Một nghiên cứu mới từ Hàn Quốc chỉ ra rằng tải lượng vi rút trong mũi, hầu họng, phổi của ca nhiễm COVID-19 không triệu chứng và có triệu chứng là như nhau.
Do tiến sĩ Seungjae Lee thuộc đại học Dược Soonchunhyang đứng đầu, nhóm nhà khoa học phân tích mẫu bệnh phẩm lấy từ ngày 6.3 - 26.3 của 303 người cách ly tại một cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Cheonan. Đối tượng nghiên cứu nằm trong độ tuổi 22 - 36 với 2/3 là phụ nữ, 193 trường hợp có triệu chứng và 110 trường hợp không triệu chứng.
Trong số trường hợp ban đầu không triệu chứng, có 89 người về sau cũng không phát triển triệu chứng (chiếm 30% tổng số).
Tất cả 303 trường hợp đều được lấy mẫu (đường hô hấp trên và dưới) đều đặn sau 8 ngày cách ly. Các mẫu trả về giá trị tải lượng vi rút tương đương.
Khác biệt chỉ nằm ở thời gian trung bình để bệnh nhân trở về âm tính, nhưng không đáng kể: Ca không triệu chứng mất 17 ngày, ca có triệu chứng 19,5 ngày.
Theo nhóm nhà khoa học Hàn Quốc, những gì họ phát hiện cung cấp thêm bằng chứng sinh học củng cố cho quan điểm ca không triệu chứng hoàn toàn có thể lây lan COVID-19. Nghiên cứu cũng giúp phân biệt rõ mắc bệnh nhưng có triệu chứng với “tiền triệu chứng” (presymptomatic).
Thời gian từ ủ bệnh đến lúc xuất hiện triệu chứng được gọi là giai đoạn tiền triệu chứng. Một người dễ lây bệnh cho người khác nhất vào lúc họ bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Cẩm Bình (theo Channel News Asia)