Các nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc bị ảnh hưởng vì cuộc thảo luận mới về việc cắt giảm đơn hàng và tiếp tục tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà cung cấp ở Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề do thông tin Apple giảm đơn đặt hàng

Sơn Vân | 04/01/2023, 23:35

Các nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc bị ảnh hưởng vì cuộc thảo luận mới về việc cắt giảm đơn hàng và tiếp tục tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà cung cấp cho Apple tại Trung Quốc đang hứng chịu giá cổ phiếu tụt dốc và doanh thu có thể bị sụt giảm trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc giảm đơn đặt hàng AirPods, Apple Watch và MacBook, cũng như sự chia tách công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc.

Luxshare Precision Co và Dongshan Precision Manufacturing Co, hai nhà cung cấp của Apple niêm yết tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm lần lượt 10% và 9,4% vào ngày 4.1.

Cổ phiếu Sunny Optical, nhà sản xuất ống kính và mô-đun camera smarphone được niêm yết tại Hồng Kông, đã giảm 10%.

Sự trượt giá diễn ra sau khi trang Nikkei đưa tin Apple thông báo cho một số nhà cung cấp sản xuất ít linh kiện hơn cho AirPods, Apple Watch và MacBook trong quý 1/2023 do nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu.

Báo cáo không xác định các nhà cung cấp cụ thể bị ảnh hưởng. Song xu hướng rộng lớn hơn là Apple đang chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa rủi ro chuỗi cung ứng khiến các nhà đầu tư lo ngại hơn về tương lai của các nhà cung cấp cho công ty Mỹ tại quốc gia này.

Goertek, nhà sản xuất AirPods có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), đã điều chỉnh ước tính thu nhập hàng năm của mình giảm gần 60% vào tháng trước do đơn đặt hàng từ Apple giảm. Giá cổ phiếu Goertek đã giảm 2,8% hôm 4.1 tại Thâm Quyến.

Dongshan Precision Manufacturing Co cho biết trong ghi chú được đăng trên nền tảng Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến rằng hoạt động sản xuất và vận hành của họ là “bình thường” và các đơn đặt hàng từ những khách hàng quan trọng là “ổn định”.

Luxshare Precision Co, Sunny Optical và Goertek không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Theo phân tích từ trang SCMP về danh sách nhà thầu của công ty cho năm tài chính kết thúc vào ngày 25.9.2021, Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất chính của Apple, với khoảng 1/2 trong số 190 nhà cung cấp hàng đầu cho công ty Mỹ có trụ sở tại quốc gia châu Á này.

Có trụ sở tại thành phố Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc), Luxshare Precision Co là nhà cung cấp của Apple từ năm 2011, ban đầu sản xuất dây cáp cho MacBook và iPhone. Sau đó, công ty đã sản xuất thêm AirPod cũng như lắp ráp Apple Watch và iPhone.

Được thành lập năm 1998 tại thành phố Tô Châu (miền đông Trung Quốc), Dongshan Precision Manufacturing sản xuất bảng mạch in cho Apple.

ro-tin-apple-giam-don-dat-hang-cac-nha-cung-cap-o-trung-quoc-anh-huong-nang.jpg
Việc Apple giảm đơn đặt hàng AirPods, Apple Watch và MacBook sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp cho công ty Mỹ ở Trung Quốc 

Nếu việc cắt giảm đơn đặt hàng từ Apple được xác nhận, đó sẽ là một bước thụt lùi đáng kể với nhiều công ty trong số này, vốn phụ thuộc vào gã khổng lồ công nghệ Mỹ để có doanh thu lớn.

Luxshare Precision Co lưu ý rằng hơn 70% doanh thu của họ đến từ “khách hàng lớn nhất”, được cho là Apple, theo báo cáo thu nhập năm 2021. Trong khi đó, Dongshan Precision Manufacturing nói gần một nửa doanh thu năm 2021 đến từ khách hàng lớn nhất của họ.

Vào năm 2021, Oflim từng là một trong những nhà cung cấp mô-đun máy ảnh lớn nhất cho Apple. Thế nhưng, Oflim chứng kiến ​​doanh thu giảm 53% vào 2021 so với cùng kỳ năm trước và giảm 37% trong ba quý đầu 2022, sau khi bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp cho công ty Mỹ.

Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd là nhà cung cấp chất cách điện cho smartphone và máy tính. Theo bản cáo bạch từ Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd, rủi ro lớn là việc công ty phụ thuộc vào Apple với tư cách người dùng cuối cùng các sản phẩm của mình. Trong đó Apple chiếm đến 88% doanh thu của Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd vào năm 2021, tăng từ 84% vào năm 2020.

Trong tuyên bố dài 272 trang trả lời các câu hỏi từ Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Shenzhen Tongtaiying Technology Co Ltd đề cập đến tên Apple hơn 900 lần.

Dongguan Sixpure Intelligent Technology Co, nhà cung cấp các linh kiện điện tử trong chuỗi cung ứng của Apple thông qua các công ty như Foxconn, cho biết trong bản cáo bạch rằng Apple chiếm 77% doanh thu của mình. Điều này khiến Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đặt câu hỏi liệu việc phụ thuộc vào Apple có phải là rủi ro đáng kể không và liệu các đơn đặt hàng có bền vững không.

Apple đã và đang chuyển sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình bên ngoài Trung Quốc sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam, sau khi hoạt động sản xuất bị gián đoạn do đại dịch. Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã gây thêm nghi ngờ về tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Theo báo cáo của Nikkei vào tháng trước, Apple đang chuyển một số dây chuyền sản xuất MacBook của mình sang Việt Nam, một động thái đã được lên kế hoạch từ năm 2020. Lô máy tính xách tay của Apple đầu tiên dự kiến sẽ được sản xuất ở Việt Nam vào tháng 5.2023.

Cổ phiếu bị bán tháo, vốn hóa thị trường của Apple giảm xuống dưới 2.000 tỉ USD

Vốn hóa thị trường của Apple đã giảm mạnh hôm 3.1 sau đợt bán tháo cổ phiếu, lần đầu tiên xuống dưới 2.000 tỉ USD kể từ tháng 3.2021.

Vốn hóa thị trường là giá trị của tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Vốn hóa thị trường = Giá cổ phiếu hiện tại x Tổng số cổ phiếu đang lưu hành

Vốn hóa thị trường phụ thuộc trực tiếp vào giá cổ phiếu của công ty. Giá trị này thay đổi theo từng ngày giao dịch. Khi giá cổ phiếu tăng lên thì vốn hóa thị trường tăng theo và ngược lại. Những thay đổi về số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa trị trường. Các công ty vẫn có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn hoặc mua lại cổ phiếu. Giả sử giá cổ phiếu không đổi, việc phát hành thêm cổ phiếu sẽ làm tăng giá trị vốn hóa thị trường của công ty và việc mua lại sẽ làm giảm giá trị vốn hóa.

Việc bán tháo cổ phiếu diễn ra 1 năm sau khi Apple trở thành công ty đầu tiên đạt mốc vốn hóa thị trường 3.000 tỉ USD.

Cổ phiếu Apple đã giảm 3,7% xuống còn 125,07 USD hôm 3.1, khiến giá trị vốn hóa thị trường của công ty ở mức 1,99 ngàn tỉ USD.

Làm trầm trọng thêm nỗi lo của những nhà đầu tư rằng nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu với các thiết bị Apple, trang Nikkei đưa tin Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp sản xuất ít bộ phận hơn cho nút tai, đồng hồ và máy tính xách tay của mình.

Nhà phân tích Jerome Ramel của công ty Exane BNP Paribas dự đoán lượng iPhone xuất xưởng cho năm tài chính 2023 là 224 triệu chiếc (so với 245 triệu chiếc trong dự đoán ban đầu), phản ánh các vấn đề về chuỗi cung ứng từ Foxconn (hãng lắp ráp iPhone chính cho Apple) và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho smartphone cao cấp.

Với giá cổ phiếu hiện tại, vốn hóa thị trường Apple vẫn hơn Microsoft (được định giá khoảng 1,8 ngàn tỉ USD) nhưng khoảng cách không quá xa như trước.

Với việc các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu của người tiêu dùng, các nhà phân tích cho rằng Apple sẽ báo cáo doanh thu quý 4/2022 giảm 1% những tuần tới, theo Refinitiv. Điều đó sẽ đánh dấu sự sụt giảm doanh thu hàng quý đầu tiên của Apple kể từ quý 3/2019.

Refinitiv là nhà cung cấp toàn cầu của Mỹ - Anh về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính.

