Yiren “Ronnie” Huang, một trong những người sáng lập công ty CNEX có trụ sở tại California, đã kiện tập đoàn Huawei và công ty con Futurewei có kế hoạch chiếm đoạt tài sản sở hữu trí tuệ của mình.
Tài sản sở hữu trí tuệ trong vụ việc là công nghệ lưu trữ thể bền vững (SSD) cho phép các trung tâm dữ liệu quản lý khối lượng thông tin khổng lồ thu thập từ trí thông minh nhân tạo cùng các ứng dụng tân tiến khác. CNEX nhờ vào công nghệ này mà nhận được đầu tư từ Dell và Microsoft.
Trong hồ sơ khởi kiện nộp lên tòa ngày 16.10, ông Huang viết: “Huawei và Futurewei là hai đơn vị chủ chốt trong một chiến dịch tình báo công nghiệp nhằm đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ từ doanh nghiệp công nghệ Mỹ như CNEX, với hy vọng đưa Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành siêu cường công nghệ vào năm 2025”.
Huang là công dân Mỹ gốc Hoa, có gần 30 năm làm việc tại Thung lũng Silicon. Ông là tác giả của nhiều phát minh đã hoặc đang chờ cấp giấy chứng nhận sáng chế, được chuyển nhượng cho CNEX.
Theo hồ sơ khởi kiện, năm 2011 Futurewei tuyển dụng Huang làm việc tại cơ sở Santa Clara (California). Công ty Trung Quốc cố gắng sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ của ông bằng một thỏa thuận tuyển dụng thay vì mua lại, nhưng bị từ chối.
Huang rời Futurewei vào tháng 5.2013 và nhanh chóng sáng lập CNEX. Huawei ngay lập tức tiến hành giám sát công ty khởi nghiệp này bằng nhiều biện pháp, bao gồm cả cách giả vờ tỏ ý muốn làm ăn để tiếp cận với công nghệ của CNEX.
Năm ngoái, Huawei đâm đơn kiện Huang và CNEX với cáo buộc ông đánh cắp công nghệ và lôi kéo người của công ty cũ về làm việc cho mình. CNEX thừa nhận có tuyển cựu nhân viên Futurewei nhưng khẳng định không có âm mưu làm chuyện này.
Huang trong hồ sơ khởi kiện lên án động thái kiện ông của Huawei, gọi đây là một trong những chiến thuật bất chính mà tập đoàn Trung Quốc từng thực hiện.
Mặc dù thống trị thị trường nhiều quốc gia khác, nhưng Huawei gần như bị ngăn chặn tại Mỹ kể từ lúc quốc hội nước này ra một báo cáo năm 2012, nhận định thiết bị của tập đoàn Trung Quốc này cũng như của ZTE có thể đang được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để do thám công dân Mỹ.
Nỗ lực giám sát hai “ông lớn” viễn thông Trung Quốc thời gian qua được tăng cường, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cùng một liên minh Dân chủ- Cộng hòa trong quốc hội cố gắng đối phó cường phó châu Á trên các mặt trận kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Phòng Thương mại Mỹ (USCC) trước đó từng nhiều lần chỉ trích hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu doanh nghiệp Mỹ của Bắc Kinh.
Cẩm Bình (theo The Wall Street Journal, SCMP)