Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết trong bối cảnh những thách thức an ninh trong khu vực đang tăng lên, Trung Quốc đã phải đưa chiến đấu cơ tàng hình J-20 vào chiến đấu, dù biết năng lực hạn chế khi chiếc J-20 trang bị động cơ đời trước.
Dù quá trình phát triển động cơ riêng cho J-20 gặp vấn đề, quân đội Trung Quốc ngày 9.2 xác nhận kiểu chiến đấu cơ thế hệ năm J-20 đã được điều động đến các đơn vị chiến đấu của không quân nước này. Số lượng J-20 được triển khai không được nói rõ.
Theo hai nguồn tin quân sự độc lập, tuy J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tàng hình tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, nhưng nó vẫn chỉ được trang bị động cơ của máy bay đời trước, vì động cơ WS-15 do Bắc Kinh sản xuất riêng cho J-20 gặp phải “vấn đề nghiêm trọng”.
Một trong hai nguồn tin cho biết: “Động cơ WS-15 được thiết kế cho J-20 đã phát nổ trong một cuộc kiểm tra dưới mặt đất năm 2015 (không ai bị thương). Vụ nổ cho thấy WS-15 không đáng tin cậy, và cho đến nay vấn đề này vẫn chưa có giải pháp cơ bản để giải quyết. Đó là lý do tại sao J-20 đang dùng động cơ WS-10B”.
WS-10B là phiên bản cải tiến của động cơ WS-10 Thái Hành, dùng cho J-10 và J-11, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4.
Vụ WS-15 phát nổ được một nguồn tin quân sự khác xác thực. Nguồn tin này còn cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây ra vụ nổ, trong đó có vấn đề về chất lượng của các cánh tuabin tinh thể đơn, thành phần quan trọng của WS-15. Cánh tuabin tinh thể đơn, thế hệ mới của WS-15 vốn được dự kiến chịu được những gia tăng cơ học do tốc độ quay cực cao và nhiệt độ cao.
Năm 2017, ông Lâm Tả Minh, cựu Chủ tịch công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) cho biết cánh tuabin tinh thể đơn dùng trong những động cơ WS-10 chịu được nhiệt độ lên đến 2.000 độ C, có tuổi thọ 1.500 giờ, cao hơn tuổi thọ 800 giờ của các cánh quạt trong động cơ đời cũ.
Tuy nhiên, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng của WS-10 chỉ có 7,5 và của WS-10B cũng mới đạt tới 9. Trong khi đó, tỷ lệ này của WS-15 là hơn 10. Tỷ lệ này là một trong những yêu cầu cơ bản để J-20 và những máy bay chiến đấu tàng hình như F-22 Raptor (Mỹ) có được khả năng bay với vận tốc siêu thanh mà không cần dùng đến thùng chất đốt phụ, khiến chúng khó bị phát hiện hơn. Chiếc F-22 Raptor hiện được trang bị F119, động cơ phản lực tiên tiến nhất thế giới, của hãng Pratt & Whitney.
Việc đạt được khả năng bay này sẽ đòi hỏi cánh tuabin của WS-15 phải chịu được nhiệt độ cao hơn nhiệt độ mà cánh tuabin của WS-10 phải chịu.
Theo nguồn tin quân sự thứ hai: “Các kỹ sư Trung Quốc đã chế tạo được cánh tuabin tinh vi cho một động cơ riêng lẻ, nhưng lại thất bại khi cố chuyển công nghệ này vào sản xuất hàng loạt. Theo kinh nghiệm của phương Tây thì cần có nhiều cuộc thử nghiệm thì mới có thể gỡ nút thắt cổ chai này”.
Còn nguồn tin đầu tiên cho biết: “Dùng WS-10 chỉ là bước đi tạm thời trong quá trình phát triển động cơ cho J-20. Trong tương lai, máy bay này sẽ dùng động cơ mới, một bản cải thiện hiệu quả hoạt động của WS-10 mang tên WS-10 IPE, cho đến khi chương trình phát triển WS-15 thành công. Thật xấu hổ khi máy bay quan trọng như vậy phải thay động cơ đến vài lần. Đây là vấn đề cốt lõi của máy bay nội địa”.
Dùng động cơ của máy bay thế hệ trước, năng lực của J-20, bao gồm tính cơ động, hiệu suất nhiên lực cũng như khả năng tàng hình khi bay với vận tốc siêu thanh, là cực kỳ hạn chế.
J-20 đã có ít nhất 3 lần đổi động cơ. Trong chuyến bay đầu tiên, J-20 được trang bị động cơ AL-31 của Nga có hiệu quả hoạt động kém hơn WS-10B. Phía Moscow từ chối xuất khẩu động cơ tiên tiến nhất, nên Bắc Kinh đã lập dự án phát triển WS-15.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) vào năm 2017 đã ca ngợi khả năng hoạt động WS-15 có thể sánh ngang với F119 của F-22 Raptor. Đài cũng cho biết WS-15 sẽ được trang bị rộng rãi trên những chiếc J-20 vào năm 2020.
Với bước tiến này, Trung Quốc có thể là nước thứ ba có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, sau Mỹ và Nga. Justin Bronk, chuyên gia phân tích về chiến đấu trên không thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh, từng đánh giá J-20 là mối đe dọa thực sự của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, vì nó được thiết kế có tầm bay xa hơn, mang được nhiều nhiên liệu hơn, mang được nhiều vũ khí bên trong khoang hơn F-22 và F-35 của Washington.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quân sự khác cho rằng còn quá sớm để nhận định trên thành hiện thực, vì WS-15 chưa phát triển hoàn toàn không thể sánh bằng F119 có tuổi thọ lên đến 4.000 giờ.
Theo ông Hoàng Đông (Anthony Wong Dong), chuyên gia quân sự tại Macau, sau khi mất 11 năm để đưa nguyên bản WS-15 vào thử nghiệm, Trung Quốc sẽ phải mất thêm 3 - 8 năm để phát triển thêm nữa.
Cẩm Bình (theo SCMP)