Liên minh châu Âu (EU) có thể trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về pin lithium-ion và pin nhiên liệu vào năm 2030 trừ khi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, theo một tài liệu được chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo EU.

EU có thể phụ thuộc vào pin Trung Quốc giống năng lượng của Nga

Sơn Vân | 18/09/2023, 12:35

Liên minh châu Âu (EU) có thể trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về pin lithium-ion và pin nhiên liệu vào năm 2030 trừ khi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, theo một tài liệu được chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo EU.

Tài liệu mà hãng tin Reuters xem được sẽ là cơ sở thảo luận về an ninh kinh tế châu Âu trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU tại thành phố Granada, Tây Ban Nha vào ngày 5.10 tới.

Lo lắng trước sự quyết đoán trong việc thể hiện quyền lực cũng như sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm giảm nguy cơ châu Âu quá phụ thuộc vào Trung Quốc, cần phải đa dạng hóa hướng về châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Tài liệu cho biết, do tính chất không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hoặc gió, châu Âu sẽ cần các cách lưu trữ năng lượng để đạt được mục tiêu phát thải carbon dioxide (CO2) bằng 0 vào năm 2050.

Điều này sẽ làm tăng vọt nhu cầu của chúng ta về pin lithium-ion, pin nhiên liệu và máy điện phân, dự kiến sẽ tăng từ 10 đến 30 lần trong những năm tới”, trích tài liệu do Tây Ban Nha, Chủ tịch luân phiên EU, soạn thảo.

EU có vị thế vững chắc trong giai đoạn trung gian và lắp ráp để sản xuất máy điện phân, với hơn 50% thị phần toàn cầu. Thế nhưng EU lại phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về pin nhiên liệu và pin lithium-ion rất quan trọng cho ô tô điện.

Nếu không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, hệ sinh thái năng lượng châu Âu có thể phụ thuộc vào Trung Quốc vào năm 2030 với một bản chất khác, nhưng mức độ nghiêm trọng tương tự như phụ thuộc vào Nga trước cuộc tấn công Ukraine”, trích nội dung tài liệu.

Theo Ủy ban châu Âu, vào 2021, một năm trước khi Nga tấn công Ukraine, EU chiếm hơn 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt, 27% lượng dầu nhập khẩu và 46% lượng than nhập khẩu từ Nga.

Việc chấm dứt hầu hết hoạt động mua năng lượng từ Nga đã gây ra cú sốc về giá năng lượng ở EU và lạm phát tiêu dùng gia tăng, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tăng mạnh lãi suất, một động thái làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tài liệu của Tây Ban Nha cho biết pin lithium-ion và pin nhiên liệu không phải là lĩnh vực dễ bị tổn thương duy nhất của EU.

Một kịch bản tương tự có thể xảy ra trong không gian công nghệ kỹ thuật số. Các dự báo cho thấy nhu cầu về các thiết bị kỹ thuật số như cảm biến, máy bay không người lái, máy chủ dữ liệu, thiết bị lưu trữ và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu sẽ tăng mạnh trong thập kỷ này. EU có vị thế tương đối mạnh trong mạng lưới truyền dẫn dữ liệu, nhưng lại bộc lộ những điểm yếu đáng kể trong các lĩnh vực khác”, trích nội dung tài liệu.

Đến năm 2030, sự phụ thuộc vào nước ngoài này có thể cản trở nghiêm trọng việc tăng năng suất mà ngành công nghiệp và dịch vụ châu Âu yêu cầu khẩn cấp, đồng thời có thể cản trở quá trình hiện đại hóa các hệ thống nông nghiệp cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

eu-co-the-phu-thuoc-vao-pin-trung-quoc-giong-nang-luong-cua-nga.jpg
Công nhân tại dây chuyền sản xuất pin lithium-ion cho ô tô điện tại một nhà máy ở thị trấn Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Các công ty châu Âu lo ngại sức mạnh của ô tô điện Trung Quốc

Các công ty châu Âu đang phải cạnh tranh để sản xuất ô tô điện với chi phí thấp hơn và xóa bỏ vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong việc phát triển các mẫu xe giá rẻ, thân thiện với người tiêu dùng hơn. Các giám đốc điều hành của các hãng xe châu Âu cho biết điều này tại triển lãm IAA ở thành phố Munich (Đức) đầu tháng 9.

