiếp theo. Có một lệnh yêu cầu lấp đầy iOS bằng các tính năng chạy trên mô hình ngôn ngữ lớn của công ty, sử dụng lượng lớn dữ liệu để trau dồi khả năng AI. Các tính năng mới sẽ cải thiện cách cả Siri và ứng dụng Messages (Tin nhắn) có thể đưa ra câu hỏi và tự động hoàn thành câu, phản ánh những thay đổi gần đây với các dịch vụ cạnh tranh.
Apple đã bơm 22,61 tỉ USD vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong nửa đầu năm 2023, số tiền mà Tim Cook cho biết một phần là do công ty tập trung vào AI.
Apple bị bất ngờ trước thành công đáng kinh ngạc của ChatGPT vào cuối năm 2022, với một người trong công ty nói với hãng tin Bloomberg rằng việc thiếu phản hồi được coi là "sai sót khá lớn trong nội bộ".
Apple đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng với AI ngay cả khi các đối thủ như Google và Microsoft đã tung ra một số sản phẩm AI mới.
Tại buổi báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 5.2023, Tim Cook đã mô tả sự bùng nổ AI là rất lớn với ngành công nghệ, nhưng tiết lộ Apple sẽ “cân nhắc và cẩn thận” trong cách tích hợp công nghệ này vào các sản phẩm của mình.
Gần đây, Tim Cook nói rằng Apple đã nghiên cứu công nghệ AI trong nhiều năm. Dù Apple không đề cập nhiều đến từ AI nhưng công nghệ này đứng sau một số sản phẩm của công ty như camera, Siri, phát hiện cú ngã, phát hiện va chạm...
“Nó thực sự có ở khắp mọi nơi trên các sản phẩm của chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi cũng đang nghiên cứu về AI tạo sinh nên còn rất nhiều việc phải làm”, Tim Cook nói.
Nhà báo nổi tiếng Mark Gurman của hãng tin Bloomberg tuyên bố rằng các lãnh đạo Apple mất cảnh giác trước cơn sốt AI bất ngờ của ngành và phải vội vàng làm việc từ cuối năm ngoái để bù đắp cho thời gian đã lãng phí.
Gần đây, Apple đã đàm phán với các tổ chức báo chí và xuất bản lớn để xin phép sử dụng nội dung của họ trong việc phát triển các hệ thống AI tạo sinh. Apple đã đề xuất các thỏa thuận kéo dài nhiều năm trị giá ít nhất 50 triệu USD để được cấp phép sử dụng các kho lưu trữ bài báo, theo New York Times, trích dẫn những người quen thuộc với các cuộc thảo luận.
Các tổ chức tin tức được Apple liên hệ có Condé Nast (nhà xuất bản của tạp chí Vogue và New Yorker), NBC News, IAC (công ty sở hữu tạp chí People, Daily Beast và Better Homes & Gardens).
Apple sử dụng AI tạo sinh để cải thiện các chức năng cơ bản trong các thiết bị mới của mình.
Cuối tháng 10.2023, Apple giới thiệu máy tính MacBook Pro và iMac mới cùng ba chip mới M3, M3 Pro, M3 Max để cung cấp sức mạnh cho chúng, đồng thời thiết kế lại bộ xử lý đồ họa (GPU).
Apple cho biết chip M3 Max nhắm đến các nhà phát triển AI, những người cần lượng bộ nhớ khổng lồ để phát triển chatbot và các mô hình khác.
Khi Google và Samsung đã lần lượt bổ sung nhiều tính năng AI tạo sinh hấp dẫn cho dòng Pixel 8 và Galaxy S24, chắc chắn Apple cũng muốn làm điều tương tự với dòng iPhone 16 dự kiến trình làng vào tháng 9.2024.