Theo trang Nikkei (Nhật Bản), nếu hợp tác thử nghiệm vắc xin Nanocovax với Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia diễn ra thì sẽ báo hiệu cơ hội cho Nanogen khai thác thị trường nước ngoài.

Báo Nhật: Vắc xin COVID-19 của Việt Nam có cơ hội bán ở nước ngoài

Nhân Hoàng | 11/12/2020, 10:50

Theo trang Nikkei (Nhật Bản), nếu hợp tác thử nghiệm vắc xin Nanocovax với Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia diễn ra thì sẽ báo hiệu cơ hội cho Nanogen khai thác thị trường nước ngoài.

Tờ Nikkei vừa có bài viết về vắc xin COVID-19 của Việt Nam với nội dung như sau:

Các nhà chức trách Việt Nam đã yêu cầu Công ty Công nghệ Sinh học Dược phẩm Nanogen (trụ sở ở TP.HCM) tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 nhằm tung ra vắc xin made in Vietnam mang tên Nanocovax vào năm tới.

Quốc gia gần 100 triệu dân đang ưu tiên sản xuất vắc xin trong nước như một cách để đảm bảo họ có đủ chủng ngừa cho người dân. Cơ hội xuất khẩu là động cơ phụ.

Sự chấp thuận của Bộ Y tế hôm 10.12, hai ngày sau khi việc tiêm chủng bắt đầu ở Vương quốc Anh - những mũi tiêm chống COVID-19 đầu tiên ở phương Tây, đánh dấu một chương mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch đã cướp đi 1,5 triệu sinh mạng trên toàn cầu.

Các chuyên gia cho biết người châu Á vẫn còn nhiều tháng nữa mới được tiêm vắc xin COVID-19 vì các hãng dược phẩm phương Tây như Pfizer, AstraZeneca và Moderna dự kiến ​​sẽ đối mặt với những tắc nghẽn trong sản xuất ban đầu. Phân phối vắc xin toàn cầu là thách thức khác.

Nếu các thử nghiệm của Việt Nam cho kết quả tốt, Nanogen có kế hoạch cung cấp Nanocovax cho công chúng sớm nhất là vào nửa cuối năm 2021, theo một thông báo trên trang web của Bộ Y tế.

Nanogen tìm cách thêm Nanocovax vào danh sách các ứng cử viên vắc xin COVID-19 tiềm năng của thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 10.12 có 52 ứng cử viên vắc xin được đánh giá lâm sàng, trong đó gồm cả các dự án của công ty Trung Quốc Sinovac, Đại học Osaka và liên doanh phát triển thuốc AnGes, Codagenix và Viện Huyết thanh của Ấn Độ.

Quá trình cấy thử nghiệm của Nanogen sẽ bắt đầu vào ngày 17.12 sau khi có được 60 tình nguyện viên. Giai đoạn đầu của thử nghiệm sẽ được thực hiện với sự phối hợp của Đại học Quân y Việt Nam.

Mặc dù Nanogen đang đàm phán giá Nanocovax với Bộ Y tế, nhưng mỗi liều dự kiến ​​sẽ dưới 500.000 đồng (21 USD). Mỗi bệnh nhân sẽ cần tiêm hai liều. Nanogen cũng đang thúc giục các cơ quan chức năng bổ sung Nanocovax vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.

Nanogen hiện có khả năng sản xuất 2 triệu liều mỗi năm nhưng có kế hoạch bổ sung đủ năng lực để có thể sản xuất 30 triệu liều trong 6 tháng tới.

Nanocovax là ứng cử viên vắc xin COVID đầu tiên của Việt Nam đạt giai đoạn thử nghiệm trên người. Ba dự án bổ sung đang được thực hiện (Ivac, Vabiotech, Polivac – PV). Một trong ba dự án vắc xin còn lại (Polyvac – PV) là phát triển chung với Nga.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam cũng đang đàm phán với Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để nhập khẩu vắc xin.

Việt Nam nằm trong số 42 quốc gia có thể sản xuất vắc xin và trong số 38 nước có cơ quan quản lý vắc xin theo tiêu chuẩn của WHO.

Việt Nam đã có thành tích sản xuất vắc xin bạch hầu.

bao-nhat-vac-xin-covid-19-cua-viet-nam-co-co-hoi-ban-o-nuoc-ngoai.jpg
Việt Nam đang chạy đua để sản xuất vắc xin COVID-19, có thể mang lại an ninh y tế và cơ hội xuất khẩu 

Nanogen sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp để phát triển vắc xin Nanocovax. Phương pháp này tốn nhiều thời gian nhưng công nghệ protein tái tổ hợp có một số ưu điểm như khả năng kích thích phản ứng miễn dịch tốt, mức độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và điều kiện bảo quản thuận lợi, đại diện Nanogen nói với trang Nikkei.

Nanogen cũng xác nhận khả năng làm việc với Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để thử nghiệm giai đoạn ba, theo kế hoạch của Bộ Y tế. Nếu hợp tác thử nghiệm diễn ra thì sẽ báo hiệu cơ hội cho Nanogen khai thác thị trường nước ngoài.

