Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNBC giữa tháng 3, Steven Mnuchin (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ) cho biết ông đang xây dựng một nhóm các nhà đầu tư có thể mua lại TikTok trong vòng 6 tháng.
Thế giới số

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ muốn mua TikTok không có thuật toán: ‘Giống xây dựng lại Facebook’

Sơn Vân 18:54 31/03/2024

Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNBC giữa tháng 3, Steven Mnuchin (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ) cho biết ông đang xây dựng một nhóm các nhà đầu tư có thể mua lại TikTok trong vòng 6 tháng.

Việc này diễn ra sau khi Hạ viện Mỹ hôm 13.3 đã thông qua một dự luật lưỡng đảng mà nếu được ký thành luật sẽ buộc tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 6 tháng hoặc ứng dụng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ.

Dự luật mới được đưa ra xuất phát từ mối lo ngại của một số nhà làm luật Mỹ rằng chính phủ Trung Quốc kiểm soát quá nhiều với các công ty và do đó có thể yêu cầu các thực thể như TikTok cung cấp lượng lớn dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng nền tảng này để gây ảnh hưởng đến chính trị ở nước ngoài.

“Tôi nghĩ dự luật này nên được thông qua và TikTok nên được bán đi. Đó là doanh nghiệp tuyệt vời và tôi sẽ thành lập một nhóm để mua TikTok”, Steven Mnuchin, người lãnh đạo công ty Liberty Strategic Capital, nói trên CNBC.

Có điểm chung giữa Liberty Strategic Capital và ByteDance. Quỹ SoftBank Vision của tỷ phú Son Masayoshi đã đầu tư vào ByteDance vào năm 2018 và cũng là đối tác với Liberty Strategic Capital.

Dự luật mới đã được chuyển đến Thượng viện Mỹ, nơi tương lai của nó vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông sẽ ký thành luật nếu dự luật được cả hai viện thông qua.

“TikTok nên thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Mỹ. Không đời nào người Trung Quốc lại để một công ty Mỹ sở hữu thứ như thế này ở Trung Quốc”, Steven Mnuchin nói.

Đến nay, một số người giàu có và quyền lực đã trở thành cái tên mua TikTok tiềm năng. Steven Mnuchin là một trong số đó, nhưng kế hoạch của ông đang vấp phải sự hoài nghi.

Thứ nhất, TikTok, với hơn 170 triệu người dùng đang hoạt động ở Mỹ, rất đắt tiền. Theo ước tính, ứng dụng này trị giá 100 tỉ USD, CNN đưa tin.

Hãy nhớ lại chuyện Elon Musk, một trong những người giàu nhất thế giới, từng gặp khó khăn mới huy động được số tiền cần thiết để mua lại Twitter (hiện là X) với mức giá 44 tỉ USD.

Thứ hai, Steven Mnuchin báo hiệu rằng ông có thể vượt qua rào cản của Trung Quốc về cấm xuất khẩu thuật toán công nghệ bằng cách xây dựng lại TikTok từ đầu, tờ The Washington Post đưa tin.

“Ứng dụng này cần được xây dựng lại ở Mỹ, nó cần phải là công nghệ của Mỹ”, Steven Mnuchin tuyên bố.

Nói cách khác, Steven Mnuchin muốn mua TikTok mà không có thuật toán cung cấp nội dung phù hợp cho người dùng (được phát triển ở Trung Quốc). Đây là thành phần chính khiến ứng dụng này trở nên có giá trị và gây nghiện. Một số người tỏ ra hoài nghi về đề xuất này.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói với các nhà đầu tư tiềm năng rằng việc mua TikTok mà không có thuật toán của nó có thể khiến giá ứng dụng này rẻ hơn, hai nguồn tin tiết lộ với The Washington Post. Tuy nhiên, chính những gì ẩn sâu bên trong đã khiến TikTok thành công đến vậy và có thể thu hút hơn 1 tỉ người dùng toàn cầu.

