Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vassily Nebenzia, đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc Triều Tiên cử quân hỗ trợ Nga trong xung đột tại Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30.10, ông Nebenzia cho rằng các thông tin này không có cơ sở xác thực và chỉ nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi các vấn đề thực sự đang đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế.
Đại sứ Nga khẳng định mọi hoạt động hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng trong lĩnh vực quân sự và các lĩnh vực khác đều tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế; đồng thời đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, ông Song Kim, cũng tuyên bố rằng Triều Tiên "sẽ cân nhắc các biện pháp cần thiết" nếu những nỗ lực của phương Tây gây ra đe dọa đối với chủ quyền và an ninh cho Nga.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 21.10 của Ủy ban thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đại diện Triều Tiên đã phủ nhận việc đưa quân đến hỗ trợ chiến dịch của Nga ở Ukraine, gọi các cáo buộc từ phía Hàn Quốc là "tin đồn vô căn cứ". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đã khẳng định thông tin Triều Tiên gửi quân tham chiến tại Ukraine là không chính xác.
Mặc dù Triều Tiên ít khi tiến hành các hoạt động quân sự ở nước ngoà, tuy nhiên, nước này từng cử kỹ thuật viên quân sự tới Syria vào năm 2016 để hỗ trợ vận hành một số nhà máy tên lửa tại các khu vực như Barzah, Adra và Hama. Điều này cho thấy khả năng hợp tác quân sự trong khuôn khổ hợp pháp vẫn là một phần trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên.
Nga và Triều Tiên đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng vào tháng 6 năm nay, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng. Theo thỏa thuận này, hai bên cam kết hỗ trợ lẫn nhau khi một bên lâm vào tình trạng chiến tranh do bị nước ngoài tấn công. Tuy nhiên, đến nay, cả Moscow và Bình Nhưỡng đều chưa công khai các hoạt động quân sự cụ thể trong khuôn khổ hợp tác này.
Nga luôn bảo vệ lập trường của mình khi nhận sự hỗ trợ từ các đồng minh như Triều Tiên, Iran hay các quốc gia khác là hoàn toàn hợp pháp. Moscow nhấn mạnh rằng mối quan hệ hợp tác này không chỉ là sự đồng lòng giữa các quốc gia có chung lợi ích chiến lược, mà còn tuân thủ các quy tắc và thỏa thuận song phương. Từ góc nhìn của Moscow, Mỹ và phương Tây đang áp đặt một "tiêu chuẩn kép", khi cho rằng chỉ có phương Tây mới có quyền can thiệp vào xung đột bằng cách cung cấp viện trợ quân sự, trong khi các đồng minh của Nga lại bị chỉ trích nếu làm điều tương tự.
Trong khi đó, phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia châu Âu, lý giải rằng việc hỗ trợ Ukraine nhằm mục đích giúp Ukraine tự vệ trước Nga. Trong bối cảnh này, việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine được coi là hỗ trợ quốc phòng hợp pháp, dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và quyền tự vệ được Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận.