Pháp đang đe dọa thu hồi mẫu iPhone 12 do lo ngại mức độ bức xạ vượt quá ngưỡng của Liên minh châu Âu (EU) và Apple đã chỉ thị cho nhân viên kiểm soát việc thông điệp về vấn đề này.
3 ngày qua là những ngày bận rộn của Apple, không chỉ vì sự kiện ra mắt dòng iPhone 15 rạng sáng 13.9.
Ngày 13.9, Cơ quan Điều tiết tần số vô tuyến của Pháp (ANFR) đã yêu cầu Apple tạm dừng bán iPhone 12 tại Pháp sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy SAR (tỷ lệ hấp thụ năng lượng điện từ ở cơ thể) người dùng iPhone 12 cao hơn mức cho phép.
ANFR cho biết sẽ cử đại diện đến các cửa hàng Apple và các nhà phân phối khác để kiểm tra iPhone 12 còn được bán nữa hay không và nếu Apple không tuân thủ sẽ dẫn đến việc thu hồi những chiếc iPhone 12 đã bán cho người tiêu dùng.
Đáp lại, Apple cho biết iPhone 12 (ra mắt vào năm 2020) đã được nhiều cơ quan quốc tế chứng nhận là tuân thủ các tiêu chuẩn bức xạ toàn cầu. Apple đã cung cấp một số kết quả phòng thí nghiệm của mình và bên thứ ba để chứng minh sự tuân thủ của iPhone 12 với ANFR. Công ty Mỹ đang đang tranh cãi với kết quả của ANFR, cho biết sẽ kháng cáo quyết định này.
Theo hãng tin Bloomberg, Apple đã chỉ đạo nhân viên hỗ trợ kỹ thuật tuân thủ theo một kịch bản và không tự ý cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hỏi về vấn đề này.
Nếu khách hàng hỏi về tuyên bố của chính phủ Pháp hoặc khả năng thu hồi iPhone 12, nhân viên sẽ phải trả lời rằng không có thông tin gì để chia sẻ. Nếu bị ép trả lời, nhân viên có thể thông báo rằng các sản phẩm của Apple phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về độ an toàn.
Những khách hàng muốn trả lại iPhone 12 chỉ có thể làm như vậy nếu sản phẩm đã được mua trong khoảng thời gian trả hàng tiêu chuẩn hai tuần.
Các công ty đối diện với các thách thức pháp lý, như Apple tại Pháp, thường cung cấp cho nhân viên hướng dẫn nghiêm ngặt về cách thảo luận về vấn đề này. Phương pháp này đảm bảo rằng thông điệp được kiểm soát và nhân viên không chia sẻ thông tin có thể phải sửa đổi chính thức sau đó.
ANFR cho biết các phòng thí nghiệm đã phát hiện thấy cơ thể hấp thụ năng lượng điện từ ở mức 5,74 watt/kg trong các thử nghiệm mô phỏng khi iPhone 12 được cầm trên tay hoặc để trong túi quần. Theo tiêu chuẩn châu Âu, tỷ lệ hấp thụ năng lượng điện từ là 4,0 watt/kg.
ANFR bổ sung các thử nghiệm cho thấy iPhone đáp ứng tiêu chuẩn SAR khi nó ở trong túi áo khoác hoặc túi xách. iPhone 12 cũng vượt qua các bài kiểm tra của Pháp khi được giữ trực tiếp vào đầu như thể đang gọi điện thoại.
Jean-Noel Barrot, Thứ trưởng Pháp về kinh tế kỹ thuật số, cho biết một bản cập nhật phần mềm sẽ đủ để khắc phục các vấn đề về bức xạ. “Apple dự kiến sẽ phản hồi trong vòng hai tuần. Nếu họ không làm như vậy, tôi sẵn sàng ra lệnh thu hồi tất cả iPhone 12 đang lưu hành. Quy tắc này áp dụng giống nhau với tất cả mọi người, kể cả những gã khổng lồ kỹ thuật số”, ông nói với nhật báo Le Parisien.
ANFR hiện sẽ chuyển những phát hiện của mình cho các cơ quan quản lý ở các quốc gia thành viên khác thuộc EU. Jean-Noel Barrot cho biết: “Về mặt thực tế, quyết định này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa”
Điều đáng nói là iPhone 12 đã vượt qua bài kiểm tra bức xạ do cơ quan Pháp tiến hành vào năm 2021.