Matt Perault, giáo sư tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) và cựu giám đốc nhóm chính sách công của Facebook, nói rằng nhiều công ty công nghệ mong muốn xây dựng được một thuật toán như TikTok.

Matt Perault chia sẻ với The Washington Post: “Tất cả các công ty lớn nhất đã đổ rất nhiều tiền và nhân tài kỹ thuật vào vấn đề đó nhưng vẫn gặp khó khăn để thực hiện. Nếu Steve Mnuchin nghĩ rằng ông ấy có thể làm được điều đó và thành công ở nơi mà nhiều công ty lớn khác đã gặp khó khăn, thì chúc may mắn”.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ chưa nghiên cứu quá nhiều về cách ông dự định xây dựng lại TikTok. Ông nói với CNBC rằng “rất nhiều việc có thể làm được trong 6 tháng”. Chính xác là những gì hoặc như thế nào thì chưa rõ ràng. Song TikTok, ra mắt quốc tế vào năm 2017, chắc chắn không đạt được vị trí như hiện nay chỉ trong 6 tháng.

“Điều này giống việc xây dựng lại Facebook. Đó là nhiệm vụ ở đây. Nó không thể được thực hiện trong 180 ngày hoặc thậm chí nhiều năm”, một nguồn tin quen thuộc với quan điểm của Steven Mnuchin nói.

cuu-bo-truong-tai-chinh-my-muon-mua-tiktok-ma-khong-co-thuat-toan-giong-xay-dung-lai-facebook.jpg
Một số người hoài nghi với việc Steven Mnuchin đề xuất mua lại TikTok mà không có thuật toán - Ảnh: Internet

Steven Mnuchin từng là Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Trump từng có lập trường muốn cấm TikTok, dẫn đến việc ByteDance đạt được quan hệ đối tác dữ liệu với Oracle. Thế nhưng, ông Trump gần đây đã đảo ngược hướng đi và phản đối lệnh cấm TikTok ở Mỹ.

Ông Trump lập luận rằng lệnh cấm sẽ chỉ làm tăng thêm sức mạnh của Facebook, đối thủ cạnh tranh với TikTok.

“Tôi không muốn làm cho Facebook trở nên to lớn gấp đôi. Nếu bạn cấm TikTok thì Facebook và những công ty khác, nhưng chủ yếu là Facebook, sẽ được hưởng lợi lớn. Và tôi nghĩ Facebook đã rất không trung thực", ông Trump nói với CNBC.

Ông Trump xác nhận gần đây đã gặp Jeff Yass, nhà đầu tư sở hữu công ty Susquehanna International Group có cổ phần tại ByteDance, theo CNBC. Thế nhưng, cựu Tổng thống Mỹ cho biết họ không nói về TikTok.

Ông Trump từng chỉ trích mạnh mẽ Meta Platforms vì bị chặn quyền truy cập Facebook và Instagram. Trước đó, Meta Platforms còn xóa hai bài đăng của ông Trump trong cuộc bạo loạn ở Điện Capitol Mỹ ngày 6.1.2021. Tài khoản Facebook và Instagram của cựu Tổng thống Mỹ được Meta Platforms khôi phục vào tháng 2.2023.

Kevin O'Leary cũng muốn mua TikTok

Ngoài Steven Mnuchin, Kevin O'Leary (Chủ tịch công ty đầu tư O'Leary Ventures và là 1 trong 5 “cá mập” nổi tiếng trên chương trình Shark Tank Mỹ) đang thành lập một tổ chức để mua lại TikTok ở Mỹ, với giá khởi điểm từ 20 - 30 tỉ USD.

“Đây là nền tảng mạng xã hội giải trí và kinh doanh lớn nhất nước Mỹ, vì vậy nó rất được quan tâm và có giá trị lớn”, ông nói.

Chính phủ Trung Quốc sẽ không chịu bán thuật toán của TikTok. “Vì vậy, những gì bạn nhận được nếu mua là thương hiệu TikTok và 170 triệu người dùng mà chẳng có thuật toán”, Kevin O'Leary cho biết.

