Nói đạo diễn Long Vân là người nhiều duyên nợ với Sài Gòn thật không ngoa chút nào. Trong cuộc đời làm phim của mình, những bộ phim lớn để lại dấu ấn đậm nét nhất của ông đều có hai chữ Sài Gòn như: “Biệt động Sài Gòn”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Giải phóng Sài Gòn” và sau này với vai trò cố vấn của phim truyền hình dài tập “Những đứa con biệt động Sài Gòn”.

Đạo diễn Long Vân: Duyên nợ với Sài Gòn

30/04/2016, 06:52

Nói đạo diễn Long Vân là người nhiều duyên nợ với Sài Gòn thật không ngoa chút nào. Trong cuộc đời làm phim của mình, những bộ phim lớn để lại dấu ấn đậm nét nhất của ông đều có hai chữ Sài Gòn như: “Biệt động Sài Gòn”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Giải phóng Sài Gòn” và sau này với vai trò cố vấn của phim truyền hình dài tập “Những đứa con biệt động Sài Gòn”.

Đạo diễn Long Vân đã bước sang tuổi 83. Mấy năm nay sức khỏe ông không được tốt. Bình phục sau một cơn tai biến, trong một lần đi làm phim cách đây mấy năm ông lại bị một chiếc taxi tông gẫy chân khi… đang đứng trên vỉa hè! Thế là từ đó đến nay, cuộc sống của ông cứ quanh quẩn trên căn gác hẹp của ngôi nhà mặt tiền trên phố Nguyễn Thái Học, không đi lại được loăng quăng nhiều như trước.

Khi còn khỏe mạnh, sáng chiều nào ông cũng ra Công viên Thống Nhất đi dạo, làm vài ván cờ với người bạn già hoặc cánh thanh niên háo thắng thì về nhà ăn cơm mới cảm thấy ngon miệng. Quanh quẩn ở nhà cũng buồn, nhưng dạo này vị đạo diễn từng xông pha phim trường khắp trong Nam ngoài Bắc đang bị bà xã cũng là một nghệ sĩ trong quân đội “quản chế”.

Nghệ sĩ Kim Cương bảo rằng: “Ông cứ đi lang thang về đau ốm lại chỉ khổ bà già này thôi chứ có ai gánh cho đâu. Ông đã đi suốt 50 năm tuổi trẻ rồi, lúc hào hoa phong nhã thì tôi chả biết đấy là đâu, giờ lẩy bẩy ngồi đấy thì cái gì cũng đến tay tôi...”.

Mà nghệ sĩ Kim Cương nói như thế cũng chẳng oan cho chồng tẹo nào. Đời nghệ sĩ Kim Cương có lẽ đã nhàn tản nếu “ông Long Vân nhà tôi” - như cách bà đã quen gọi - chịu an phận làm một nhà giáo. Từng theo học lớp sư phạm cùng với những tên tuổi nổi tiếng như GS.TS Nguyễn Lân Dũng, GS Hồ Ngọc Đại..., sau giải phóng Điện Biên từng công tác tại Bộ Giáo dục rồi ra làm thầy giáo nhưng vì yêu điện ảnh nên khi biết Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam chiêu sinh khóa đầu tiên, thầy giáo Long Vân liền đăng ký dự thi và trúng tuyển vào lớp đạo diễn, trở thành bạn học của những đạo diễn lừng danh của điện ảnh Việt Nam sau này như NSND Hải Ninh, NSND Bạch Diệp, NSND Huy Thành...

Theo hồi ức của đạo diễn Long Vân, lúc ấy do lớp diễn viên chủ yếu là nữ mà thiếu nam, Long Vân lại có gương mặt ưa nhìn, dáng điệu thư sinh nên các thầy cô đã đề nghị Long Vân sang học lớp diễn viên. Ban đầu, Long Vân không đồng ý nhưng khi biết hai lớp có khá nhiều môn học chung thì ông cũng gật đầu. Trong quá trình học, ông đã tích cực học thêm các môn của ngành đạo diễn, trở thành học viên duy nhất tốt nghiệp cả hai ngành đạo diễn và diễn viên.

