Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tránh đưa ra phát ngôn làm leo thang căng thẳng quanh vấn đề Đài Loan trong cuộc điện đàm ngày 28.7.
Vấn đề Đài Loan chiếm 1/3 trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ của hai nhà lãnh đạo. Chủ tịch Tập cảnh báo Tổng thống Biden không nên “chơi với lửa”. Hai ông còn bàn về cuộc chiến tại Ukraine và một số lĩnh vực Mỹ - Trung có thể hợp tác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, theo một quan chức Mỹ cấp cao.
Quan chức này từ chối cho biết hai nhà lãnh đạo có nói đến kế hoạch thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hay không. Tổng thống Biden chỉ nói rằng Washington luôn duy trì chính sách “một Trung Quốc”.
Chuyên gia Jacob Stokes thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) đánh giá: “Tôi có cảm giác hai nhà lãnh đạo khi đối thoại với nhau đã hạ nhiệt. Nhưng loạt yếu tố thúc đẩy căng thẳng trong quan hệ song phương cũng như khả năng Chủ tịch Hạ viện Pelosi sang thăm Đài Loan vẫn còn”.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi thời gian qua gây bất ngờ khi tuyên bố lên kế hoạch thăm Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ nếu chuyến thăm diễn ra. Phía Nhà Trắng khẳng định chính sách với Đài Loan của Mỹ (không lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng cung cấp cho đảo tự trị các phương tiện để tự vệ) không thay đổi.
Một số đơn vị truyền thông tiết lộ chuyến thăm sẽ diễn ra vào tháng 8. Giới phân tích cảnh báo bước đi này sẽ làm bùng lên khủng hoảng thậm chí dẫn đến đụng độ ngoài ý muốn.
Theo chuyên gia Dean Cheng thuộc tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường thực hiện nhiều chuyến bay quân sự vượt qua đường trung tuyến chia đôi eo biển Đài Loan hoặc bay vòng quanh đảo tự trị nhằm gửi đi thông điệp về sức mạnh quân sự nước này trước lẫn trong lúc Chủ tịch Hạ viện Pelosi có mặt ở Đài Loan.
Học giả Craig Singleton thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (FDD) cho rằng trong bối cảnh cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đang đối mặt với khó khăn kinh tế nghiêm trọng, áp lực giữ ổn định quan hệ song phương mà hai nhà lãnh đạo phải chịu là rất lớn.
“Có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xem xét thực sự hành động quân sự nghiêm túc hơn vào thời điểm này, mặc dù điều đó có thể thay đổi”, theo học giả Singleton.