Hạ viện Nga đã bỏ phiếu hôm 23.12 để thông qua luật cho phép nhà chức trách chặn hoặc hạn chế YouTube, Facebook, Twitter nếu phân biệt đối xử với truyền thông Nga.

Hạ viện đồng ý chặn YouTube, Facebook, Twitter nếu phân biệt đối xử với truyền thông Nga

23/12/2020, 18:12

Hạ viện Nga đã bỏ phiếu hôm 23.12 để thông qua luật cho phép nhà chức trách chặn hoặc hạn chế YouTube, Facebook, Twitter nếu phân biệt đối xử với truyền thông Nga.

Các tác giả của đạo luật trích dẫn các khiếu nại từ trang mạng nội địa như Russia Today (RT), RIA Novosti, Crimea 24 về việc Twitter, Facebook và YouTube kiểm duyệt tài khoản của họ.

Hôm 19.11, các nhà lập pháp trong Quốc hội Nga đã trình bày dự thảo luật mà nếu được thông qua, sẽ cho phép chính phủ chặn những công ty truyền thông xã hội khổng lồ của Mỹ được cho đã phân biệt đối xử với các hãng truyền thông Nga.

Theo Reuters, các tác giả của dự luật, hầu hết đều đến từ đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, cho biết đã nhận được khiếu nại từ Russia Today, RIA Novosti, Crimea 24 về việc các tài khoản bị treo hoặc dán nhãn bởi Twitter, Facebook và YouTube.

Twitter bắt đầu gắn nhãn tài khoản của một số hãng truyền thông Nga với mô tả "phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước" cùng tài khoản các nhân viên cấp cao của họ và một số quan chức chính phủ chủ chốt vào tháng 8, động thái bị Nga chỉ trích vào thời điểm đó.

Tính cấp thiết trong việc thông qua dự thảo luật do có nhiều trường hợp hạn chế vô cớ quyền truy cập của công dân Nga vào thông tin trên các phương tiện truyền thông Nga bằng một số tài nguyên internet nhất định, kể cả những người đã đăng ký bên ngoài nước Nga”, một ghi chú đính kèm tài liệu cho biết.

Để có hiệu lực, trước tiên dự luật cần được các nhà lập pháp tại Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) thông qua. Sau đó, nó cần được Thượng viện Nga (Hội đồng Liên bang) thông qua và Tổng thống Vladimir Putin ký.

ha-vien-dong-y-chan-youtube-facebook-twitter-neu-phan-biet-doi-xu-voi-truyen-thong-nga.jpg
YouTube, Twitter, Facebook có thể bị chặn ở Nga nếu phân biệt đối xử với các hãng truyền thông nước này

Khi được hỏi về luật, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết các biện pháp cần được xem xét cẩn thận, nhưng cần phải có một cơ chế để chống lại vấn đề.

Dmitry Peskov nói: “Chắc chắn có những hành động phân biệt đối xử với khách hàng Nga của các dịch vụ này. Những công ty khổng lồ này có vấn đề với khách hàng của họ, thậm chí còn phân biệt đối xử. Hãy để họ thỏa thuận với khách hàng của mình, với chúng tôi, điều chính yếu là bảo vệ chúng tôi khỏi sự phân biệt đối xử như vậy”.

Theo dự thảo, Tổng công tố Nga và Bộ ngoại giao sẽ xác định tài nguyên internet nào hạn chế quyền truy cập vào “thông tin quan trọng về mặt xã hội dựa trên quốc tịch, ngôn ngữ hoặc liên quan đến việc đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga hoặc công dân của nước này”.

Cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor sau đó sẽ có quyền chặn toàn bộ hoặc một phần chúng, dự thảo cho biết.

Từ lâu Nga đã tìm cách giành quyền kiểm soát nhiều hơn việc sử dụng internet trên lãnh thổ của mình. Dịch vụ An ninh Liên bang (FSB) đã ra lệnh cho một số công ty internet lớn nước cấp quyền truy cập liên tục vào hệ thống của họ.

LinkedIn của Microsoft bị chặn ở Nga sau khi một tòa án phát hiện mạng xã hội này vi phạm quy tắc lưu trữ dữ liệu, được thông qua vào năm 2015, trong đó yêu cầu tất cả dữ liệu về công dân Nga phải được lưu trữ trong nước.

Ở Anh, Facebook, Twitter, TikTok phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu hoặc bị chặn nếu không xóa và hạn chế việc lan truyền nội dung bất hợp pháp theo luật do Anh đề xuất hôm 15.12. Xem chi tiết tại đây.

Theo Reuters, Chính phủ Anh cho biết các nền tảng công nghệ sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ trẻ em khỏi bị tiếp xúc với hành vi bắt nạt và khiêu dâm nhằm đảm bảo an toàn cho các bé trên mạng.

Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới về trách nhiệm với công nghệ nhằm bảo vệ trẻ em và những người dùng dễ bị tổn thương, khôi phục lòng tin trong ngành công nghiệp này và tuân theo các biện pháp bảo vệ pháp luật cho quyền tự do ngôn luận”, Bộ trưởng Kỹ thuật số Anh - Oliver Dowden cho biết.

Các chính phủ trên toàn cầu đang phải vật lộn với các biện pháp để kiểm soát tốt hơn nội dung bất hợp pháp hoặc nguy hiểm trên mạng xã hội.

Sẽ được ban hành trong luật vào năm tới, các quy tắc mới của Anh có thể dẫn đến các trang web vi phạm quy tắc bị chặn và các nhà quản lý cấp cao phải chịu trách nhiệm về nội dung.

Các nền tảng phổ biến sẽ được yêu cầu có chính sách rõ ràng với nội dung không bất hợp pháp nhưng có thể gây hại, chẳng hạn như phổ biến thông tin sai lệch về vắc xin COVID-19.

Oliver Dowden nói khuôn khổ sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn các quy tắc cứng rắn để tuân theo.

Facebook và Google cho biết vào tháng 2 sẽ làm việc với Chính phủ Anh về các quy định. Cả hai công ty đều nói cực kỳ coi trọng vấn đề an toàn và đã thay đổi các chính sách, hoạt động của mình để giải quyết vấn đề tốt hơn.

Cơ quan quản lý truyền thông Anh - Ofcom sẽ có quyền phạt các công ty lên tới 18 triệu bảng Anh (24 triệu USD) hoặc 10% doanh thu toàn cầu, tùy theo mức nào cao hơn, nếu vi phạm các quy tắc.

Ofcom cũng có thể chặn các dịch vụ không tuân thủ được truy cập ở Anh.

Báo chí trực tuyến và nhận xét của độc giả trên trang web của nhà xuất bản tin tức sẽ được miễn trừ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Bài liên quan
Cố vấn công nghệ hàng đầu của Biden là mối đe dọa với Facebook, Twitter, YouTube
Bruce Reed - cố vấn công nghệ hàng đầu của Tổng thống đắc cử Joe Biden từng giúp xây dựng luật bảo mật trực tuyến mang tính bước ngoặt của bang California và gần đây đã lên án đạo luật liên bang gây tranh cãi nhằm bảo vệ các công ty internet khỏi trách nhiệm pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạ viện đồng ý chặn YouTube, Facebook, Twitter nếu phân biệt đối xử với truyền thông Nga