Hôm 23.11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giấy phép toàn cầu cho công nghệ huyết thanh học phát hiện kháng thể COVID-19 sẽ được cấp miễn phí bản quyền cho các nước nghèo và thu nhập trung bình, trong đó có Việt Nam.
4 xét nghiệm hiện có, nhằm kiểm tra sự hiện diện của các kháng thể SARS-CoV-2 được phát triển sau khi nhiễm vi rút hoặc tiêm vắc xin, cũng có thể giúp bạn đưa ra quyết định có nên tiêm mũi tăng cường để bảo vệ chống lại COVID-19 hay không, WHO cho hay.
Thỏa thuận cấp phép không độc quyền đạt được với Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), viện nghiên cứu công cộng cung cấp công nghệ như một sản phẩm công cộng toàn cầu, là giấy phép thử nghiệm đầu tiên được Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc của WHO (MPP) ký.
WHO cho biết: “Mục đích của giấy phép là tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và thương mại hóa nhanh chóng xét nghiệm huyết thanh học với COVID-19 của CSIC trên toàn thế giới. Giấy phép sẽ miễn phí bản quyền cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, sẽ vẫn có giá trị cho đến ngày bằng sáng chế cuối cùng hết hạn".
Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh thỏa thuận mà ông hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các nhà phát triển khác chia sẻ các công cụ chống lại COVID-19 vốn đã giết chết hơn 5,4 triệu người kể từ khi xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12.2019.
Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Đây là loại giấy phép công khai và minh bạch mà chúng ta cần để di chuyển kim chỉ nam về việc tiếp cận trong và sau đại dịch. Tôi kêu gọi các nhà phát triển vắc xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán COVID-19 làm theo ví dụ này và lật ngược tình thế với đại dịch cũng như về sự bất bình đẳng toàn cầu".
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) hoan nghênh thỏa thuận trên, lưu ý rằng WHO hiện chỉ có một xét nghiệm kháng thể COVID-19 bằng phương pháp xét nghiệm miễn dịch định lượng (ELISA) do Roche Holding AG thực hiện, chỉ có thể được sử dụng với thiết bị riêng của nhà sản xuất thuốc có trụ sở tại Thụy Sĩ.
“Để vượt qua sự độc quyền của các công ty chẩn đoán lớn như Roche và tạo điều kiện sản xuất, cung cấp các xét nghiệm kháng thể ELISA đáng tin cậy ở tất cả các quốc gia, giấy phép mở từ CSIC cho C-TAP (COVID-19 Technology Access Pool) của WHO là một một bước tiến quan trọng.
Tuy nhiên, một giấy phép từ một chủ sở hữu công nghệ là không đủ để mở ra nền tảng đầy đủ cho các nhà phát triển ở các quốc gia có thể cải thiện các xét nghiệm của họ với kháng thể COVID-19.
Việc loại bỏ các rào cản về sở hữu trí tuệ với tất cả thành phần công nghệ chính, tạo điều kiện chia sẻ cởi mở, tổng hợp và chuyển giao công nghệ, dữ liệu và bí quyết, là điều quan trọng để đảm bảo và cải thiện khả năng tiếp cận với chẩn đoán COVID-19 cho tất cả mọi người", MSF nói.
Vào tháng 5.2020, WHO và các đối tác đã giới thiệu C-TAP để tạo điều kiện tiếp cận kịp thời, công bằng và hợp lý với các sản phẩm y tế COVID-19 bằng cách thúc đẩy nguồn cung của chúng.
C-TAP cung cấp một trung tâm toàn cầu cho các nhà phát triển phương pháp điều trị, chẩn đoán, vắc xin và các sản phẩm y tế khác liên quan COVID-19 để chia sẻ tài sản trí tuệ, kiến thức và dữ liệu của họ với các nhà sản xuất đảm bảo chất lượng thông qua hoạt động tự nguyện vì sức khỏe cộng đồng, không giấy phép độc quyền và minh bạch.