Khoảng 60 công ty Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng và thành phố thông minh cùng với đại diện TLSQ Mỹ tại TP.HCM, UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành liên quan đã quy tụ về Khu Công nghệ cao TP.HCM để thảo luận về giải pháp năng lượng sạch và đô thị thông minh.

Điện mặt trời: Nhiều nhà đầu tư muốn có cơ chế bán điện trực tiếp

CTV Kim Vân | 21/04/2017, 14:30

Khoảng 60 công ty Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng và thành phố thông minh cùng với đại diện TLSQ Mỹ tại TP.HCM, UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành liên quan đã quy tụ về Khu Công nghệ cao TP.HCM để thảo luận về giải pháp năng lượng sạch và đô thị thông minh.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có khoảng 300 ngày nắng/năm, tính trung bình mỗi ngày 5 giờ nắng. Đây là một nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ để khai thác điện, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng gấp 3 lần vào năm 2030, mức tăng vượt trội hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

Thêm vào đó, trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất của Hoa Kỳ) thì có đến 1/3 số công ty đã cam kết sử dụng năng lượng tái tạo như là hình thức đóng góp vào các hoạt động xã hội, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.

Các tập đoàn toàn cầu đều mong có cơ chế mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam

Theo ông Đỗ Đức Tường, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đây là nguồn động lực đáng kể để các nhà đầu tư quan tâm hơn đến năng lượng sạch. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ ra những thách thức khiến sản xuất điện sạch tại Việt Nam chưa thu hút được các nhà đầu tư: “Việt Nam có nhiều tiềm năng cho năng lượng tái tạo nhưng lại chưa thu hút được nhiều đầu tư, do còn nhiều thách thức như chưa có ưu đãi về mặt thuế quan, rồi thách thức từ EVN và thách thức từ các chính sách chung”, ông Tường nhận định.

Tuy không nói thẳng ra nhưng ai cũng hiểu thách thức mà ông đề cập đến chính là cơ chế mua điện. Tại Việt Nam, cơ chế mua điện là gián tiếp, các nhà sản xuất điện đều phải bán cho EVN theo một mức giá do công ty này đặt ra để được hòa vào lưới điện quốc gia. Điều này đã gặp phải không biết bao nhiêu lời phàn nàn từ các nhà đầu tư điện gió, điện sinh khối hay điện mặt trời do giá mua không được như kỳ vọng.

Tại buổi hội thảo, các diễn giả đã đề cập đến giải pháp mua bán điện trực tiếp, tức là tải thẳng điện sản xuất lên mạng lưới để bán trực tiếp cho khách hàng, nhằm tạo động lực cho các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn vào các dự án khai thác năng lượng tái tạo, đặc biệt là từ mặt trời. Các tập đoàn lớn như Intel, Coca Cola, Nike, Dragon Capital… đều ủng hộ đề xuất này.

Theo ông Sanket Ray, đại diện Coca Cola, tỉ lệ mua bán điện trực tiếp tại Mỹ hiện là 60% nên ngay cả những người tiêu dùng cũng hào hứng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái sinh, dùng không hết có thể bán lại cho người khác theo mức giá thỏa thuận. Khi đó, quan hệ sản xuất – tiêu dùng sẽ là quan hệ qua lại chứ không còn là một chiều như hiện nay.

USAID lấy ví dụ vào năm 2015, Apple tại Singapore đã mua điện trực tiếp và đây là điều mà cơ quan này mong muốn được thấy tại Việt Nam.

“Hiện nay chúng tôi đang triển khai chương trình phát thải năng lượng thấp tại Việt Nam với Bộ Công Thương để có các chính sách phù hợp hơn cho năng lượng mới, trong đó có thảo luận về việc mua bán điện trực tiếp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải cộng tác với các công ty xây dựng, tích hợp đặc điểm kỹ thuật vào các tòa nhà mới xây để có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mới này”, ông Tường nói.

Các chuyên gia nhận định, việc áp dụng mạng lưới điện thông minh ngay từ bây giờ sẽ là bước đi đầu tiên để phát triển một đô thị thông minh như Singapore, dựa trên nền tảng của Internet of things trong tương lai không xa.

Kim Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện mặt trời: Nhiều nhà đầu tư muốn có cơ chế bán điện trực tiếp