Theo lời Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter, Mỹ quan ngại sâu sắc về hành vi của TQ ở Biển Đông và sẽ tái cân bằng sức mạnh ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nổi lên ở Iraq và Syria, Yemen sa vào chiến tranh dân sự, sự can thiệp của Nga trong xung đột ở miền Đông Ukraine, Mỹ nhận thức được rằng cần phải khẳng định lại vị trí đang lung lay và mờ nhạt của mình ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ tập trung sự quan tâm về Châu Á Quân Mỹ ở Iraq đã rút dần từ năm 2011, còn lực lượng ở Afghanistan sẽ rút hết trong năm nay. Nhằm trấn an các đồng minh đang phải đối đầu với sức mạnh ngày càng gia tăng của TQ và những thách thức an ninh khác trong khu vực, Mỹ đang tìm cách chuyển nguồn lực quân sự đến Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Mỹ cũng có những khó khăn của riêng mình khi phải vật lộn với ngân sách quốc phòng giảm và sự gia tăng bạo lực ở Trung Đông và Bắc Phi, làm chậm những nỗ lực của nước này với các vấn đề Châu Á.
Đang có mặt ở Đông Á để tham dự các cuộc họp an ninh khu vực, ông Carter nói Mỹ sẽ đầu tư sản xuất vũ khí gồm cả máy bay tàng hình ném bom tầm xa mới và các thiết bị quân sự khác để đảm bảo an ninh khu vực. Đồng thời, máy bay và tàu tân tiến cũng sẽ được đưa đến khu vực, giai đoạn mới trong chính sách tái cân bằng sức mạnh của Mỹ hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.
Tại Mỹ, ông Carter cũng thúc giục Quốc hội thông qua các điều khoản để tiến tới Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia thành viên, vì ông cho rằng sự ổn định và an ninh khu vực có liên quan chặt chẽ với nền kinh tế. Nếu thành công, TPP sẽ tăng xuất khẩu của Mỹ lên 123,5 tỉ USD trong một thập kỷ tới. Với Carter, TPP có tầm quan trọng ngang ngửa với một tàu sân bay mới. Nếu không nhanh chân, các nước trong khu vực có thể tiến tới các thỏa thuận thương mại, và Mỹ ra rìa.
Tăng cường sức mạnh quốc phòng với Nhật và Hàn
Trong tuần này, ông Carter sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản để cùng nhau bàn bạc sửa đổi Hướng dẫn phòng thủ chung. Sau đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ thăm Washington vào cuối tháng.
Theo kế hoạch, Mỹ và Nhật Bản sẽ xem xét các hướng dẫn quốc phòng lần đầu tiên kể từ năm 1997 nhằm giúp Nhật tăng vai trò trong việc duy trì hòa bình ở Đông Á, khi mà TQ mở rộng quân sự còn Triều Tiên thì phát triển chương trình vũ khí gia tăng căng thẳng khu vực.
Hai ngày sau, ông Carter sẽ đến Hàn Quốc để gặp gỡ người đồng cấp thảo luận cách giải quyết vấn đề Triều Tiên, đồng thời gặp và thăm hỏi Bộ tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii trên đường trở về Mỹ.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương mà ông Carter viếng thăm sau khi lên làm Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 2. Ấn Độ và Singapore sẽ là điểm đến của ông Carter trong tháng 5 khi ông tham dự hội nghị an ninh thường niên Shangri-La, chuyến thăm TQ sẽ vào khoảng cuối năm nay.
Không phải đồng minh, không phải kẻ thù Ông Carter cho biết ngân sách quốc phòng tăng vọt, các hoạt động trên mạng và hành vi của TQ ở Biển Đông đã dấy lên nhiều câu hỏi không những cho Mỹ mà còn nhiều nước khác.
Phát ngôn viên Đại sứ quán TQ ở Washington, ông Chu Mặc Thuyên, nói cuộc đối thoại giữa Lầu Năm Góc và Bắc Kinh sẽ đánh tan những hồ nghi giữa hai nước. TQ đang theo đuổi chính sách “phòng thủ tự nhiên, giữ vai trò tích cực và xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu”.
Mùa thu năm ngoái, ông Obama đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình ở TQ để thảo luận một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin. Ông Carter cho biết ông sẽ tập trung vào các biện pháp đó trong chuyến viếng thăm lần này.
Theo ông Carter, Mỹ và TQ không phải là đồng minh nhưng cũng không phải kẻ thù, mối quan hệ giữa hai nước vừa có cả cạnh tranh vừa có cả hợp tác.
Trên thực tế, chính quyền Obama không phải là tiên phong về chuyện xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Châu Á, bởi trước đó chính quyền của tổng thống George W. Bush đã bày tỏ mối quan tâm tương tự, lo ngại trước sự hiện đại hóa quân sự vùn vụt của TQ.
Nhiều người dự đoán TQ sẽ chiếm ưu thế hơn Mỹ ở châu Á, và sự phát triển của nền kinh tế TQ sẽ bóp nghẹt cơ hội của thế hệ trẻ Mỹ.
Ông Carter bác bỏ hết những luận điểm này. Theo ông Carter, TQ được không có nghĩa là Mỹ mất, vẫn còn có kịch bản khác là mọi người cùng thắng, hòa bình và ổn định khu vực sẽ tiếp tục được suy trì với vai trò mạnh mẽ của Mỹ trong khi các nước châu Á – Thái Bình Dương phát triển và thịnh vượng.
Khánh Nguyên (theo The Wall Street Journal)