Châu Âu có nguy cơ đối mặt đại dịch cúm song song với COVID-19.

Đang bị COVID-19 tàn phá, châu Âu có nguy cơ hứng chịu đại dịch khác

Sơn Vân | 17/01/2022, 20:10

Châu Âu có nguy cơ đối mặt đại dịch cúm song song với COVID-19.

Cúm đã quay trở lại châu Âu với tốc độ nhanh hơn dự kiến ​​ở mùa đông năm nay sau khi gần như biến mất vào năm 2021. Điều này làm dấy lên lo ngại về hai đại dịch song song trong bối cảnh một số người nghi ngờ về hiệu quả của vắc xin phòng cúm.

Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), việc phong tỏa, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đã trở thành tiêu chuẩn ở châu Âu trong thời gian đại dịch COVID-19 dẫn đến đánh bật dịch cúm vào mùa đông năm ngoái, tạm thời tránh được một loại vi rút giết chết khoảng 650.000 người toàn cầu mỗi năm.

Thế nhưng, điều đó hiện đã thay đổi khi các quốc gia áp dụng các biện pháp ít nghiêm ngặt hơn để chống lại COVID-19 do tỷ lệ tiêm vắc xin cao.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), kể từ giữa tháng 12.2021, vi rút cúm đã lưu hành ở khu vực này với tỷ lệ cao hơn dự kiến.

Dữ liệu của ECDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, vào tháng 12.2021, số ca mắc cúm tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở châu Âu (ICU) đã tăng đều đặn lên mức cao nhất là 43 vào tuần cuối cùng năm 2021.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch COVID-19, chẳng hạn số ca cúm hàng tuần ở ICU đạt đỉnh điểm hơn 400 vào cùng kỳ năm 2018. Thế nhưng, đây là sự gia tăng lớn so với năm ngoái, khi chỉ có 1 ca bệnh cúm ở ICU trong cả tháng 12.

Pasi Penttinen, chuyên gia hàng đầu của ECDC về bệnh cúm, nói với Reuters rằng vi rút trở lại có thể là sự khởi đầu một mùa cúm kéo dài bất thường tới tận mùa hè.

Ông nhận xét: “Nếu chúng ta bắt đầu dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế, mối quan tâm lớn nhất của tôi với bệnh cúm là nó có thể chuyển khỏi các mô hình theo mùa thông thường vì đã có một thời gian dài hầu như không lưu hành trong người dân châu Âu”.

Pasi Penttinen nói việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào mùa xuân có thể kéo dài sự lưu hành bệnh cúm vượt xa thời điểm bình thường của mùa dịch ở châu Âu đến tháng 5.

ECDC cho biết trong báo cáo của mình là một "đại dịch cúm" nữa có thể gây áp lực quá mức lên các hệ thống y tế vốn đã quá căng thẳng vì COVID-19, đặc biệt là khi biến thể Omicron lây lan quá nhanh.

dang-bi-covid-19-tan-pha-chau-au-co-nguy-co-hung-chiu-dai-dich-khac.jpg
Bác sĩ tiêm vắc xin cúm cho một bệnh nhân trong khuôn khổ chiến dịch tiêm phòng cúm theo mùa ở Gouzeaucourt, tỉnh Nord, Pháp - Ảnh: Reuters

Tại Pháp, 3 khu vực bao gồm cả Paris, đang phải đối mặt với dịch cúm, theo số liệu được Bộ Y tế nước này công bố vào tuần trước. Những nơi khác đang trong giai đoạn tiền dịch cúm. Mùa này, Pháp đã ghi nhận 72 ca mắc cúm nghiêm trọng, với 6 trường hợp tử vong.

Vấn đề phức tạp hơn nữa, chủng cúm chủ đạo lưu hành trong năm 2022 đến nay dường như là A/H3, thường gây ra các trường hợp nghiêm trọng nhất ở người cao tuổi.

Pasi Penttinen cho biết còn quá sớm để đưa ra đánh giá cuối cùng về vắc xin cúm vì cần có một số lượng lớn hơn người bị bệnh để phân tích trong thế giới thực. Thế nhưng, các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy các loại vắc xin có sẵn năm nay "không phải là tối ưu" để chống lại A/H3.

Nguyên nhân phần lớn do có rất ít hoặc không có vi rút cúm lưu hành khi thành phần vắc xin được quyết định vào năm ngoái, khiến các nhà sản xuất khó dự đoán chủng nào sẽ chiếm ưu thế trong mùa cúm sắp tới.

Vaccines Europe, nhóm đại diện cho các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu trong khu vực châu Âu, thừa nhận việc lựa chọn chủng vi rút gặp nhiều khó khăn hơn do lưu hành bệnh cúm rất thấp vào năm ngoái, nhưng nói thêm rằng vẫn chưa có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả của mũi tiêm trong mùa này.

Vắc xin phòng cúm được điều chỉnh hàng năm để có thể hiệu quả nhất chống lại các loại vi rút cúm luôn thay đổi. Thành phần của vắc xin phòng cúm được quyết định 6 tháng trước khi mùa cúm bắt đầu, dựa trên sự lưu thông của vi rút ở bán cầu đối diện. Điều đó cho phép các nhà sản xuất thuốc có thời gian để phát triển và sản xuất vắc xin phòng cúm.

Dữ liệu toàn châu Âu về việc sử dụng vắc xin phòng cúm vẫn chưa có sẵn. Song, các số liệu từ Pháp cho thấy mức độ bao phủ vắc xin cúm không rộng như các nhà chức trách hy vọng.

Các nhà chức trách ở Pháp đã kéo dài thời gian tiêm phòng cúm thêm một tháng đến cuối tháng 2.2022. Theo số liệu được công bố vào tuần trước, đến nay đã có 12 triệu người ở Pháp tiêm vắc xin phòng cúm, chiếm khoảng 45% dân số mục tiêu.

Bộ Y tế Pháp cho biết: "Vẫn còn một khoảng trống lớn để cải thiện nhằm hạn chế tác động của dịch cúm". Mục tiêu của năm nay của Pháp là tiêm vắc xin cúm cho 75% số người có nguy cơ.

Vaccines Europe cho hay ngành công nghiệp vắc xin đã cung cấp một số lượng lớn mũi tiêm phòng cúm, bất chấp sự căng thẳng với các cơ sở sản xuất do đại dịch COVID-19 gây ra.

Bài liên quan
WHO: Dịch bệnh dễ lây lan hơn COVID-19, lao, cúm có nguy cơ bùng phát vì 22 triệu trẻ không được tiêm vắc xin
Sởi là một trong những bệnh dễ lây lan nhất, thậm chí hơn cả dịch COVID-19, Ebola, lao và cúm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đang bị COVID-19 tàn phá, châu Âu có nguy cơ hứng chịu đại dịch khác