Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Chống dịch nhưng không phải ngăn sông cấm chợ” và Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Giao thông thống nhất, không cát cứ, chia cắt”.
Và mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt chính phủ ký ban hành Nghị định gọi một cách ngắn gọn “Tạm thời không áp dụng giãn cách theo chỉ thị 15, 16, 19”. Có nghĩa cả nước đã trở về cuộc sống bình thường, chấp nhận sống chung an toàn với dịch COVID-19 về lâu dài để mở cửa, người dân sinh hoạt, làm ăn, doanh nghiệp trong nước, hợp tác đầu tư khôi phục sản xuất, vực dậy nền kinh tế của thời “hậu giãn cách” phòng chống đại dịch.
Nhưng bình thường và sống chung với dịch an toàn, lâu dài như thế nào? Ai cũng biết trong thời gian này và có lẽ qua năm 2022 COVID-19 vẫn chưa bị đẩy lùi khi vắc xin phòng ngừa vẫn còn là cuộc chạy đua maraton chưa phân thắng bại với vi rút SARS-CoV-2 luôn phát sinh biến chủng mới chứ không dừng lại ở biến chủng Delta. Tình trạng loại F0 trong cộng đồng cũng chưa có điểm dừng và phủ vắc xin toàn bộ người dân vẫn trông chờ vào các cuộc đàm phán mua, viện trợ loại “lá chắn thép” này vẫn còn hạn chế về mặt tốc độ. Do đó, giải pháp 5K và khôi phục lại mọi sinh hoạt xã hội với ý thức người dân ở mức độ cảnh giác phòng chống dịch COVID-19 cao nhất vẫn là thứ vắc xin tốt nhất.
Như vậy có thể hiểu rằng, người dân phải tự lo cho sức khỏe bản thân và gia đình mình, vừa phòng tránh nhiễm bệnh hoặc lây lan bệnh từ mình sang người khác hay ngược lại. Đồng thời vẫn phải bảo đảm được năng suất lao động, làm việc, góp phần làm ra của cải vật chất để khôi phục nền kinh tế đất nước và kinh tế của chính gia đình mình.
Hệ thống y tế đã giải tỏa các chuỗi bệnh viện dã chiến đã lập ra trong đại dịch bùng phát vừa qua, cùng với đó là các bệnh viện đa khoa thành lập thêm chuyên khoa điều trị COVID chuyên sâu với mô hình “Tháp 3 tầng”.
Vậy là, bệnh viện sẽ lo điều trị kịp thời, hiệu quả những bệnh nhân F0 chuyển nặng. Ngành Y tế bảo đảm việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm nặng. Còn ở thể nhẹ, người dân tự lo ở nhà. Xã hội cất đi được gánh nặng, đã trở thành một áp lực kinh khủng từ trên xuống dưới như thời gian vừa qua.
Chống dịch nhưng không phải ngăn sống cấm chợ, bảo đảm giao thông thống nhất toàn quốc, không còn tình trạng cát cứ, chia cắt mỗi nơi trở thành “lãnh địa chống dịch”, cấp trên hiểu một nẻo, cấp dưới thực hiện một đàng khiến cả nước rối tinh, người dân lo lắng, hoang mang, sợ thủ tục đi lại, xét nghiệm, tập trung chích vắc xin khi của Mỹ, khi của Anh, khi của Trung Quốc... hơn cả sợ con virus gây bệnh.
Thiết nghĩ, đây là cách chống dịch ở thế chủ động: chủ động ở nhà nước, chủ động ở người dân vừa khoa học, thực tiễn và hiệu quả mà không còn tình trạng rốn ren, áp lực, gậy khốn khổ về cuộc sống, gây stress tâm lý người dân bị cách ly quá lâu.
Bình thường và sống chung với dịch không phải là điều khó thực hiện. Bởi lẽ hệ thống y tế đã đủ kinh nghiệm, thời gian, tư duy và nhẹ gánh nặng để bắt tay vào công việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm nặng tuyến cuối. Người dân cũng đủ kinh nghiệm, bài học rút ra và ý thức đề phòng dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng như một trách nhiệm chứ không còn phải thụ động giống như F0 “gà công nghiệp” chờ được chủ trại nuôi phun thuốc diệt khuẩn và chích ngừa dịch bệnh nếu chậm thì chết.
Mấy ngày qua hầu hết mọi người đều vui mừng, nhẹ nhỏm vì chủ trương cả nước mở cửa, không còn gãn cách với các chỉ thị để trở về cuộc sống bình thường. Ngược lại cũng có một số người mang tâm trạng lo lắng đi lại tràn lan sẽ lây nhiễm vì FO vẫn còn nhiều trong cộng đồng. Thiết nghĩ người dân đã đủ ý thức để tự bảo vệ mình tránh lây nhiễm khi đã trang bị đầy đủ “lá chắn thép” vắc xin và 5K khi tái nhập xã hội sau thời gian cách ly dài ngày, không ai muốn ra ngoài để dung dăng dung dẻ rồi... rước COVID-19 cho bản thân và gia đình.