Như chia sẻ của đạo diễn Long Vân, ông cũng có được vài vai diễn song khán giả không có ấn tượng nào đặc biệt. Nếu đem so sánh, có lẽ nói sự nghiệp đạo diễn của ông quá rực rỡ nên người ta chỉ nhớ đến đạo diễn Long Vân với những bộ phim được xếp vào hàng kinh điển của Việt Nam như “Biệt động Sài Gòn”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Người không mang họ”...

Trước khi đến với những bộ phim lừng danh một thời này, đạo diễn Long Vân từng có vài ba bộ phim mang âm hưởng lãng mạn, trữ tình như “Tiếng gọi phía trước” (1979, từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế tại Matxcova), “Nơi gặp gỡ của tình yêu” và “Cho cả ngày mai”.

Nhưng ông chỉ thực sự làm nên điều bất ngờ đến sửng sốt với khán giả và nhiều bạn đồng nghiệp khi lần lượt cho ra đời các phần của “Biệt động Sài Gòn”. Nhiều người nói rằng, chỉ riêng với “Biệt động Sài Gòn” (gồm 4 tập có tên lần lượt là: “Điểm hẹn”, “Tĩnh lặng”, “Cơn giông”, “Trả lại tên cho em”) - bộ phim truyện điện ảnh màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam - đạo diễn Long Vân đã xứng đáng được phong danh hiệu... NSND.

Từng cảnh quay, từng cử chỉ, biểu hiện tâm lý, tình cảm của nhân vật đều được ông chăm chút kỹ lưỡng đến ám ảnh. Long Vân là một đạo diễn rất kỹ tính và luôn đầy ắp ý tưởng. Các bạn nghề một thuở của ông nói rằng, lúc nào cũng thấy ông như đang đang tư duy, đang trăn trở cho một cảnh nào đó trong phim và ông không bao giờ hài lòng với chính mình mà luôn nghĩ rằng: “Đáng lẽ mình phải làm thế này. Đáng lẽ phải làm tốt hơn...”.

“Biệt động Sài Gòn”, bộ phim được xếp vào hàng kinh điển của Việt Nam.

Cho đến tận bây giờ, những diễn viên được ông tuyển chọn vô cùng khắt khe để vào các vai chính trong phim “Biệt động Sài Gòn” đều trở thành những vai diễn “đóng đinh” trong lòng khán giả như NSƯT Thanh Loan với vai ni cô Huyền Trang, NSƯT Quang Thái trong vai Tư Chung, NSƯT Hà Xuyên vai Ngọc Mai, nghệ sĩ Thương Tín trong vai Sáu Tâm...

Ngày ấy, khó có con số thống kê cụ thể, song khán giả đến rạp mua vé lên đến hàng triệu lượt, đông đúc chen nhau đến bung cả cửa, đổ cả tường. Những năm 80 của thế kỷ trước, việc làm một bộ phim truyện nhựa cực kì vất vả, nhất là khi đây là bộ phim truyện nhựa màu đầu tiên, nên việc in tráng rất khó khăn, mất nhiều thời gian mày mò, rút kinh nghiệm: cứ quay được một số phân đoạn lại phải có người mang ra Hà Nội để in tráng, xem kết quả thế nào rồi mới lại tiếp tục quay những cảnh mới, còn nếu chưa được phải làm lại. Vì thế, thời gian sản xuất mỗi tập phim thường lên tới hơn 1 năm.

Do việc đi lại khi xưa còn khó khăn nên trong suốt thời gian ấy, hầu như đạo diễn Long Vân ở trong Nam với đoàn làm phim, lăn lộn đêm ngày trên trường quay, chẳng mấy khi có thời gian ngó ngàng đến vợ con ở Hà Nội. Có nhiều lần, vợ ông sốt ruột quá, phải cùng con gái khăn gói vào thăm chồng. Rồi cả những phim sau này, đạo diễn Long Vân cũng thường “đi biệt” hàng tháng trời mới về đến nhà.