Dẫu khá thành công trong việc ngăn chặn COVID-19, Việt Nam đang đề phòng làn sóng đại dịch mới có thể xảy ra do lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế. Ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng ở Việt Nam sau gần 3 tháng được phát hiện vào cuối tháng 11 (BN1342 - nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị dư luận lên án thời gian qua vì vi phạm quy định cách ly - PV).

Tính đến ngày 11.12, Việt Nam ghi nhận 1.385 ca mắc COVID-19 với 35 trường hợp tử vong. Tính đến 10.12, TP.HCM có thêm 3 ca mắc COVID-19 (BN1347, BN1348, BN1349 - PV) trong một chuỗi lây lan (từ BN1342) được phát hiện vào ngày 30.11.

"Giá vắc xin Nanocovax là 100.000 đồng/liều"

Về quá trình thử nghiệm vắc xin Nanocovac trên người trong thời gian tới, ông Hồ Nhân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ dược Nanogen cho biết ở giai đoạn 1 bắt đầu ngày 10.12 tới sẽ có 60 người (từ 18 đến 50 tuổi) có sức khỏe tốt, không mắc bất cứ bệnh nền nào… được tiêm thử nghiệm.

Nanogen phối hợp với Học viện Quân y để tuyển chọn 60 tình nguyện viên đảm bảo các tiêu chí trên để thực hiện tiêm thử nghiệm. Sau khi tiêm khoảng 2 đến 4 tuần, lấy kết quả đáp ứng kháng thể rồi chuyển sang tiêm thử nghiệm giai đoạn 2.

Dự kiến giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào tháng 1.2021 với số lượng tiêm là 600 đến 1.000 người (từ 18 đến 60 tuổi), sau đó lấy kết quả đáp ứng kháng thể rồi chuyển sang tiêm thử nghiệm giai đoạn 3.

“Ở giai đoạn 3, chúng tôi sẽ tiêm cho cả trẻ từ 12 trở lên đến người 70 tuổi với trên 3.000 người. Dự kiến giai đoạn này sẽ bắt đầu từ tháng 3.2021”, ông Nhân cho biết.

“Tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng và trình Bộ Y tế cho giấy phép khẩn cấp để vắc xin COVID-19 này được đưa vào tiêm chủng đại trà cho người dân vào tháng 5.2021. Hiện chúng tôi đã có đầy đủ dữ liệu an toàn với loại vắc xin này”, ông Nhân nói với Một Thế Giới.

Theo ông Nhân, hiện công suất sản xuất vắc xin Nanocovax mà đơn vị này có thể đáp ứng lên đến 100 triệu liều mỗi năm. Trong năm 2021, đơn vị sẽ sản xuất 30 triệu liều vắc xin Nanocovac để tiêm ngừa COVID-19 cho người dân và sẽ tăng dần số liều vắc xin này qua các năm.

Giá vắc xin Nanocovax là 100.000 đồng/liều. Liệu trình cho mỗi người tiêm là 2 liều, mỗi liều cách nhau 2 tuần. “Vắc xin của chúng tôi sản xuất chủ yếu là cung cấp trong nước. Đây là dự án mà Bộ khoa học và Công nghệ phân công chúng tôi làm nên không đặt nặng về vấn đề kinh doanh”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nhân còn tiết lộ hiện đơn vị đã nộp hồ sơ cho Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) xin phép sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 dạng nhỏ mắt và xịt mũi nhằm phục vụ cho trẻ dưới 12 tuổi và những người già từ 70 tuổi trở lên.

Những người lớn tuổi, nhất là trên 70 tuổi, hệ miễn dịch đã già nua; còn trẻ dưới 12 tuổi thì hệ miễn dịch chưa đầy đủ. Thường tiêm vắc xin có những phản ứng phụ nên những người lớn tuổi chịu không nổi. Hơn nữa, trên 90% người ở độ tuổi trên 70 thường kèm theo những bệnh nền, không tốt cho việc tiêm vắc xin này. Vì vậy, những người già và trẻ em tốt nhất nên sử dụng thuốc xịt mũi và nhỏ mắt để phòng ngừa COVID-19. Đây vừa là vắc xin vừa là thuốc ngừa COVID-19, có tác dụng bất hoạt con vi rút này ngay lập tức và bắt con vi rút đó làm kháng thể”, ông Nhân lý giải.

Bài liên quan
Vắc xin COVID-19 của Việt Nam sẽ được tiêm chủng cho người dân vào tháng 5.2021
Sau 3 đợt tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người, Công ty Cổ phần công nghệ dược Nanogen sẽ đưa vắc xin mang thương hiệu “Made in Vietnam” với tên gọi Nanocovac vào tiêm chủng đại trà cho người dân vào tháng 5.2021 với khoảng 30 triệu liều.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Nhật: Vắc xin COVID-19 của Việt Nam có cơ hội bán ở nước ngoài