Luca de Meo, Giám đốc điều hành công ty Renault (Pháp), nói với hãng tin Reuters: “Chúng tôi phải thu hẹp khoảng cách về chi phí với một số hãng ô tô Trung Quốc đã phát triển ô tô điện từ thế hệ trước”.

Theo Luca de Meo, như một phần trong nỗ lực của Renault để đạt được sự cân bằng về giá với các công ty Trung Quốc, chiếc R5 EV sắp ra mắt vào năm 2024 sẽ rẻ hơn 25% đến 30% so với các mẫu Scenic và Megane hiện có của hãng.

Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc như BYD, Nio và Xpeng đều đang nhắm đến thị trường châu Âu, nơi doanh số bán hàng tăng gần 55% lên khoảng 820.000 xe trong 7 tháng đầu năm 2023, chiếm khoảng 13% tổng doanh số ô tô tại đây.

Xpeng có kế hoạch mở rộng hơn sang thị trường châu Âu vào năm 2024. Zhejiang Leapmotor Technology đã công bố 5 mẫu ô tô điện dành cho thị trường nước ngoài, gồm cả châu Âu trong hai năm tới.

Theo công ty tư vấn ô tô Inovev, 8% ô tô điện mới bán ở châu Âu trong năm nay do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất, tăng từ 6% năm ngoái và 4% vào năm 2021.

Khoảng 41% nhà triển lãm tại IAA năm nay có trụ sở tại châu Á, với số lượng công ty Trung Quốc tham dự gấp đôi, gồm cả BYD, Xpeng và CATL (nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới).

Sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc tại châu Âu đã làm dấy lên mối lo ngại rằng họ có thể thống trị doanh số ô tô điện.

Hildegard Mueller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), cho biết: “Chúng ta (Đức) đang mất đi khả năng cạnh tranh của mình”, đồng thời cho biết IAA đã minh họa “áp lực cạnh tranh quốc tế cao” khiến việc Đức đầu tư nhiều hơn vào việc chuyển đổi sang ô tô điện trở nên cần thiết.

Theo các nhà nghiên cứu tại hãng Jato Dynamics, chiếc ô tô điện trung bình ở Trung Quốc có giá dưới 32.000 euro (35.000 USD) trong nửa đầu năm 2022 so với khoảng 56.000 euro tại châu Âu.

Oliver Zipse, Giám đốc điều hành BMW (Đức), nói khi đề cập đến việc Trung Quốc tiến vào châu Âu: “Phân khúc thị trường ô tô điện cơ bản sẽ biến mất hoặc không được các hãng châu Âu sản xuất”.

Mercedes-Benz (Đức) sẽ giới thiệu dòng ô tô điện thuộc phân khúc nhỏ gọn CLA và BMW sẽ trình làng mẫu Neue Klasse. Cả hai hãng ô tô Đức này đều nhắm vào mục tiêu gia tăng phạm vi hoạt động và hiệu suất của ô tô điện, đồng thời giảm một nửa chi phí sản xuất.

Oliver Blume, Giám đốc điều hành Volkswagen (Đức), nói rằng thông qua quan hệ đối tác tại Trung Quốc, hãng này đặt mục tiêu cắt giảm 50% chi phí pin.

Brian Gu, Chủ tịch Xpeng, cho biết mặc dù các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang tụt hậu so với Trung Quốc nhưng họ đã đưa ra "cam kết rất lớn" với xe điện thông qua quan hệ đối tác và đầu tư lớn vào công nghệ.

Brian Gu nói: “Tôi sẽ không bao giờ đánh giá thấp những công ty lớn đang cố gắng hết sức để quay lại và tập trung vào quá trình chuyển đổi quan trọng này”.

Ferdinand Dudenhoeffer, nhà phân tích ngành ô tô, cho biết người Trung Quốc là "nhà vô địch thế giới" trong việc sản xuất pin. Pin có thể chiếm tới 40% chi phí của ô tô điện. Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất pin Trung Quốc có cơ sở ở Đức đang giúp giảm chi phí ô tô điện và các chính trị gia Đức cần đảm bảo rằng họ "không bị đuổi ra khỏi đất nước với những chiến lược tách rời ngu ngốc".

Bài liên quan
Pin Shenxing của CATL giúp ô tô điện chạy được 400km sau 10 phút sạc
CATL (Trung Quốc) đã giới thiệu một loại pin lithium iron phosphate (LFP) mới có thể cung cấp phạm vi hoạt động 400km sau một lần sạc 10 phút.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU có thể phụ thuộc vào pin Trung Quốc giống năng lượng của Nga