Ngoài bị thu thuế oan hơn 26 tỉ đồng, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý, trụ sở tại đường Nguyễn Tất Thành, P.8, TP.Cà Mau) còn gặp nhiều khó khăn khi làm việc tháo gỡ với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

Cà Mau: Thông tin tiếp vụ Công ty Công Lý chịu thuế oan hơn 26 tỉ đồng

Hoàng Văn | 03/06/2021, 19:39

Ngoài bị thu thuế oan hơn 26 tỉ đồng, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý, trụ sở tại đường Nguyễn Tất Thành, P.8, TP.Cà Mau) còn gặp nhiều khó khăn khi làm việc tháo gỡ với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

Quyết định vô hiệu cũng bị thu thuế

Trong ngày 31.5.2021, Một Thế Giới có bài Cà Mau: “Vì sao Công ty Công Lý chịu thuế oan hơn 26 tỉ đồng” phản ánh, gần 5 năm qua Công ty Công Lý cùng lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT những bất hợp lý khi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chưa kiểm tra thực địa, chưa cắm mốc khu vực biển, Công ty Công Lý chưa sử dụng nhưng bị buộc nộp thuế oan hơn 26 tỉ đồng.

Vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định nỗi oan ức của doanh nghiệp là có và hứa cùng Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT chưa có quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển. Nhưng 3 năm qua vụ việc vẫn y như cũ...

vu-cong-ly-bai-ba-1.jpg
Phối cảnh dự án nhà máy điện gió Khai Long - Ảnh: Hoàng Văn

Theo hồ sơ được ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý cung cấp, ngày 14.1.2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 90/TTg-KTN về việc chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án trên.

Đến ngày 14.6.2016, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc ký quyết định số 2115 giao khu vực biển cho Công ty Công Lý. Nhằm thực hiện đúng tiến độ của dự án, Công ty Công Lý kêu gọi đầu tư và được đối tác ở Thái Lan đồng ý. Ngày 9.3.2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 321/TTg-CN đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió khu du lịch Khai Long-Cà Mau giai đoạn 1 và nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý 1. Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 15% tổng mức đầu tư và vốn vay Ngân hàng Bangkok Thái Lan chiếm 85% tổng mức đầu tư.

Trong văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ ghi rõ: “Giao cho UBND tỉnh Cà Mau giám sát các bên liên quan thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình điều chỉnh Chủ đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, theo văn bản trên, các quyết định trước đó không còn hiệu lực như quyết giao khu vực biển cho Công ty Công Lý.

vu-cong-ly-bai-ba-3.jpg
Văn bản đề nghị bổ sung hồ sơ của Công ty Công Lý một năm sau mới được Cục Quản ký khai thác Biển và Hải đảo Việt Nam trả lời - Ảnh: Hoàng Văn

“Nếu thực hiện theo đúng trình tự pháp luật thì các quyết định trước ngày 9.3.2018 đều vô hiệu. Thế nhưng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Thuế tỉnh Cà Mau đề nghị Công ty Công Lý nộp thuế đến nay trong khi quyết định thay đổi chủ sở hữu được Thủ tướng Chính phủ ký vào tháng 3.2018”, ông Dân viện dẫn.

Không giao khu vực biển

Đưa cho PV xem bộ hồ sơ gồm tờ trình, báo cáo gởi Bộ TN-MT, Thủ tướng Chính phủ, ông Dân cho biết: “Từ ngày 9.3.2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý thay đổi nhà đầu tư, công ty có nhiều báo cáo, tờ trình đề nghị Bộ TN-MT có quyết định giao khu vực biển. Bởi quyết định trước đó bị vô hiệu, nhưng vẫn không nhận được sự trả lời thỏa đáng”. Từ công ty kinh doanh, Công ty Công Lý loay hoay với báo cáo tình hình hoạt động, tờ trình xin giao khu vực biển theo quyết định của Thủ tướng nhưng chưa được giải quyết.

Cụ thể, ngày 7.8.2018, Công ty Công Lý nộp hồ sơ cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xin sửa, bổ sung hồ sơ khu vực biển theo quyết định số 321 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 8.10.2019, Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo Việt Nam có thông báo gởi Công ty Công Lý kết quả không chấp nhận bổ sung hồ sơ do công ty chưa nộp tiền sử dụng khu vực biển.

vu-cong-ly-bai-ba-4.jpg
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đồng ý thay đổi nhà đầu tư mới thực hiện dự án nhưng đến nay Bộ TN-MT chưa quyết định giao khu vực biển - Ảnh: Hoàng Văn

Ông Dân viện dẫn, theo quy định tại khoản 2, điều 20 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP có quy định, thời gian thẩm định hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển là 20 ngày kể từ ngày ra văn bản tiếp nhận hồ sơ. Đằng này, Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo có công văn trả lời cho công ty sau hơn 1 năm nhận hồ sơ. Mặc khác, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý thay đổi chủ đầu tư của dự án, Bộ TN-MT cũng đồng ý nhưng các cơ quan trên không thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tiến hành giao khu vực biển, kiểm tra thực địa, cắm mốc cho chủ đầu tư mới.

Ngày 24.7.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có báo cáo đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xem xét, tham mưu cho Bộ TN-MT phối hợp các bộ xem xét lại thu tiền đối với Công ty Công Lý một cách khách quan. Ngày 10.11.2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét, chấp thuận điều chỉnh bổ sung quyết định giao khu vực biển cho chủ đầu tư mới theo quyết định của Thủ tướng.

Và cũng như những lần trước, đề xuất của UBND tỉnh và Công ty Công Lý vẫn chưa được  giải quyết thấu đáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bất động sản Việt Nam: Kỳ vọng gì từ hàng chục tỉ USD kiều hối mỗi năm?
Với các quy định thông thoáng hơn về sở hữu nhà ở đối với Việt kiều, lượng kiều hồi, ước tính hàng tỉ USD mỗi năm được kỳ vọng sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Thông tin tiếp vụ Công ty Công Lý chịu thuế oan hơn 26 tỉ đồng