Tôi buồn cho Qatar, nhưng đó là nỗi buồn khi xem bóng đá, nó sẽ qua mau. Tôi cũng chỉ mong đội Qatar cũng quên mau nỗi buồn này, lại trở về với những công việc tập luyện hàng ngày, chuẩn bị những trận đấu, dù là giao hữu hay đấu giải, sắp tới.

Qatar: Đường còn xa không ngại chông gai

Nhà thơ Thanh Thảo | 30/11/2022, 08:01

Tôi buồn cho Qatar, nhưng đó là nỗi buồn khi xem bóng đá, nó sẽ qua mau. Tôi cũng chỉ mong đội Qatar cũng quên mau nỗi buồn này, lại trở về với những công việc tập luyện hàng ngày, chuẩn bị những trận đấu, dù là giao hữu hay đấu giải, sắp tới.

Bóng đá sòng phẳng, nhưng tận bên trong, nó biết tôn trọng. Với những đội bóng thua cuộc, không ai nỡ quá lời. Vì thua một cuộc không phải, không bao giờ là thua suốt đời. Qatar sẽ nhanh chóng trở lại với sự lạc quan bình dị, và quan trọng nhất, là qua trải nghiệm World Cup ngay trên nhà, họ sẽ nghiêm túc rút ra bao nhiêu là bài học.

Người ta hay nói, bóng đá cũng là một kiểu tư duy, tư duy thực tế, tư duy không gian, tư duy chiếm lĩnh, tư duy bảo vệ, và cuối cùng, tư duy chiến thắng. Những kiểu tư duy ấy thấm sâu hơn một khi người ta thua cuộc, chứ không phải thắng cuộc. Nhiều đội bóng, vô địch xong rồi rớt hạng, thì sao nhỉ? Chỉ vì thắng lợi nhiều khi có khả năng ru ngủ rất cao, tạo những giấc mơ nhân tạo rất dài, nếu đội bóng thắng cuộc không biết rút nhanh bài học từ những trải nghiệm của mình.

Với Qatar, đó là những trải nghiệm của người thua cuộc. Không phải thua vì mình chủ quan hay vì những yếu tố bên ngoài, mình thua vì chính mình còn yếu. Người ta hay khuyên: Còn yếu thì đừng ra gió. Nhưng nếu không ra gió, thì biết bao giờ mới thoát yếu ?

Gió mạnh chính là thử thách, và chính là người thầy thuốc sẽ giúp mình khỏe mạnh, nếu mình biết cách đối đầu với gió, và tìm cách để với thời gian trở nên quen với gió, rồi mạnh hơn gió.

Tôi nhận thấy, trong trận đấu với Hà Lan để chia tay World Cup, Qatar đã chơi hết mình, và chính ở đó, họ để lộ ra những điểm yếu về tư duy khoảng trống. Một khi phản công, thì không chỉ cầu thủ dẫn bóng xông lên, mà có những đồng đội của mình lao lên chiếm lĩnh khoảng trống, sẵn sàng nhận bóng, sẵn sàng tiếp ứng cho đồng đội, kể cả sẵn sàng ghi bàn nếu bóng đến chân mình. Tư duy khoảng trống là một kiểu tư duy đặc thù của bóng đá, nhưng trong cuộc sống, nó cũng giúp ta những kỹ năng tìm cơ hội, xử lý với cơ hội.

Tôi nghĩ, cầu thủ Qatar không thiếu tố chất, họ chỉ còn thiếu một số tư duy đặc thù của bóng đá, cái này qua thời gian, với một HLV giỏi, cầu thủ sẽ sở đắc được những điều cần thiết ấy để cả đội bóng cùng lớn lên. Những trải nghiệm trong bóng đá, dù trải nghiệm từ những trận thua, vẫn vô cùng hữu ích và cần thiết cho cầu thủ, cho cả đội bóng, cho cả HLV nữa. Có thể trong trận gặp Hà Lan, đội bóng Da Cam chưa đá hết mình, nhưng qua cách họ chơi bóng, Qatar vẫn có thể học từ họ nhiều điều.

Qatar sẽ vươn lên ở khoảng thời gian 2 World Cup nữa, nếu họ biết kiên trì. Trong vòng 10 năm mà vượt lên thành một đối thủ đáng nể của châu lục, đã là thành công lớn rồi. Châu Á trong World Cup này đã có đột phá, nhưng chưa bền vững. Đẳng cấp là trình độ cao ở mức khá bền vững, chứ không nhất thời. Qatar có đủ thời gian và điều kiện, nhất là điều kiện kinh tế, để vươn lên thành một đội bóng có đẳng cấp ở mức độ châu lục. Từ đó, đường ra thế giới sẽ rộng hơn.

Còn chông gai ư, nếu không gặp chông gai, làm sao nên người, làm sao thành một đội bóng lớn.  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Qatar: Đường còn xa không ngại chông gai