Tên lửa phòng không Nga có thể phát hiện và đánh chặn máy bay ném bom tàng hình Mỹ, bao gồm cả “bóng ma bầu trời” và “chim ứng đêm”, Thiếu tướng Sergei Babakov cho biết, đồng thời khẳng định các hệ thống phòng thủ của quân đội Nga đủ sức chống lại bất kỳ một cuộc tấn công từ trên không.
Cả máy bay ném bom tàng hình Northdrop B-2 Spirit, được mệnh danh là “bóng ma trên bầu trời” của Không quân Mỹ, và “chim ưng đêm” Lockheed F-117 Nighthawk đều không thể qua mặt tên lửa Nga, ông Babakov, người đứng đầu lực lượng tên lửa chống máy bay cho biết.
“Máy bay tàng hình Mỹ là một diễn viên nhào lộn công khai. Thậm chí tên lửa cũ R-118s của chúng tôi cũng đủ khả năng phát hiện F-117 Nighthawk. Vì vậy, không ai dám chắc vỏ bọc tàng hình của Mỹ sẽ qua mặt được hệ thống phòng không Nga,” ông Babakov khẳng định.
Thiếu tướng nói thêm rằng các thử nghiệm chính thức nhằm mở rộng tầm hoạt động của tên lửa cho hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumf đang bước vào giai đoạn cuối cùng. S-400 Triumf (SA-21 Growler) là thế hệ tiếp theo của hệ thống vũ khí chống máy bay do Nga sản xuất. Nó có thể mang theo 3 loại tên lửa khác nhau, tăng khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không từ tầm ngắn đến tầm xa.
Ngoài ra, một hệ thống phòng thủ chủ động phát triển cho T-50 thế hệ thứ năm của Nga cũng có thể vô hiệu hóa khả năng tàng hình của máy bay đối phương. Các máy bay chiến đấu Sukhoi PAK FA, còn được gọi là T-50, đã sẵn sàng đi vào sản xuất trong năm tới, với kế hoạch ứng dụng công nghệ tiên tiến thí điểm trong hệ thống điều khiển máy bay.
Một hệ thống chiến tranh điện tử mới sẽ được trang bị cho T-50, gọi là Himalaya, do công ty Kret sản xuất. Các tiêm kích tàng hình T-50 sẽ trở nên lợi hại hơn và là mối đe dọa mới cho máy bay tàng hình đối phương khi có ý định tấn công nước Nga. Himalaya ngoài khả năng bảo vệ máy bay thông qua biện pháp gây nhiễu, nó còn giảm hiệu quả tàng hình của máy bay địch.
T-50 được thiết kế để thay thế các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Sukhoi Su-27, được đưa vào phục vụ trong lực lượng Không quân Liên xô từ năm 1985, và Mig-29 trước đó 2 năm. Trong tháng 12.2014, Hãng United Aircraft Corporation (UAC) của Nga thông báo rằng kế hoạch sản xuất máy bay chiến đấu mới đã sẵn sàng để bắt đầu từ năm 2016, sau khi hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm.
Nga hiện đang trải qua chương trình tái vũ trang trị giá 325 tỷ USD, với mục tiêu hiện đại hóa 70 % các loại vũ khí quân sự của mình vào năm 2020. Việc Nga đầu tư ngày càng nhiều vào các hệ thống phòng thủ giúp quân đội nước này nắm trong tay một loạt công nghệ mới, có khả năng đáp trả mọi cuộc tấn công từ các nước thù địch.
Trong bối cảnh mối quan hệ Moscow-phương Tây “căng như dây đàn”, giới phân tích chính trị cho rằng hành động của Nga là cần thiết, nhằm chống lại các hoạt động quân sự dọc theo biên giới. Mỹ và NATO cho đến thời điểm hiện tại, vẫn tiếp tục cáo buộc Moscow gây nên sự bất ổn trong khu vực, bất chấp sự phản đối từ điện Kremlin.
Hàn Giang ( theo Sputnik news )