Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cà Mau: Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về chống khai thác IUU

Trần Khải | 23/04/2021, 12:35

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài.

Gần 4 năm, phát hiện hàng trăm vụ vi phạm

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Việt Triều - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau cho hay, tình trạng tàu cá vi phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển của địa phương thời gian qua tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn ra. Đặc biệt là các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU – PV).

1tinhcamaudaymanhtuyentruyenuui23042021.jpg
Tỉnh Cà Mau đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân về chống khai thác IUU - Ảnh: Trần Khải

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã phát hiện và xử lý 37 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền 725 triệu đồng. Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến khai thác IUU là 19 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 486,5 triệu đồng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra các tàu cá hoạt động khai thác trên biển được tổ chức triển khai thường xuyên liên tục. Lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đóng chốt tại 5 cửa biển trọng điểm luôn duy trì sự hiện diện trên biển từ 10 – 15 ngày/tháng, để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý đối với các trường hợp tàu cá vi phạm về chống khai thác IUU.

Ông Triều cho biết, tính từ ngày 23.10.2017 (ngày Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng - PV) đến nay địa phương đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, cửa biển qua đó phát hiện và xử lý xử phạt vi phạm hành chính 638 vụ với số tiền gần 12 tỉ đồng.

Hành vi vi phạm chủ yếu là thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, khai thác sai vùng, thiếu nhật ký khai thác..., Trong đó vi phạm khai thác IUU là 355 vụ, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 9 tỉ đồng.

Để giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm, thời gian qua địa phương đã đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân dưới nhiều hình thức khác nhau. Công tác này luôn được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của các cấp lãnh đạo cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan.

Các hình thức, nội dung tuyên truyền hiệu quả như mở lớp tuyên truyền tại các xã, thị trấn, Đồn Biên phòng; tăng cường phát sóng trên hệ thống phát thanh tại trạm truyền thanh cấp xã, thị trấn; phát thanh trên tần số của các đài trực canh dân sự duyên hải; nhắn tin qua điện thoại, in ấn tờ rơi, pano, sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực, vùng cấm khai thác, thực hiện các phóng sự chuyên đề về thủy sản...

Ông Triều cho biết thêm, đánh giá toàn diện công tác tuyên truyền cho thấy, đã làm thay đổi được nhận thức, ý thức chấp hành của người dân; chủ tàu, thuyền trưởng đã nắm, hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình và thực hiện cơ bản các nội dung bắt buộc như tàu cá cập, rời cảng cá theo chỉ định trước khi ra biển, chấp hành sự kiểm soát, kiểm tra trong bờ, ngoài biển của lực lượng chức năng, dần dần đã thành thói quen trong việc ghi chép nhật ký khai thác, thu mua chuyển tải...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì vẫn còn một bộ phận ngư dân chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, xem việc tham dự các lớp tuyên truyền là nghĩa vụ thực hiện khi địa phương, lực lượng chức năng yêu cầu mà không quan tâm đến nội dung tập huấn.

Bên cạnh đó, một số chủ tàu do điều kiện công việc không trực tiếp tham dự tập huấn mà cử đại diện là người nhà, không trực tiếp sản xuất và không am hiểu về nghề cá dự thay. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tuyên truyền và thực thi pháp luật của ngành chuyên môn.

2tinhcamauphathienhangtramvuviphamuui23042021.jpg
Gần 4 năm kể từ ngày EC cảnh cáo thẻ vàng thì tỉnh Cà Mau phát hiện và xử lý nghiêm hàng trăm vụ vi phạm - Ảnh: Trần Khải

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ông Triều, để giảm thiểu tình trạng ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định pháp luật về việc tăng cường công tác chống khai thác IUU, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để tham mưu UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU như kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bằng việc thường xuyên nắm chặt tình hình tại địa phương. Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt sau đó mua lại, chuộc về.... Không cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho những tàu tái phạm, không xem xét cho chủ tàu, thuyền trưởng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ có liên quan của Nhà nước về thủy sản.

Cùng với đó là thực thi triển khai Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan đến chống khai thác IUU. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển luôn được tăng cường, ngoài công tác thường xuyên, còn tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Địa phương thực hiện quản lý tàu cá theo hạn ngạch được phân bổ. Không kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản nếu chủ tàu cá không đánh dấu tàu theo đúng quy định. Đồng thời, tổ chức triển khai công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên và thực hiện đúng các quy trình xử lý thông tin tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển.

3tinhcamauduaranhieugiaiphaphancheviphamuui23042021.jpg
Nhiều giải pháp được chính quyền địa phương đưa ra để hạn chế tình trạng khai thác, đánh bắt vi phạm - Ảnh: Trần Khải

Kiểm soát tàu cập, rời cảng tại cảng cá được chỉ định. Hướng dẫn cho chủ tàu cá ghi chép, nộp nhật ký, báo cáo khai thác khi kết thúc chuyến đi biển. Chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp. “Một giải pháp được đặt ra theo các chương trình hành động là tiến hành rà soát, công bố danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm về khai thác IUU để đưa vào danh sách theo dõi, quản lý. Từ đó, đơn vị có biện pháp tuyên truyền, vận động và giám sát chặt chẽ”, ông Triều nói.

Với những giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt nói trên hi vọng rằng, trong thời gian tới tình trạng ngư dân Cà Mau khai thác, đánh bắt trên biển vi phạm về chống khai thác IUU không còn xảy ra. Đó là tiền đề quan trọng để Ủy ban Châu Âu (EC) gỡ bỏ thẻ vàng cho Việt Nam trong việc vi phạm vùng khai thác thủy sản trên biển.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về chống khai thác IUU