Chuyên gia Kim Forrest của công ty Bokeh Capital Partners cho biết: “Apple có xu hướng nghiêng về khách hàng thiết bị tiêu dùng cao cấp, nhưng ngay cả nhóm nhân khẩu học đó cũng có thể bị ảnh hưởng bởi giá cao của mọi thứ”.

Đợt bán tháo mạnh ở Phố Wall năm ngoái đã ảnh hưởng mạnh cổ phiếu các hãng công nghệ lớn, khi các nhà đầu tư lo ngại về lãi suất tăng dẫn đến bán phá giá các cổ phiếu có định giá cao.

Tổng vốn hóa trị trường của Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Meta Platforms hiện chiếm khoảng 18% S&P 500, giảm từ mức là 24% vào năm 2020. S&P 500 là chỉ số thị trường chứng khoán theo dõi hiệu suất cổ phiếu của 500 công ty lớn được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ.

Ngay cả sau khi cổ phiếu giảm 27% vào năm ngoái, Apple vẫn mang lại lợi nhuận tốt cho các cổ đông dài hạn. Các nhà đầu tư dài hạn, mua và nắm giữ cổ phiếu Apple kể khi đồng sáng lập Steve Jobs ra mắt iPhone vào năm 2007, đã được hưởng mức lãi hơn 4.000%, không bao gồm cổ tức, so với mức tăng 180% của S&P 500 trong cùng kỳ.

Theo trang Bloomberg, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn đạt khoảng 90% công suất tối đa dự kiến trong tháng 12. Điều này cho thấy đối tác hàng đầu của Apple đã đảm bảo đủ công nhân bất chấp dịch bệnh bùng phát trở lại và những biến động nhân sự gần đây.

Nhà máy iPhone lớn nhất thế giới tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đang hoạt động với khoảng 200.000 nhân viên, tờ Henan Daily dẫn lời Vic Wang - lãnh đạo Foxconn.

Người đại diện Foxconn cho biết tính đến ngày 30.12.2022, nhà máy này đã đạt 90% công suất tối đa được dự báo vào đầu năm ngoái. Sự phục hồi nhanh chóng của nhà máy báo hiệu tốt cho việc sản xuất iPhone trước mùa mua sắm Tết Nguyên đán.

Trước đó, đợt bùng phát dịch trên toàn quốc đã diễn ra sau khi Trung Quốc đảo ngược chính sách Zero COVID. Điều này đã che mờ triển vọng của các nhà sản xuất như Foxconn, vốn cần số lượng lớn công nhân để duy trì hoạt động tại nhà máy.

Đợt bùng phát dịch gần đây diễn ra sau nhiều tuần hỗn loạn tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, nơi sản xuất phần lớn iPhone 14 Pro và Pro Max.

Tháng 10.2022, nhà máy này bước vào giai đoạn sản xuất khép kín. Công nhân chỉ được di chuyển từ nơi làm đến ký túc xá, tuân thủ các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc. Điều đó khiến nhiều nhân viên phẫn nộ và dẫn đến xô xát, bạo động tại nhà máy. Hàng chục ngàn công nhân nghỉ việc để phản đối các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Sự cố gián đoạn tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu cuối năm 2022 khiến giới phân tích lo ngại về tình hình sản xuất iPhone, đặc biệt là iPhone 14 Pro và 14 Pro Max, trong dịp Tết Nguyên đán. Apple đã phải hạ mục tiêu sản xuất xuống còn khoảng 87 triệu chiếc iPhone so với dự báo trước đó là 90 triệu.

Đầu tháng 11.2022, Apple thông báo hoãn ngày giao mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max do gián đoạn hoạt động tại nhà máy này.

Tháng 11.2022, Bloomberg ước tính sản lượng iPhone của Apple giảm gần 6 triệu chiếc. Công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) hy vọng có thể bù đắp 6 triệu chiếc iPhone bị mất vào năm 2023.

Bài liên quan
Cựu nữ luật sư bằng sáng chế kiện Apple vì phân biệt đối xử, ngó lơ việc lạm dụng tình dục
Theo tờ Bloomberg, Jayna Richardson Whitt cho biết bị Apple sa thải bất hợp pháp sau khi phàn nàn về việc bị một đồng nghiệp nam lạm dụng tình dục, gồm cả việc nhận được những lời dọa giết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
2 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà cung cấp ở Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề do thông tin Apple giảm đơn đặt hàng