Điện Kremlin ngày 27.6 đã phản bác thông tin cho rằng Nga vỡ nợ nước ngoài, cho rằng đây là tuyên bố vô căn cứ, bởi việc thanh toán đã được thực hiện vào tháng 5.2022.
Bloomberg đưa tin, Nga đã vỡ nợ nước ngoài khi không thanh toán khoản tiền lãi 100 triệu USD trái phiếu nước ngoài đến hạn vào đêm 26.6.
Khi tình trạng này xảy ra, các điều khoản quy định tất cả trái phiếu nước ngoài khác của Nga cũng rơi vào tình trạng vỡ nợ, và các trái chủ sẽ nhờ tòa án can thiệp để yêu cầu thanh toán. Trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Nga có khoảng 640 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, hầu hết được đặt ở nước ngoài và khoảng 300 tỉ USD đang bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt. Hệ quả là các chính quyền phương Tây có thể vin vào việc Nga vỡ nợ để dùng tòa án xử lý tài sản của Nga ở nước ngoài.
Trước thông tin Nga vỡ nợ, người phát ngôn điện Kremlin Dimitry Peskov cho biết: “Những cáo buộc về việc vỡ nợ là hoàn toàn không có cơ sở, bởi vì vào tháng 5, việc thanh toán bắt buộc bằng tiền tệ đã được thực hiện và việc Công ty thanh toán quốc tế Euroclear giữ lại số tiền này hoặc không giao cho người nhận không còn là vấn đề của chúng tôi".
Điện Kremlin không đồng tình với cách giải thích về những gì đang xảy ra. Moscow nhiều lần phản đối việc sử dụng thuật ngữ “vỡ nợ”. Giới chức Nga khẳng định, họ có đủ nguồn lực tài chính để chi trả bất cứ khoản nợ nào, nhưng không thể thanh toán do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov từng giải thích: “Nga cố gắng một cách thiện chí để thanh toán cho các chủ nợ. Tuy nhiên, chính sách có chủ đích của phương Tây là gây ra một cuộc vỡ nợ nhân tạo bằng mọi cách”
Bộ Tài chính Nga cũng cho biết, Nga đã chỉ đạo các quỹ thực hiện thanh toán trước trái phiếu Eurobond nhưng người thụ hưởng chưa nhận được tiền do hành động của các trung gian tài chính nước ngoài và sự kiện này không thể coi là sự cố vỡ nợ.