Các nước EU lên tiếng
Động thái của Pháp có thể dẫn đến các lệnh cấm iPhone 12 tiếp theo ở châu Âu. Cơ quan quản lý mạng của Đức (BnetzA) cho biết họ có thể tiến hành các thủ tục tương tự và đang liên hệ chặt chẽ với chính quyền Pháp. Trong khi nhóm người tiêu dùng của Tây Ban Nha (OCU) kêu gọi chính quyền nước này tạm dừng việc bán iPhone 12.
BNetzA cho biết: “Thủ tục ở Pháp có chức năng hướng dẫn cho toàn bộ châu Âu”, đồng thời nói rằng họ có thể tiến hành các thủ tục tương tự ở Đức.
Cơ quan giám sát bức xạ Đức (BfS) cũng cho biết quyết định của Pháp có thể tác động với toàn bộ châu Âu.
Hôm 14.9, Bỉ cho biết sẽ xem xét các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến iPhone 12, làm tăng khả năng nhiều nước châu Âu có thể cấm mẫu iPhone này. Tuy nhiên, dường như không có triển vọng ngay lập tức về lệnh cấm trên toàn EU vì Ủy ban châu Âu cho biết sẽ chờ phản hồi từ các nước thành viên khác trước khi quyết định bất kỳ hành động nào.
Các quốc gia thành viên EU, được cơ quan quản lý Pháp thông báo hôm 13.9, có ba tháng để đưa ra bình luận.
Các chuyên gia đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu trong hai thập kỷ qua để đánh giá nguy cơ về sức khỏe do điện thoại di động gây ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có tác dụng phụ nào được xác định do việc sử dụng điện thoại di động gây ra.
Mathieu Michel, Bộ trưởng Ngoại giao về số hóa của Bỉ, nói với Reuters rằng cơ quan quản lý Bỉ đang xem xét vấn đề sau động thái của Pháp. Ông nói: “Chúng tôi ngay lập tức yêu cầu IBPT (Viện Dịch vụ Bưu chính và Viễn thông Bỉ) xác nhận hoặc ít nhất là phân tích và việc này đang được tiến hành”.
Mathieu Michel cũng yêu cầu cơ quan quản lý xem xét tất cả iPhone của Apple và các thiết bị khác được sản xuất ở giai đoạn sau. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn châu Âu cực kỳ thận trọng và không có mối lo ngại nào về an toàn ngay lập tức.
"Đó là lý do tại sao ngày hôm nay rõ ràng là một giới hạn đang bị vượt qua (theo quy định của cơ quan quản lý Pháp) và điều này không thể chấp nhận được, nhưng về mặt sức khỏe và an toàn, tôi không nghĩ có lý do gì để nghĩ rằng chúng ta sẽ biến thành những người xanh lá cây", Mathieu Michel nói.
Cơ quan giám sát kỹ thuật số Hà Lan cho biết đang xem xét vấn đề và sẽ yêu cầu Apple giải thích, đồng thời nhấn mạnh rằng “không có rủi ro an toàn cấp tính nào”.
Trong khi đó, Bộ công nghiệp Ý đang theo dõi tình hình nhưng hiện tại không có bất kỳ hành động nào.
Cơ quan quản lý viễn thông Bồ Đào Nha (ANACOM) thông báo đang theo dõi và phân tích các diễn biến phối hợp với Pháp, đồng thời cho rằng một trong hai kết quả có thể xảy ra: Apple sẽ khắc phục tình hình hoặc nếu không làm được điều đó, EU sẽ yêu cầu các nước thành viên “áp dụng các biện pháp tương ứng”.
Anh, nơi iPhone 12 đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn bức xạ khi được bán ra, vẫn chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào sau quyết định của Pháp.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho biết không có rủi ro an toàn vì các giới hạn quy định với SAR được đặt ra dưới mức mà họ đã tìm thấy bằng chứng về tác hại.
“Từ quan điểm về sức khỏe và an toàn, điều này không có vẻ gây nguy hiểm cho bất kỳ ai”, Giáo sư Rodney Croft, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ Bức xạ Không ion hóa (ICNIRP), cơ quan đưa ra các hướng dẫn toàn cầu về giới hạn SAR, cho biết.
Các giới hạn – dựa trên nguy cơ bị bỏng hoặc sốc nhiệt do bức xạ của điện thoại – đã được đặt thấp hơn 10 lần so với mức mà các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về tác hại.