Ngày 2.5, Bộ Kế hoạch và đầu tư có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Xây dựng- Sở hữu – Kinh doanh).
Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng – Việt Trì và Hà Nội – Lạch Giang. Ngoài ra có thể cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỉ Kwh/năm.
Công trình này do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất với kinh phí lên tới 24.510 tỉ đồng.
Điểm đặc biệt trong Dự án này là việc xây dựng thủy điện, tạo điều kiện phát triển dân sinh, kinh tế, du lịch, thủy lợi, thủy sản vùng trung du miền núi phía Bắc; hai thác tổng hợp chống cạn kiệt nguồn nước; kết hợp bảo vệ chống xói lởđường bộ, đường sắt ven sông. Trong đó, mục tiêu số 1 là phát triển và thay đổi bộ mặt giao thông.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tua bin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.
Trong tổng kinh phí, có 30% do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại. Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì – Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 đồng – 45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/Kwh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/Kwh)… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn Dự án trong vòng 25 năm.
Trong buổi làm việc của chủ đầu tư với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhậtvào tháng 11.2015, nhà đầu tư này đề nghị được miễn 4 loại thuế gồm: thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên nước, thuế dịch vụ môi trường rừng, thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ số bậc thang thủy điện cũng như những ưu đãi để Dự án khả thi, mang lại lợi ích xã hội thực sự và đặc biệt là đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của giao thông đường thủy tại khu vực.
Nếu triển khai thành công, Dự án sẽ mở ra 1 tuyến vận tải hàng hóa chi phí thấp, tiện lợi với khối lượng lớn đủ sức thay đổi diện mạo giao thông khu vực phía Bắc.
Theo tính toán của đề xuất dự án, các lợi ích của dự án ước tính khoảng 2.700 tỉ đồng/năm, bao gồm: tiết kiệm chi phí vận tải hàng hóa đường bộ khoảng 600-750 tỉ đồng/năm; góp phần làm tăng GDP các tỉnh trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của Dự án (khoảng 5% GDP), lượng hóa khoảng 2.100 tỉ đồng/năm.
Trí Lâm