Đó cũng chính là lý do khiến nghệ sĩ Kim Cương - người bạn đời của đạo diễn Long Vân - đã nhiều lần nói dỗi rằng: “Ông ấy yêu phim hơn vợ con. Có bao nhiêu sức khỏe, tài năng thì cống hiến hết cho phim, cho ảnh, cho nghệ thuật. Đến lúc còn cái thân tàn thì bà già này lại phải cáng đáng hết mà thôi...”.

Và đúng là như vậy, khi ông làm gần xong bộ phim truyện lịch sử “Giải phóng Sài Gòn” do làm việc quá sức ông đã ngã bệnh, tưởng chừng không qua khỏi. Nghệ sĩ Kim Cương đã phải cùng con gái vất vả chăm sóc, chạy chữa tứ phương mất mấy năm ông mới dần bình phục. Đến khi khỏe lại, ông không chịu ngồi yên, cứ nhấp nhổm với những dự án phim ảnh mới. Nhận được lời mời đi làm phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn”, ông đã vô cùng hào hứng, thấy mình như trẻ, khỏe ra và niềm đam mê phim ảnh lại một lần nữa sống dậy.

Nhưng “cái họa” lại đến với ông một lần nữa khi trong quá trình đi làm phim ở Sài Gòn, ông không may gặp tai nạn gẫy chân. Thế là từ đó, vợ con ông cũng chẳng cần phải cấm đoán, ông cũng không thể vi vu như xưa nữa. Nhưng hễ cứ có người hỏi về phim ảnh, gương mặt hiền hậu của ông lại sáng lên thứ ánh sáng của niềm đam mê đã bị năm tháng tuổi già phủ mờ.

Cuộc đời ông đầy những duyên nợ với Sài Gòn: danh tiếng và sự yêu mến của khán giả dành cho ông là bởi những bộ phim có gắn với hai chữ “Sài Gòn” nhưng cũng hai lần ông bị ốm nặng đến thập tử nhất sinh cũng đều vì đi làm phim về Sài Gòn, ở Sài Gòn.

Cho đến hôm nay, không nói đến thế hệ “hậu sinh”, thì nói đến “Biệt động Sài Gòn” hầu như ai cũng biết. Nhiều người nói rằng, họ đã từng xem đi xem lại nhiều lần “Biệt động Sài Gòn” mà không chán vì cả câu chuyện phim cũng như ngôn ngữ điện ảnh đều rất hấp dẫn và đẹp. Và đây cũng là bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam luôn hút khách trong suốt hơn 30 năm qua...

Ước tính đến năm 2015, “Biệt động Sài Gòn” đã có khoảng trên 10 triệu lượt khán giả xem trên màn ảnh rộng, đó là chưa kể qua các kênh phát hành khác như DVD, sóng truyền hình, internet... Long Vân cũng là một đạo diễn hiếm hoi chưa bao giờ lên tiếng phàn nàn về việc không trở thành NSƯT - NSND.

Ông tâm sự: “Với tôi, danh hiệu chưa bao giờ là điều khiến tôi băn khoăn. Tôi cho rằng, chỉ cần khán giả xem phim và nhớ đến cái tên của tôi - đạo diễn Long Vân - đó mới là điều hạnh phúc. Theo tôi, danh hiệu cao quý nhất của nghệ sĩ phải được trao từ phía khán giả, là cái tên mình được in dấu trong lòng khán giả!”. Có lẽ, chính vì thế mà đã qua rất nhiều đợt xét tặng danh hiệu, ông từ chối mọi lời động viên của bạn bè, đồng nghiệp.

Kiên quyết không làm đơn xét tặng danh hiệu, thậm chí có người ngỏ ý làm giúp ông cũng không đồng ý. Nhiều người bảo Long Vân gàn, không trở thành NSƯT hay NSND thì nhiều thiệt thòi lắm. Nhưng đó chính là cá tính của đạo diễn Long Vân - một nghệ sĩ đích thực với ý nghĩa đầy đủ, cao quý của hai từ này.

Nguyệt Hà - Công An Nhân Dân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đạo diễn Long Vân: Duyên nợ với Sài Gòn