Người mua tiềm năng sẽ phải xây dựng lại thuật toán bằng công nghệ của Mỹ, đồng thời đóng vai trò là người quản lý để chuyển đổi nền tảng từ Trung Quốc sang Mỹ. Đó chính là nguyên nhân Kevin O'Leary đề xuất giảm số tiền khi mua lại TikTok so với mức 100 tỉ USD.

TikTok đã vận động hành lang mạnh mẽ để chống lại dự luật mới, gồm cả chiến dịch thuyết phục cộng đồng người dùng và qua các video trên nền tảng của mình. Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, đã ngụ ý rằng việc bán công ty không phải là một lựa chọn.

Dù vậy, Kevin O'Leary cho biết có ít nhất 50% khả năng lệnh cấm TikTok sẽ thành hiện thực, buộc ByteDance phải bán hoạt động của TikTok ở Mỹ vào đầu năm 2025, sau cuộc bầu cử Tổng thống nước này. Do đó, ông đang chuẩn bị cho khả năng đó.

Bất kỳ thỏa thuận hay thương vụ thâu tóm nào cũng cần có sự chấp thuận của Nhà Trắng vì liên quan đến an ninh quốc gia. Kevin O'Leary nói ông đã thảo luận vấn đề này với ông Trump (ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa) và dự định gặp Tổng thống Joe Biden.

Kevin O'Leary tiết lộ rằng đang đàm phán với các bên khác quan tâm đến việc tham gia mua lại TikTok. Ông cũng sẽ thu hút các quỹ đầu tư kể từ tháng 4 tới.

"Đây là thương vụ phức tạp nhất từ trước đến nay trong lịch sử mạng xã hội và tôi phải xây dựng một thuật toán mới. Thế nhưng, kiểu mua bán này rất thú vị, tôi thích nó”, triệu phú người Canada tuyên bố.

cuu-bo-truong-tai-chinh-my-muon-mua-tiktok-ma-khong-co-thuat-toan-giong-xay-dung-lai-facebook1.jpg
Kevin O'Leary muốn mua TikTok với giá rẻ hơn vì không có thuật toán - Ảnh: CNBC

Chỉ riêng ở Mỹ, với 170 triệu người dùng, TikTok đã có thể được định giá khoảng 100 tỉ USD, theo nhà phân tích Dan Ives của hãng Wedbush.

Với mức giá 100 tỉ USD thì rất ít công ty có đủ khả năng mua đứt TikTok. Trong khi đó, những hãng công nghệ lớn có đủ tiềm lực như Meta Platforms, Alphabet (công ty mẹ Google), Microsoft, Amazon lại gặp phải rào cản pháp lý nếu mua lại TikTok.

"Ai sẽ mua nó? Đây là câu hỏi quan trọng. Nếu đó là Amazon, Microsoft, Google hoặc Meta, chống độc quyền là vấn đề nổi cộm”, Gene Kimmelman, cựu quan chức cơ quan chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, nói.

Meta Platforms đã sở hữu Facebook và Instagram, còn Alphabet có YouTube - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với TikTok. Microsoft không có nền tảng mạng xã hội riêng, nhưng mối quan hệ của hãng với OpenAI bị các nhà làm luật Mỹ theo dõi gắt gao. Microsoft hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI, công ty tạo ra chatbot ChatGPT và mô hình AI chuyển văn bản thành video Sora.

Bài liên quan
Ông Trump: TikTok là mối đe dọa nhưng lệnh cấm sẽ chỉ làm tăng sức mạnh của Facebook
Ông Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, hôm 11.3 cho biết TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia nhưng nói rằng lệnh cấm với ứng dụng video ngắn phổ biến này sẽ gây tổn hại cho một số trẻ nhỏ và chỉ làm tăng sức mạnh của Facebook mà ông từng chỉ trích mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
42 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ muốn mua TikTok không có thuật toán: ‘Giống xây dựng lại Facebook’