Tất nhiên, chúng ta vui với việc Úc vượt qua vòng bảng nhưng thật là buồn nếu các đại diện “xịn” và “gốc” của châu Á phải dừng bước.
World Cup 2022 là giải thứ 2 tổ chức tại châu Á. Tại giải đầu tiên cách đây 20 năm trên đất Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai nước đồng chủ nhà đều thi đấu thành công. Trong khi Nhật lọt vào vòng 1/8 thì Hàn Quốc bứt xa đến tận bán kết.
Nhưng tại World Cup lần này, kết cục u ám cho bóng đá châu Á là điều có thể dễ dàng trông thấy trước. Chủ nhà Qatar là nỗi thất vọng lớn khi là chủ nhà đầu tiên để thua trận khai mạc, là chủ nhà đầu tiên không kiếm nổi điểm nào và tất nhiên bị loại.
Hai đội bóng Tây Á được kỳ vọng sẽ vượt vòng bảng nhờ điểm số thuận lợi, nhận được sự cổ vũ của nhiều khán giả nhà, rồi quen thuộc điều kiện thời tiết, đã vậy lịch thi đấu nhẹ nhàng ở lượt cuối cũng phải dừng bước: Iran chỉ cần hòa Mỹ là đi tiếp nhưng lại thua 0-1 đầy bế tắc.
Ả Rập Saudi dù thắng ngoạn mục Argentina 2-1 trong trận ra quân nhưng rồi thua liên tiếp 2 trận trước Ba Lan và Mexico. Từ vị trí dẫn đầu bảng sau lượt trận thứ nhất thì Ả Rập Saudi kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 4 đầy thất vọng.
Cho đến lúc này, LĐBĐ châu Á mới có đội duy nhất vượt vòng bảng là Úc. Trong trận cuối cùng gặp Đan Mạch, Úc rơi vào thế buộc phải thắng mới tự quyết tấm vé đi tiếp. Thực tế đã chứng minh như vậy vì nếu Úc mà hòa thì họ sẽ bị loại do trận cùng giờ, Tunisia bất ngờ thắng Pháp 1-0. Nếu Úc không thắng thì họ sẽ chỉ có 4 điểm như Tunisia và sẽ bị loại vì kém hiệu số.
Nhưng cùng lúc Tunisia ghi bàn vào lưới Pháp thì Úc cũng ghi bàn vào lưới Đan Mạch để duy trì ưu thế của mình. Chuyên gia bóng đá Dean Ashton khẳng định: "Úc đã thắng Đan Mạch với một lối chơi kỷ luật. Cả trận chỉ có vỏn vẹn 4 cú sút trúng đích và tận dụng triệt để nó. Họ xứng đáng với việc giành lấy tấm vé vào chơi vòng 1/8".
Đây là lần đầu tiên Úc vượt vòng bảng với tư cách đại diện của AFC. Tại World Cup 2006, Úc cũng vào vòng 1/8 rồi thua Ý trong một trận mà nếu ngày đó có VAR, không biết Ý có vượt qua nổi Úc không. Nhưng khi đó Úc là đại diện của châu Đại dương, thậm chí thế hệ của Harry Kewell còn đánh bại Nhật tại vòng bảng World Cup 2006 để cùng Brazil đi tiếp.
Nhưng từ sau đó, bóng đá Úc sinh hoạt dưới mái nhà châu Á vì sau khi liên tục thất bại tại vòng play-off tranh vé World Cup 1994, 1998 và 2002, Úc đã xin gia nhập LĐBĐ châu Á để có cơ hội tranh vé trực tiếp dự World Cup. Nếu ở lại châu Đại dương thì đội dẫn đầu khu vực cũng chỉ phải đá play-off tranh vé vớt với các khu vực khác.
Tính toán của người Úc rất hiệu quả khi họ liên tục có vé dự World Cup 2010, 2014, 2018 và 2022. Nhưng trong cả 3 lần trước, Úc đều dừng bước ở vòng bảng. Riêng tại 2022, Úc dường như sẽ là đại diện duy nhất trong số 6 đội thành viên của AFC vượt vòng bảng.
Nhưng xét ở góc độ nào đó, Úc với những cầu thủ da trắng, tóc vàng thi đấu ở làng bóng đá châu Á vẫn như một cầu thủ nhập tịch. Không nói đến các tổ chức kinh tế, xã hội mà ngay trong lĩnh vực thể thao thì cũng chỉ có duy nhất bóng đá là Úc sinh hoạt với châu Á. Bởi vậy, Asian Games không có sự xuất hiện của đoàn thể thao Úc.
Tất nhiên, chúng ta vui với việc Úc vượt qua vòng bảng nhưng thật là buồn nếu các đại diện “xịn” và “gốc” của châu Á phải dừng bước. Lúc này, cơ hội vẫn còn cho Nhật và Hàn Quốc. Riêng Hàn Quốc thì quyền tự quyết không còn trong tay vì ngay cả thắng Bồ Đào Nha cũng chưa đủ để họ đi tiếp.
Giờ đây tất cả niềm hy vọng lại phải đặt vào Nhật vì chỉ cần thắng tối nay là đội bóng xứ Mặt trời sẽ tự quyết vé đi tiếp. Chỉ có điều đối thủ là Tây Ban Nha quá mạnh.
Liệu Nhật có tạo nổi động đất nào nữa không hay bóng đá châu Á chỉ có 1 đại diện vượt qua được vòng bảng, nhưng đó lại là 1 đội: nhập tịch?