Các nhà khoa học hoài nghi về gợi ý của ông Pascal Soriot rằng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có thể bảo vệ lâu dài hơn.
Các nhà khoa học đã hoài nghi trước tuyên bố từ Giám đốc điều hành AstraZeneca - Pascal Soriot rằng sự hấp thụ thấp vắc xin của hãng này ở những người cao tuổi châu Âu có thể giải thích cho sự bùng phát COVID-19 trên lục địa này hiện nay.
Pascal Soriot nói với chương trình Today của BBC Radio 4 rằng sự khác biệt về tế bào T miễn dịch giữa các loại vắc xin có thể đồng nghĩa những người được tiêm mũi AstraZeneca có khả năng bảo vệ lâu dài hơn chống lại vi rút SARS-CoV-2.
Tế bào T là loại tế bào miễn dịch huấn luyện các tế bào B sản xuất kháng thể chống lại mối đe dọa từ vi rút SARS-CoV-2 và trực tiếp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.
Pascal Soriot nói: “Thật thú vị khi bạn nhìn vào Anh. Có con số kỷ lục ca mắc COVID-19 nhưng số người nhập viện không quá nhiều so với châu Âu. Ở Anh, vắc xin Oxford - AstraZeneca được sử dụng để tiêm cho người lớn tuổi, trong khi ở châu Âu, ban đầu mọi người nghĩ rằng vắc xin này không có tác dụng với người lớn tuổi.
Những gì tôi đang nói là tế bào T đóng vai trò quan trọng và đặc biệt nó liên quan đến độ bền của đáp ứng miễn dịch, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Vắc xin này đã được chứng minh là có khả năng kích thích tế bào T ở mức độ cao hơn ở những người lớn tuổi.
Hiện chưa có bằng chứng về bất cứ điều gì… Chúng tôi cần thêm dữ liệu để phân tích điều này và có câu trả lời”.
Đức là quốc gia châu Âu đầu tiên khuyến cáo không tiêm vắc xin AstraZeneca cho những người trên 65 tuổi vào cuối tháng 1.2021, với lý do thiếu dữ liệu về hiệu quả của vắc xin ở nhóm tuổi này. Các quốc gia châu Âu khác cũng nhanh chóng tuân theo các khuyến nghị tương tự, bao gồm Ý, Pháp, Ba Lan và Thụy Điển, dù nhiều nước sau đó đã đảo ngược hướng dẫn này sau khi công bố thêm dữ liệu về hiệu quả của vắc xin AstraZeneca.
Một số người thậm chí còn nói rằng chỉ nên sử dụng vắc xin AstraZeneca cho các nhóm tuổi lớn hơn, sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) báo cáo về mối liên hệ có thể có giữa vắc xin này với các trường hợp đông máu rất hiếm gặp. Có thể do kết quả của những thông điệp hỗn hợp này, nhiều người châu Âu ban đầu ngần ngại không tiêm vắc xin AstraZeneca.
Về lý thuyết, có lý do tại sao vắc xin AstraZeneca có thể kích hoạt đáp ứng miễn dịch hơi khác so với vắc xin mRNA như Pfizer. Cả hai đều trang bị cho các tế bào hướng dẫn di truyền để tạo ra protein gai của coronavirus (các tế bào miễn dịch trong máu nhận diện protein gai là kẻ xâm nhập và kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch), nhưng vắc xin AstraZeneca làm được điều đó với sự trợ giúp của một loại vi rút đã được sửa đổi, mà hệ thống miễn dịch cũng có thể phản ứng lại.
Deborah Dunn-Walters, Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Hiệp hội Miễn dịch học Anh và là Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Surrey, cho biết: “Đó là một hệ thống phân phối phức tạp hơn một chút, vì vậy bạn có thể mong đợi có sự khác biệt - nhưng để giải thích những khác biệt đó sẽ cần rất nhiều nghiên cứu".
Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, nói sẽ là “ngu ngốc” nếu cố gắng gán sự khác biệt về hình dạng các đường cong lây nhiễm COVID-19 của từng quốc gia cho bất kỳ yếu tố đơn lẻ nào.
“Tôi không biết bạn sẽ bắt đầu từ đâu để làm điều đó một cách khoa học. Tất cả các loại vắc xin, ở các mức độ khác nhau, đều khá tuyệt vời. Tất cả chúng đều tạo ra toàn bộ khả năng miễn dịch, bao gồm các kháng thể trung hòa và các loại tế bào T khác nhau", ông nhận định.
Giáo sư Matthew Snape ở Đại học Oxford so sánh các đáp ứng của kháng thể và tế bào T ở những người nhận vắc xin Pfizer, AstraZeneca theo lịch chuẩn hoặc tiêm trộn. Mặc dù nhóm của ông đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một mũi vắc xin AstraZeneca tạo ra đáp ứng tế bào T tốt hơn, nhưng đáp ứng này rất giống nhau ngay sau khi nhận được hai liều cùng loại này.
Ông nói: “Thật thú vị, các đáp ứng tốt nhất của tế bào T sẽ đến nếu bạn tiêm liều vắc xin AstraZeneca đầu tiên, sau đó là Pfizer”.
Tìm cách tối ưu hóa đáp ứng miễn dịch với vắc xin COVID-19 là trọng tâm nghiên cứu đang diễn ra. Matthew Snape đang theo dõi các nghiên cứu này để xem đáp ứng miễn dịch của con người hình thành như thế nào về lâu dài.
Việc tìm hiểu sự khác biệt giữa tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 và nhập viện của các quốc gia còn phức tạp hơn nữa bởi các yếu tố như thời điểm dỡ bỏ các hạn chế và ở mức độ nào, sự khác biệt trong khoảng cách giữa mũi vắc xin đầu tiên và thứ hai, độ tuổi của dân số và tỷ lệ mắc các bệnh khác, sự xuất hiện các biến thể mới, đặc biệt là nếu chúng tồn tại trong một thời gian dài sau khi người dân đã được tiêm vắc xin.
Tiến sĩ Lance Turtle, giảng viên lâm sàng cao cấp và bác sĩ tư vấn về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Liverpool, nói: “Việc so sánh giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn và rất dễ dẫn đến kết luận không đáng tin cậy”.
Trước đó, Dame Kate Bingham - cựu Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm vắc xin của Anh đã thúc giục chính phủ làm tốt hơn trong việc chuẩn bị cho các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.