Trong 9 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã tiếp nhận 1.314 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 17.10, ông Nguyễn Tăng Minh – Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM, cho biết hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người dân chưa có công ăn việc làm ổn định, hoặc với nhiều hoàn cảnh, điều kiện khó khăn khác nhau tại nhiều địa phương đến TP.HCM để kiếm sống, xin ăn tại một số địa bàn, đặc biệt khu vực gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, cơ sở kinh doanh xăng - dầu, chợ truyền thống ...
Tuy nhiên, các đối tượng này có hành vi đối phó với lực lượng chức năng như: giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong công tác xử lý.
“Trong 9 tháng đầu năm 2024, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tiếp nhận 1.314 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác do các tổ công tác quận, huyện, phường, xã, thị trấn bàn giao”, ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, việc cha mẹ ruột để các trẻ ra đường ăn xin trên là vi phạm quyền trẻ em, tùy theo mức độ hành vi vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xem xét xử lý.
Theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em thì việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình phải chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; giáo dục trẻ em; bảo vệ an toàn cho trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em được học tập, tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các hoạt động xã hội phù họp; hướng dẫn trẻ em tiếp cận nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và mức độ trưởng thành của trẻ em
Trường hợp vi phạm quyền trẻ em sẽ được xem xét xử lý theo quy định tùy vào mức độ hành vi vi phạm mà người thực hiện hành vi vi phạm bị xem xét xử lý trách nhiệm hành chính theo khoản 2, điểm a khoản 5 Điều 23 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quy định; phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp khi có hành vi ép buộc trẻ em đi xin ăn, sử dụng trẻ em để xin ăn hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết trong thời gian tới các địa phương quản lý địa bàn phát hiện và tập trung người lang thang, xin ăn đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội để quản lý, trong thời gian xác minh đưa về nơi cư trú để phòng ngừa, tái diễn tình trạng người lang thang, xin ăn. Các quận, huyện cần có những chính sách chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn tìm việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
“Chúng tôi có chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội. Do đó trong thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ phối với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trên theo quy định”, ông Minh nhấn mạnh.